“Bóng ma” nhập siêu trở lại, thách thức cải cách kinh tế!
(Dân trí) - Nhập siêu quay trở lại sau 3 năm và đang là nỗi ám ảnh lớn đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần nhiều hơn cải cách về năng lực sản xuất và thu hút đầu tư để cải thiện tình trạng trên
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu trở lại gần 3 tỷ USD, cao hơn so với dự báo. Trước đó, Bộ này nhận định ,tỷ lệ nhập siêu cả năm 2015 chỉ khoảng 6 - 8 tỷ USD và trọng tâm rơi vào giữa năm 2015. Tuy nhiên, với con số 3 tỷ USD trong đầu năm thì 7 tháng còn lại của năm sẽ là một thách thức không hề nhỏ đối với vấn đề hoạch toán ngân sách, cán cân thương mại, điều hành tỷ giá…
Gia tăng nhập siêu đang là nỗi ám ảnh đối với kinh tế Việt Nam và cải cách năng lực sản xuất trong nước đang là yêu cầu số 1
Theo chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan: “Ở góc độ lợi ích kinh tế, nhập siêu làm xấu hình ảnh kinh tế Việt Nam và gây nhiều áp lực phải cân bằng vĩ mô (ngân sách, tỷ giá, cán cân thương mại…). Sẽ có một bộ phận lợi ích của DN này hy sinh để DN khác được lợi, đó là bài toán trong điều hành tỷ giá. Các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang đóng góp nhiều vào nhập siêu. Đây là điều cho thấy họ đang khai thác tận dụng thị trường và lợi thế giá rẻ của Việt Nam để phát triển. Về dài hạn, khu vực này sẽ không tăng trưởng bền vững.
Cũng theo bà Lan, nếu không cải cách năng lực sản xuất, cạnh tranh của DN và nền kinh tế, tình trạng nhập siêu sẽ duy trì lâu hơn.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, đã đến lúc nhìn thẳng vào vấn đề là nhập siêu quay trở lại và những tác động của nó đang rất khó chống đỡ. "Nhập siêu đang gây áp lực lên điều hành tỷ giá hối đoái do áp lực thâm hụt thương mại gia tăng, đặc biệt là thâm hụt thương mại với Trung Quốc và gây áp lực lớn đối với ngân sách”, ông Cung nhấn mạnh.
Một khía cạnh khác, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cũng cho rằng: Nếu muốn cải thiện nhập siêu, hãy bắt đầu từ môi trường đầu tư, chính sách thu hút cạnh tranh để có được những dự án tỷ USD thay vì vài triệu đến vài trăm triệu USD.
Tuy vậy, một số chuyên gia lại không quan ngại về vấn đề này bởi họ cho rằng nhập siêu mà biểu hiện của nó là gia tăng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu, DN đã phục hồi và phát triển, thị trường hàng hóa đa dạng hơn…
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Sau 3 năm chúng ta đạt thành tích xuất siêu từ 1 –-3 tỷ, giờ là lúc chúng ta phải nhập siêu. Xuất siêu 3 năm qua chỉ phản ánh một phần sức khỏe DN Việt Nam mạnh lên, nhưng nó không bền vững”.
TS Nguyễn Đức Thành, GĐ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng khẳng định rất khó để giữ được xuất siêu khi giá dầu thô giảm mạnh. “Trong khi dầu thô, hàng xuất khẩu chính bị giảm giá, những ngành gia công như dệt may, điện tử, linh kiện điện thoại… đang phát triển đến độ “chững” về công suất và quy mô thì rất khó để Việt Nam giữ được xuất siêu”.
Theo các chuyên gia, "bóng ma" nhập siêu là khó tránh khỏi. Với các hiệp định thương mại tự do song và đa phương mà Việt Nam tham gia, thuế các mặt hàng vào Việt Nam sẽ giảm mạnh, hàng nước ngoài vào Việt Nam tăng lên. Đây là thách thức cho không chỉ các nhà điều hành chính sách mà còn cả chính bản thân các doanh nghiệp sản xuất trong nước.