SCMP:

Các dự án "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc đối mặt với rủi ro mới

(Dân trí) - Trung Quốc đã xây dựng nhiều dự án ở những nơi mà các nghiên cứu cho thấy rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.

Các dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc đối mặt với rủi ro mới - 1

Dự án cảng biển nước sâu ở Pakistan - một dự án trong Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Một cây cầu treo ở Mozambique, một cảng biển nước sâu ở Pakistan, một con đập ở Niger… Bắc Kinh có vô số dự án hạ tầng như thế trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các dự án này rất dễ bị tổn thương trước những hậu quả tốn kém về biến đổi khí hậu, bao gồm áp lực di cư, mức nước biển dâng cao.

Tại một hội nghị thượng đỉnh Nhà trắng diễn ra trong tuần này, một nhóm các bộ trưởng quốc phòng đã mô tả biến đổi khí hậu đang đe dọa ở mức độ cấp số nhân, đẩy các khu vực bất ổn trên thế giới vào tình trạng xung đột bạo lực tồi tệ hơn. Các nhà phân tích cho rằng các dự án trong những môi trường đó và bên bờ biển có nguy cơ đặc biệt.

Courtney Hulse - một nhà phân tích tại RWR Advisory Group, một công ty tư vấn có trụ sở tại Washington chuyên theo dõi các dự án đầu tư của Trung Quốc trên thế giới - cho biết: "Có ít nhất hàng trăm dự án đầu tư của Trung Quốc ở các quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu".

Bắc Kinh đã xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài tại những nơi mà các nghiên cứu cho rằng dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.

Sahel - ranh giới của sa mạc Sahara trong đó có quốc gia châu Phi Niger - là nơi có nhiều dự án do Trung Quốc xây dựng, bao gồm cả đập thủy điện Kandadji ở phía nam nước này.

"Khu vực ở phía bắc châu Phi và Sahel chịu tác động toàn bộ của biến đổi khí hậu", Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles Fernández nói tại hội nghị thượng đỉnh tại Nhà Trắng. Ông mô tả xung đột ở khu vực cận Sahara giữa các nhóm du mục và nông nghiệp đang trở nên tồi tệ hơn do áp lực của khí hậu nóng lên và nguồn tài nguyên cạn dần.

Một dự án khác của Trung Quốc là cầu Maputo Katembe - cây cầu treo dài nhất ở châu Phi - nằm ở Mozambique, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, lốc xoáy đã tàn phá quốc gia nghèo khó ở Ấn Độ Dương. Theo một báo cáo của tổ chức Germanwatch, các cơn bão đã khiến Mozambique mất hơn 12% GDP vào năm 2019.

"Hơn một nửa các quốc gia ở châu Phi được dự đoán sẽ xảy ra xung đột do khí hậu", Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba cho biết tại hội nghị của Nhà Trắng.

Một trong những dự án ở nước ngoài nổi tiếng nhất của Trung Quốc là cảng biển nước sâu ở Gwadar, Pakistan. Đây được coi là cửa ngõ cho phép Bắc Kinh tiếp cận với Ấn Độ Dương.

Theo dự báo của tổ chức Climate Central có trụ sở tại Mỹ, khu cảng Gwadar sẽ chìm dưới nước vào năm 2060.

"Điều đáng sợ về an ninh khí hậu hiện nay là bạn có thể xoay quả địa cầu và đặt ngón tay xuống và bạn có thể xác định được những nguy cơ về an ninh khí hậu", Erin Sikorsky, Phó giám đốc Trung tâm Khí hậu và An ninh có trụ sở tại Washington, cho biết và nói thêm rằng: Nếu Trung Quốc thông minh, họ sẽ đưa vấn đề khí hậu vào các kế hoạch sắp tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang làm như vậy khi tiến hành các dự án trong BRI.

Chính Bắc Kinh cũng đã thừa nhận điều này khi nói về BRI. Một tài liệu phát hành năm 2015 mô tả các mục tiêu của chương trình BRI cũng đã đề cập ngắn gọn đến biến đổi khí hậu và "Vành đai và con đường" đã trở thành một từ thông dụng. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn thiếu nhiều chi tiết cụ thể.

Một chuyên gia đề nghị dấu tên cho rằng, BRI có rất ít các chi tiết quan trọng như mức độ nước biển dâng khi xem xét các dự án xây dựng cảng.

Khi trái đất ấm lên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phải đối phó với những thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.