Gánh nợ "khủng" cản tham vọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Hương Vũ

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trong việc hoàn thành Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cắt giảm nợ nước ngoài để giải quyết triệt để các khoản nợ trong nước, cũng như đảm bảo khoản vay trong tương lai mang tính bền vĩnh là mục tiêu mà Trung Quốc cần phải đặt lên hàng đầu trong tình hình kinh tế hiện nay.

Gánh nợ khủng cản tham vọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc - 1

Sáng kiến đầy tham vọng trên lần đầu được ông Tập Cận Bình giới thiệu vào năm 2013, với mong muốn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối hơn 70 nước. Ảnh: SCMP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước đã tăng gấp đôi cam kết của Trung Quốc đối với dự án chính sách đối ngoại lớn của ông - Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Tuy nhiên có hàng loạt các ý kiến trái chiều về tính bền vững của khoản đầu tư trên trong bối cảnh nợ trong nước gia tăng.

Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định: "Trung Quốc sẽ cân đối hơn nữa giữa các chính sách, quy tắc và tiêu chuẩn với các nước đối tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời tăng cường hợp tác về cơ sở hạ tầng, công nghiệp, thương mại, đổi mới công nghệ và khoa học, sức khỏe cộng đồng cũng như giao lưu văn hóa".

Tuy nhiên, trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải chứng kiến việc tốc độ tăng trưởng giảm tốc ngoài dự kiến. Đại dịch Covid-19 là một nguyên nhân khiến cho khối nợ ngày càng phình to. Câu hỏi đặt ra ở đây chính là liệu trong vài năm tới đây, Bắc Kinh có phải xem xét rút bớt các hoạt động quốc tế, nhất là việc tài trợ cho các dự án thuộc BRI để giải quyết các vấn đề trong nước hay không.

Sáng kiến đầy tham vọng trên lần đầu được ông Tập Cận Bình giới thiệu vào năm 2013, với mong muốn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối hơn 70 nước trên các lục địa Á, Âu và Phi bằng đường tàu, đường bộ và đường biển để hình thành "Con đường Tơ lụa" mới. Mục tiêu của Trung Quốc được xem là thúc đẩy kết nối khu vực và liên kết kinh tế, từ đó giúp Bắc Kinh gia tăng tầm ảnh hưởng về chính trị và kinh tế.

Khoản đầu tư khổng lồ

Gánh nợ khủng cản tham vọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc - 2
Diễn đàn hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ hai được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh đã có sự góp mặt của 37 nguyên thủ quốc gia các nước cùng với hơn 5.000 đại biểu quốc tế. Ảnh: China Daily

Dù cho không có số liệu chính thức nào về tổng số tiền đầu tư và cho vay của Bắc Kinh cho tham vọng này, nhưng theo ước tính của hãng phân tích Refinitiv, chỉ tính riêng trong quý I/2020, các dự án thuộc BRI lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 4.000 tỷ USD, bao gồm khoảng 2.100 tỷ USD cho 1.574 dự án có sự tham gia của Trung Quốc.

Vào năm 2019, Ngân hàng Thế giới (WB) đã ước tính trong giai đoạn 2013-2018, Trung Quốc đã chi khoảng 500 tỷ USD đầu tư vào các dự án thuộc BRI tại hơn 50 quốc gia, bao gồm 300 tỷ USD đầu tư thông qua nợ công và bảo lãnh công khai.

Trong khi đó, nợ công ty phi tài chính ở Trung Quốc đã tăng lên hơn 165% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3 năm 2020, từ 150% GDP trong cùng quý năm ngoái, theo một báo cáo tuần trước của Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

Mức độ tăng trưởng nợ của Trung Quốc hiện không chỉ xếp hạng cao nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển mà còn vượt xa những thị trường phát triển hàng đầu thế giới. Tổng nợ của Trung Quốc, bao gồm nợ hộ gia đình, nợ công và nợ phi tài chính đã tăng lên gần 290% GDP, cao hơn nhiều so với 255% vào cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của Tập đoàn bảo hiểm - tín dụng Euler Hermes (Pháp), 10 quốc gia châu Phi và Mỹ La tinh (Argentina, Brazil, Ecuador, Angola, Ai Cập, Ethopia, Ghana, Kenya, Nam Phi và Zambia) sẽ là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn vào năm 2025 khi Trung Quốc tiến hành rút dần nguồn tài chính. Vào hồi năm 2010, các quốc gia trên đã hưởng lợi mạnh mẽ nhờ có sự tham gia và đầu tư của Trung Quốc.

Nhận định về tình hình trên, bà Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại hãng tài chính Natixis (Pháp) cho biết: "Trung Quốc sẽ xem xét và chọn lọc kỹ lưỡng hơn những dự án mà họ có thể tài trợ, nhất là tại những nền kinh tế mới nổi". Bà cũng nhấn mạnh rằng những nền kinh tế này có thể sẽ lâm vào cảnh nợ nần khi xây các công trình quy mô lớn và có thể không tìm được nguồn lực đủ để tiếp tục theo đuổi dự án.

