1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Các ngân hàng Trung Quốc bị nghi che giấu “núi” nợ xấu

(Dân trí) - Bất chấp con số công bố chính thức chỉ dưới 1%, các chuyên gia nhận định tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc đang tăng cao nhưng bị ém nhẹm. Trong thời gian tới, đây sẽ là “ác mộng” với các ngân hàng Trung Quốc.

Theo số liệu của Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng nước này cuối quý 2 vừa qua ở mức 0,9%. So với các quốc gia trong khu vực, tỷ lệ này là rất thấp. Tuy nhiên đây là quý thứ 3 liên tiếp nợ xấu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng lên và là chuỗi ngày suy giảm dài nhất trong 8 năm qua. 
Các ngân hàng Trung Quốc đang đối mật với nợ xấu tăng cao
Các ngân hàng Trung Quốc đang đối mật với nợ xấu tăng cao

Tính theo giá trị tuyệt nối, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc vào thời điểm 30/6/2012 là 456,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 72 tỷ USD), tăng 18,2 tỷ nhân dân tệ so với quý 1. Nợ xấu được ghi nhận tăng ở mọi loại hình ngân hàng, từ các ngân hàng quốc doanh tới ngân hàng nông thôn và ngân hàng nước ngoài. 

Dù vậy thì rất nhiều chuyên gia cho rằng con số trên chưa phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng bởi nhiều ngân hàng thường chậm trễ trong việc phân loại nợ từ nhóm 2 xuống nhóm 3 hoặc thậm chí không báo cáo đầy đủ tình hình nợ xấu. Việc kinh tế Trung Quốc đang ngày càng trượt dốc và dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ thấp nhất từ 1999 khiến nỗi lo nợ xấu càng tăng bởi các doanh nghiệp và các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc trả nợ.

“Chúng tôi không cho rằng khủng hoảng ngân hàng sẽ nổ ra ngay lập tức bởi chính phủ sẽ nhanh chóng can thiệp khi có biến cố để tránh viễn cảnh này. Tuy nhiên, đó không phải lí do để thở phào nhẹ nhõm”, Wei Yao, nhà chiến lược kinh tế vĩ mô, ngân hàng Société Générale's của Pháp cảnh báo. “Mặc dù chúng tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng nhưng đà sụt giảm sẽ kéo dài nhiều năm và kinh tế gặp nhiều khó khăn”. 

Theo số liệu của Bank of China (BOC), ngân hàng lớn thứ tư của nước này, thì dù tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 6 giảm từ 0,97% xuống 0,94% nhưng nợ quá hạn đã tăng 17% so với đầu năm. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều khoản nợ chuyển thành nợ xấu trong tương lai gần.

China Construction Bank Corporation (CCB), ngân hàng lớn thứ hai xét theo tổng tài sản mới đây đã cảnh báo rằng họ đang đối mặt với nguy cơ nợ quá hạn tăng lên bất chấp tình hình nợ xấu giảm. Tính đến ngày 30/6, lượng nợ quá hạn của nhà băng này tăng tới 60% so với cuối năm ngoái.

Theo ông Zuofu Chen, phó TGĐ của CCB  thì nợ quá hạn tại khu vực đồng bằng châu thổ sông Dương Tử, bao gồm các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải chiếm tới hơn 50% lượng nợ quá hạn mới phát sinh. Trong khi các lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, sản xuất chiếm tới 65% lượng nợ quá hạn. 

Ngay từ đầu năm, dư luận đã lo ngại về chất lượng dư nợ của CCB sau khi báo giới đăng tin 17 trong tổng số 47 chủ doanh nghiệp bỏ trốn hồi năm ngoái vì vỡ nợ là khách hàng của CCB. Ngoài ra, 3 tỷ nhân dân tệ của CCB đang có nguy cơ mất trắng khi một khách hàng của họ là Zhejiang Zhongjiang Holding Co Ltd vừa đệ đơn phá sản.

Theo chuyên gia của Societe Generale số lượng công ty phá sản hoặc gặp vấn đề về tài chính đã tăng mạnh trong quý 2. Nhưng việc kinh tế suy giảm không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng này mà đa số xuất phát từ sự tham gia quá mức vào hoạt động đầu cơ (như bất động sản, các loại hàng hóa), mở rộng sản xuất quá nhanh, tham gia quá sâu vào các mạng lưới bảo lãnh nợ song phương và hoạt động “tín dụng đen”.

Trong bản báo cáo công bố hôm 30/8, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã phải lên tiếng cảnh báo về chất lượng tài sản của các ngân hàng Trung Quốc. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu (NPL) tại BOC và CCB vẫn ổn định nhưng hầu hết các ngân hàng khác, nhất là những ngân hàng nhỏ đã cho thấy sự suy giảm đáng kể. Trong đó Ping An Bank Co Ltd có tỷ lệ nợ xấu tăng tới 51%.

“Có những bằng chứng cho thấy tỷ lệ NPL sẽ tăng cao trong thời gian tới”, Hu Bin, nhà phân tích cấp cao của Moody’s cho biết. “Các ngân hàng về cơ bản đều cho rằng sự giảm sút của nhu cầu nội địa và hoạt động xuất khẩu đã tác động tới lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực duyên hải phía Đông. 

Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thấy việc thắt chặt tín dụng quá mức trong lĩnh vực bất động sản cùng sự sụt mạnh trong doanh thu từ bán đất của các chính quyền địa phương là những nhân tố sẽ tiếp tục làm suy yếu chất lượng nợ của các ngân hàng. Chúng tôi tin rằng xu thế này mới chỉ bắt đầu”. 

Thanh Tùng
Tổng hợp