Khó tìm nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
(Dân trí) - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói tái cơ cấu ngân hàng khó trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến động của kinh tế thế giới, kinh nghiệm cán bộ còn hạn chế.
Xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng khó
Trước tranh luận của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH Đồng Tháp) trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 6/11 về vấn đề tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó.
"Ở điều kiện bình thường đã khó nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19 cũng như biến động của kinh tế thế giới thì việc thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém càng khó hơn. Việc xây dựng đề án khó, phức tạp, chưa có tiền lệ trong khi năng lực của người tham gia đề án xây dựng cũng hạn chế", bà Hồng nói.
Đặc biệt, bà Hồng cũng đề cập đến việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện cũng khó khăn. Cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc này cũng cần phải được xin ý kiến cấp cơ quan để có sự đồng thuận thống nhất.
"Đối với các ngân hàng này, chúng tôi cũng xin ý kiến cấp có thẩm quyền và đang trong quá trình thực hiện những bước theo kế hoạch này để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ thực hiện theo đúng đề án này", bà Hồng nhấn mạnh.
Nợ xấu dự án BT, BOT tăng
Trước nội dung liên quan đến vấn đề tín dụng của các dự án BOT, BT của đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói nhu cầu vốn cho dự án hạ tầng giao thông cần khối lượng lớn, kỳ hạn vay dài. Trong khi đó, vốn của ngân hàng là ngắn hạn, nên việc cho vay khối lượng lớn, dài hạn bị ràng buộc bởi các quy định về tỷ lệ an toàn vốn.
"Nếu huy động vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn vượt quá trung dài hạn có thể gây rủi ro, hệ lụy cho ngân hàng", bà Hồng nhận xét.
Tính tới hết tháng 9, các ngân hàng đã cấp tín dụng cho 22 dự án BT, BOT với tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng, nhưng đáng nói nợ xấu chiếm 8,83%, trong đó nợ nhóm 2 chiếm trên 26%. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu nguyên nhân nợ xấu phát sinh tăng do phương án tài chính các dự án không đúng phương án xây dựng ban đầu.
"Dự án hạ tầng giao thông cần nguồn vốn lớn, dài hạn, nên chính sách huy động cần cả nguồn từ trong nước và nước ngoài. Vốn tín dụng ngân hàng có cho vay với những dự án này nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động", bà nói.
"Với tính chất, nguồn vốn cho xây dựng cho cơ sở hạ tầng giao thông số lượng lớn và thời kỳ dài hạn thì chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác kể cả là trong nước và nước ngoài, như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu, còn vốn tín dụng ngân hàng thì thực hiện tuy nhiên cũng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng", bà cho hay.