PhotoStory

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế

Thực hiện: Trần Kháng

(Dân trí) - Sáng 6/11, nhiều câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ấn tượng, sâu sắc về nhóm lĩnh vực thứ nhất về kinh tế tổng hợp gồm kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế - 1

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các buổi tọa đàm với chuyên gia và với đại biểu Quốc hội, qua phân tích, đánh giá, các đại biểu đều thống nhất rằng, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng rất lớn; tỷ lệ dư nợ trên GDP trên 120% GDP và đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.

Nhu cầu vốn này của hệ thống ngân hàng vẫn còn một nguồn vốn dài hạn từ hệ thống ngân hàng. Vì vậy, nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể tín dụng sẽ tăng rất mạnh, có thể rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế - 2

Trả lời chất vấn về vấn đề quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay xử lý khoảng độ 90% tài sản công, còn khoảng 10% - bằng khoảng gần 1.000 tài sản công vẫn chưa được xử lý. Trong đó có khoảng độ 500 tài sản công đang còn để lãng phí và bỏ không, tạo nên sự lãng phí. 

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế - 3

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay chúng ta có 111 quy hoạch tất cả trong hệ thống quy hoạch quốc gia, từ quốc gia đến cấp tỉnh, chúng ta đã hoàn thành việc thẩm định, trình thẩm định và đã phê duyệt tổng cộng là 106/111 quy hoạch.

Kết quả trên là một nỗ lực rất lớn của tất cả các ngành, các cấp, kể cả các Bộ và các địa phương cũng như là các chuyên gia, nhà khoa học, Hội đồng thẩm định, các cơ quan liên quan trong thực hiện tiến độ.

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế - 4

Đặt vấn đề tranh luận với đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề quản lý và sử dụng tài sản công, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn ĐBQH Lâm Đồng) cho biết: "Cử tri hết sức băn khoăn, lo lắng là tình trạng về lãng phí, tiêu cực trong quản lý tài sản công, sử dụng tài sản công trong thời gian vừa qua cho thấy nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng pháp lý như Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nói, đặc biệt các vụ việc có liên quan đến vấn đề về quản lý nhà đất công sở trong thời gian vừa qua ở các đô thị diễn ra trong 5 năm vừa qua rất nhiều vụ việc…"

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế - 5

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu), bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã góp phần khôi phục tài chính cho các tổ chức, cá nhân khi không may xảy ra tai nạn.

Tuy nhiên, cử tri đã nhiều lần phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp. Việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu là để tránh cho cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường. 

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế - 6

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề bảo hiểm xe cơ giới, được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, như vậy đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc.

Trong thời gian vừa qua, xe máy bị tai nạn chiếm 64% và từ năm 2021 cho đến tháng 9/2023 các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người tai nạn khoảng gần 2.300 tỷ đồng. Điều đấy thể hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người sử dụng gói xe máy, bởi vì người sử dụng xe máy đa số là người nghèo.

Khi bị tai nạn, nếu ảnh hưởng đến tính mạng thì bảo hiểm được chi trả tối đa là 150 triệu đồng, xe bị hư hỏng thì quy định được tối đa là 50 triệu đồng. Vì vậy, cho nên đối với vấn đề bảo hiểm xe máy là bắt buộc, chúng tôi thấy đã được quy định ở trong pháp luật.

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế - 7

Đặt câu hỏi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn ĐBQH Tây Ninh) cho biết, sau một thời gian bị kìm nén thì hiện nay tín dụng đen vẫn còn đất sống, vẫn len lỏi không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả ở vùng thành thị, thậm chí một số nơi đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội.

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế - 8

Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn ĐBQH Hưng Yên) cho biết thực tế thời gian qua việc bán hàng không giao hóa đơn vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại với lý do người mua hàng không yêu cầu.

Việc này không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế mà còn tạo điều kiện để hàng lậu, hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng và đã vô tình tiếp tay cho các cơ sở kinh doanh trốn thuế.

Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề nêu trên và những giải pháp trong thời gian tới để ngăn chặn tình trạng nêu trên, tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước?

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế - 9

Gửi câu hỏi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn ĐBQH Tuyên Quang) cho biết, thực hiện Nghị quyết 44 đến nay việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đạt tiến độ đề ra.

Đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và giải pháp của ngân hàng để đẩy nhanh tiến độ việc xử lý các tổ chức tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống?

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế - 10

Trả lời vấn đề chậm thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong nhiệm kỳ tiến hành cổ phần hóa chậm do nhiều nguyên nhân.

Như doanh nghiệp muốn mua vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu đất "vàng" nhưng đến nay không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở nên không còn địa tô chênh lệch nên không hấp dẫn doanh nghiệp; phương án sử dụng đất thì chính quyền địa phương không phê chuẩn, tính giá trị sử dụng đất vào trong giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá… các bộ ngành doanh nghiệp chưa trình phương án cổ phần hóa nên dẫn đến chậm thực hiện.

Các phát ngôn ấn tượng trong phiên chất vấn 3 tư lệnh ngành kinh tế - 11

Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn ĐBQH Bến Tre) cho biết, nội dung Nghị quyết của Quốc hội đã được thể chế hóa thành những nhiệm vụ, công việc trọng tâm của Chính phủ với 6 giải pháp chung và 26 nhiệm vụ cụ thể.

Tuy nhiên, trên lĩnh vực này cử tri cho rằng, hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn. Cùng một công trình, dự án, nếu là đầu tư tư nhân thì chỉ bằng phân nửa hoặc tối đa cũng chỉ bằng 2/3 so với tổng mức vốn đầu tư công. Điều này ngành nào cũng thấy, người nào cũng biết, vậy Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về nhận định và ý kiến này của cử tri?

Nội dung: Trần Kháng

Ảnh: Như Ý - Quang Phúc - Quochoi.vn

Thiết kế: Thủy Tiên