“Bom nợ” đe dọa Trung Quốc
Các ngân hàng và chính quyền địa phương Trung Quốc đang che giấu những khoản nợ khổng lồ lên đến hàng ngàn tỉ USD, một gánh nặng có thể dẫn tới thảm họa tài chính cho nền kinh tế số 2 thế giới.
Ngày 12/9, Tân Hoa xã đăng xã luận cảnh báo Trung Quốc không nên thực hiện các biện pháp quá quyết liệt, tương tự như gói kích thích 632 tỉ USD năm 2008, để thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. “Một gói kích thích quy mô lớn sẽ đe dọa tăng trưởng bền vững của đất nước” - Tân Hoa xã nhấn mạnh.
Trước đó ngày 10-9, tạp chí The Diplomat cũng đăng bài “Phải chăng các ngân hàng Trung Quốc đang che giấu thảm họa bom nợ hẹn giờ?” của giáo sư Minxin Pei thuộc Đại học Claremont McKenna, trong đó đã khẳng định gói kích thích năm 2008 của Trung Quốc là nhằm phục hồi nền kinh tế, nhưng có thể nó đang dẫn tới một thảm họa tài chính khổng lồ.
“Đổ tiền xuống vực sâu không đáy”
Theo Cơ quan Kiểm toán quốc gia Trung Quốc (NAO), từ đầu năm 2009 đến cuối tháng 6-2012, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay tổng cộng 35.000 tỉ NDT (5.400 tỉ USD), tương đương 73% GDP của Trung Quốc năm 2011. Khoảng 2/3 các khoản cho vay được thực hiện trong năm 2009 và 2010 và nằm trong chương trình kích thích kinh tế 2008 của Bắc Kinh. Việc bơm hàng ngàn tỉ USD cho nền kinh tế đã giúp Trung Quốc giữ được tỉ lệ tăng trưởng, bất chấp suy thoái toàn cầu.
“Những thị trấn ma”
Trong bốn năm qua, hàng ngàn công trình đầy tham vọng như khu dân cư, thị trấn, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm, công viên giải trí... đã mọc lên như nấm khắp Trung Quốc. Nhưng, rốt cuộc đó lại là “những thị trấn ma”, hoàn toàn vắng lặng, bỏ hoang, không thu hút được người dân đến sinh sống, làm ăn... Như vậy, hàng loạt địa phương sẽ vỡ nợ vì phải trả lãi suất quá lớn trong khi các dự án hạ tầng này lại không tạo hiệu quả cần thiết. Theo giáo sư Pei, chỉ 20% khoản nợ này biến thành nợ xấu thôi thì các ngân hàng Trung Quốc cũng sẽ thiệt hại khoảng 2.000-2.800 tỉ NDT, như vậy sẽ phải đối mặt với đổ vỡ. |
Nhưng theo giáo sư Pei, cũng chính gói kích thích khổng lồ này đã thổi phình bong bóng bất động sản ở Trung Quốc, tiếp vốn cho các tập đoàn nhà nước đầu tư vô tội vạ, bảo hiểm cho các khoản đầu tư hạ tầng không hiệu quả của chính quyền các địa phương. Khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kéo còi báo động vào cuối năm 2010 thì dường như tất cả đã quá muộn. Khi đó, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã ôm một núi nợ khổng lồ và tiêu phần lớn nguồn tiền vào các dự án lãng phí, vô ích.
Tháng 6/2011, NAO thừa nhận tổng nợ của chính quyền các địa phương Trung Quốc tính đến cuối năm 2010 đã lên đến 10.700 tỉ NDT (1.700 tỉ USD). Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại cho rằng các địa phương nợ tới 14.000 tỉ NDT.
Tuy nhiên, trên báo Wall Street Journal, giáo sư Victor Shih thuộc Đại học Northwestern ước tính con số thực tế có thể lớn tới 15.400-20.100 tỉ NDT, tương đương 40-50% GDP của Trung Quốc. Trong đó, các công ty tài chính địa phương (LGFV), các thực thể tài chính do chính quyền các địa phương thành lập để đầu tư vào hạ tầng và các dự án khác, nợ khoảng 9.700-14.400 tỉ NDT tính đến cuối năm 2010.
Giới chuyên gia tài chính phương Tây mô tả các khoản đầu tư của LGFV là “đổ tiền xuống vực sâu không đáy”.
Chưa tháo được ngòi nổ
Thật ra Trung Quốc đã nhận ra nguy cơ của “quả bom hẹn giờ” này từ sớm. Theo Nhân Dân Nhật Báo, trong sáu tháng đầu năm 2012 Bắc Kinh đã công bố chính sách cho phép các ngân hàng giãn nợ cho các địa phương thêm ít nhất một năm. Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính cho rằng đây chỉ là hành động nhằm che giấu vấn đề trong năm chuyển giao chính trị. Và quả bom nợ không hề được tháo ngòi nổ!
Giáo sư Pei cho biết khi Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế, không chỉ chính quyền các địa phương đua nhau vay nợ và chi tiêu ồ ạt mà còn cả các công ty tư nhân. Các công ty địa ốc lớn hiện đang phải vật lộn với nguy cơ phá sản.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin đã có vài trường hợp lãnh đạo công ty địa ốc tự sát. Hồi tháng 5/2012, báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin có ít nhất 47 giám đốc công ty địa ốc đã bỏ trốn trong năm 2011 để tránh trả nợ hàng tỉ NDT cho ngân hàng.
Theo giáo sư Pei, các công ty sản xuất Trung Quốc, cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, có thể sẽ là đối tượng tiếp theo trong tầm ngắm. Tăng trưởng của Trung Quốc suy giảm trong thời gian qua sẽ dẫn tới tình trạng hàng hóa ứ đọng. Việc bán tống bán tháo lượng hàng hóa này sẽ khiến các công ty này thiệt hại nặng nề. Và các ngân hàng sẽ gõ cửa đòi nợ.
Giới chuyên gia tài chính phương Tây cảnh báo một nguy cơ nữa đối với ngành ngân hàng - tài chính Trung Quốc là hệ thống “tín dụng đen” trị giá khoảng 2.200 tỉ USD. Đó là các ngân hàng phi pháp, các cửa hiệu cầm đồ, các công ty ủy thác... Các công ty tư nhân và tập đoàn địa ốc không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng chính thức thường tìm đến “tín dụng đen” để giải cơn khát vốn và phải trả mức lãi suất cắt cổ. Hậu quả là nguy cơ vỡ nợ càng cao.
Các chuyên gia phương Tây nhận định điều nguy hiểm nhất là những nguy cơ khủng khiếp này lại không hề được đưa ra trong báo cáo tài chính của các ngân hàng Trung Quốc. Các ngân hàng nhà nước vẫn đưa ra những báo cáo lạc quan với lợi nhuận cao, tỉ lệ nợ xấu thấp... “Các ngân hàng Trung Quốc đang cố che giấu quả bom nợ khổng lồ” - giáo sư Pei kết luận.
Theo Sơn Hà
Tuổi trẻ