Còn theo ông Emre Tiftik, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu bền vững ở IIF, cho rằng mục tiêu hiện nay của Trung Quốc là tăng cường kết nối với các nước BRI. Do vậy, gánh nặng nợ trong thời điểm này sẽ khó xoay chuyển chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Tiftik cũng cho rằng, giới chức Trung Quốc sẽ tập trung hơn vào sự bền vững của các dòng tài chính trong tương lai.

"Gần một nửa dòng tiền đầu tư xuyên biên giới cho BRI của Trung Quốc đổ về các khu vực đang chịu rủi ro biến đổi khí hậu ở mức đáng kể. Trong bối cảnh Trung Quốc cam kết giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2060, dòng tiền đầu tư trên cũng sẽ thay đổi", ông nhấn mạnh.

Giảm tốc đầu tư

Gánh nợ khủng cản tham vọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc - 3

Nhiều nước châu Phi bị cảnh báo rơi vào "bẫy nợ ngoại giao" của Trung Quốc khi tham gia vào BRI. Ảnh: Getty

Sau những tháng dài đấu tranh với Covid-19, một điều dễ thấy được đó chính là việc Trung Quốc đã buộc phải thu hẹp lại về cả số lượng hợp đồng mới và tổng giá trị dự án thuộc BRI.

Trong 3 quý đầu năm, số lượng hợp đồng mới được các doanh nghiệp Trung Quốc ký tại 61 quốc gia BRI đã giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.

Theo SCMP, giá trị của các hợp đồng từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay đã giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, 2 ngân hàng chính đổ vốn cho sáng kiến trên là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đã bắt đầu giảm các khoản vay mới kể cả trước khi dịch diễn ra.

Nguyên nhân chính một phần cũng do sự chỉ trích đến từ các quốc gia BRI và chiến dịch xóa nợ của Bắc Kinh. Chiến dịch này đã bắt đầu từ năm 2016, nhằm hạn chế việc các chính quyền địa phương, doanh nghiệp tài chính Trung Quốc đi vay quá mức. Không những vậy, cán cân thanh toán và mục tiêu chọn lọc kỹ càng hơn khi bơm vốn BRI cũng là những lo ngại hiện đang rất được lưu ý.

"Nhiều nhưng không đáng kể"

Những số liệu nêu trên đã cho thấy Trung Quốc đang "quá đà" trong việc đầu tư và chú trọng vào nền kinh tế nội địa. Tuy vậy, theo ông Kanyi Lui thuộc Công ty Luật Pinsent Masons, những tác động từ những khoản cho vay đầu tư và nợ của Trung Quốc dù nhiều nhưng không đáng kể vì những khoản chi trên không giống với khoản nợ trong nước.

"Nhiều khoản vay BRI được chuyển đổi ngay lập tức thành hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc khi giải ngân. Số tiền cho vay không bao giờ thoát khỏi Trung Quốc", ông giải thích. Thêm vào đó, những năm gần đây, các ngân hàng lớn của Trung Quốc cũng cải thiện đáng kể quy trình cho vay, nhằm chọn lọc hơn trong việc tăng tốc tài trợ BRI.

Gánh nợ khủng cản tham vọng Vành đai và Con đường của Trung Quốc - 4
Kể từ năm 2008, nợ nội địa của Trung Quốc đã tăng với tốc độ trung bình khoảng 20%, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nước này.

Vào hồi đầu tháng 11/2018, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch kích thích nền kinh tế với tổng trị giá lên tới 4.000 tỷ NDT (586 tỷ USD) trong vòng 2 năm, nhằm chống lại ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Dù rằng những biện pháp kích thích trên đã cho thấy được hiệu quả rõ rệt và nhanh chóng, chúng cũng đã làm bùng nổ nợ trong nước. Kể từ năm 2016, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực giảm nợ để hạn chế rủi ro tài chính. Tuy vậy, việc đại dịch Covid-19 bất ngờ "ập đến" đã khiến Trung Quốc bị bất ngờ.

Tổng các khoản nợ nước ngoài được công bố của Trung Quốc đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 2.130 tỷ USD trong tháng 6. Nguyên nhân một phần là do Bắc Kinh đã thúc đẩy thu mua tài sản nước ngoài. Tuy nhiên, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc khẳng định quy mô nợ nước ngoài vẫn "nằm trong tầm kiểm soát".

Bà Agatha Kratz, Phó giám đốc hãng tư vấn Rhodium Group, khẳng định những khoản cho vay BRI của Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong danh mục cho vay của nước này.

Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đang cũng bắt đầu cải tiến các quy trình cho vay, để việc cấp vốn cho "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc một cách có chọn lọc hơn. Nguyên nhân là nhà băng này đang mắc kẹt giữa hai mục tiêu. Một là thúc đẩy ngoại giao thương mại toàn cầu thông qua BRI, mục tiêu còn lại là hỗ trợ nền kinh tế nội địa bằng những khoản vay mới trong nước.

Một rào cản khác là làn sóng đàm phán lại. Theo báo cáo hồi tháng 10 của Rhodium Group, các yêu cầu đàm phán lại liên quan đến việc hoàn trả khoản vay đã tăng lên sau đại dịch. Tính đến cuối tháng 9, 12 quốc gia vẫn đang đàm phán với Bắc Kinh về những khoản vay có tổng trị giá lên đến 94 tỷ USD.