1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giải mã sự trở lại của “bóng ma” nhập siêu

(Dân trí) - Tỉ giá diễn biến có lợi cho nhập khẩu và bất lợi cho xuất khẩu, trong khi đó, hoạt động xuất khẩu vẫn dựa vào khối doanh nghiệp FDI…đây là những yếu tố đã khiến cán cân thương mại của Việt Nam đối mặt thâm hụt nặng nề.

Năm 2015 có thể ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên sau 3 năm ghi nhận thặng dư
Năm 2015 có thể ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên sau 3 năm ghi nhận thặng dư

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Ngay từ quý I, cán cân thương mại chịu thâm hụt 1,8 tỉ USD, tương đương 5% kim ngạch xuất khẩu. Theo nhận định của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguyên nhân đến từ tốc độ gia tăng nhập khẩu tương đối ổn định trong khi xuất khẩu tăng chậm do suy giảm tại khu vực doanh nghiệp trong nước.

Do ngành chế biến chế tạo có tỉ lệ nhập khẩu cao, sự gia tăng trong sản xuất của các doanh nghiệp đang hoạt động và vận hành mới của các doanh nghiệp FDI trong quý I đã dẫn tới gia tăng trong nhập khẩu. 

Hàng tư bản và vật tư phụ trợ cho công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỉ lệ lớn trong nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá đầu vào ở mức thấp trong nhiều năm cũng đẩy mạnh nhập khẩu. Ví dụ như nhập khẩu xăng dầu các loại và sản phẩm từ dầu mỏ tăng 17% và 14% so với cùng kỳ.

Trong quý, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước (10,6 tỉ USD) giảm 5% so cùng kỳ, trong khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 12,9% (không kể dầu thô tăng 16,2%). Thêm vào đó, nông lâm và thuỷ sản lại là nhóm sản phẩm chịu giảm thu lớn. Xuất khẩu của ngành trong quý đạt hơn 6 tỉ USD, giảm 13% so cùng kỳ, điển hình như thuỷ sản giảm 20,6%, gạo giảm 30%, cà phê giảm gần 40% – đều là mức giảm mạnh trong 5 năm trở lại. Một phần nguyên nhân là lượng cầu các mặt hàng nông sản quay về bình thường do nhu cầu tích trữ không cao, nguồn cung dồi dào hơn năm 2014 và giá thấp đã thúc đẩy nhà sản xuất trữ hàng.

VEPR cũng chỉ ra rằng, xuất khẩu dầu thô quý I chỉ đạt 1 tỉ USD so với 1,6 tỉ USD cùng kỳ 2014 (giảm 36,6%), cùng với nhập khẩu xăng dầu tăng cao đã góp phần gia tăng thâm hụt thương mại. 
 
Ngoài ra, tỉ giá đang diễn biến theo hướng có lợi cho nhập khẩu. EUR và YEN trượt giá so với USD, qua đó giảm giá so với VND, đã thúc đẩy nhập khẩu hàng hoá từ các thị trường này. 

Nhập khẩu còn được hỗ trợ bởi xu hướng giảm giá hàng nhập khẩu kéo dài từ quý II/2012. 

Trong khi đó chỉ một số ít doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu cảm thấy năng lực cạnh tranh suy yếu do tỉ giá. Phần lớn xuất khẩu sang châu Âu được kí bằng đồng USD và được kí trước từ 3-6 tháng nên ảnh hưởng từ việc đồng EUR giảm giá đến hoạt động xuất khẩu có chiều hướng tiêu cực trên lý thuyết, dù chưa phải là mối quan ngại lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I. VEPR cho rằng, ảnh hưởng này sẽ lớn dần trong các quý sau khi EUR và YEN suy yếu theo đà nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).

Cán cân thanh toán đạt thặng dư khoảng 2,8 tỉ USD trong quý I. Vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối bù đắp mức thâm hụt từ trao đổi thương mại. Theo VEPR, năm 2015 có thể ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên sau 3 năm ghi nhận thặng dư. Độ lớn của nhập siêu, chủ yếu do gia tăng trong nhập khẩu, sẽ làm giảm thặng dư cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể. Cán cân thanh toán có thể thặng dư khoảng 4 tỉ USD (xấp xỉ 2% GDP), so với mức 11 tỉ USD (gần 6% GDP) năm 2014.

Thặng dư cán cân tổng thể hàm ý Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải duy trì mua vào ngoại tệ đi cùng với hoạt động trung hoà để duy trì kiểm soát lên tỉ giá – theo VEPR.

Bích Diệp
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm