Kinh tế Trung Quốc: Cả sản xuất và tiêu dùng đều lao dốc
(Dân trí) - Bất chấp những nỗ lực “bơm” tiền hỗ trợ của chính phủ, kinh tế Trung Quốc vẫn đang trượt dốc khi cả lĩnh vực sản xuất lẫn tiêu dùng đều sụt giảm mạnh. Ngay cả các doanh nghiệp quốc doanh cũng chỉ có kết quả kinh doanh èo uột.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, trong tháng 7 lợi nhuận của các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã có mức sụt giảm lớn nhất từ đầu năm và là tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp. Cụ thể, lợi nhuận của các công ty thuộc 41 ngành công nghiệp khác nhau chỉ đạt 366,8 tỷ nhân dân tệ, giảm 5,4% so với tháng 7/2011.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang phải thắt chặt chi tiêu (Ảnh: Bloomberg)
Tính chung cả 7 tháng đầu năm, các công ty sản xuất công nghiệp chỉ thu về 2.700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 425 tỷ USD), giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh, những người được hưởng ưu đãi vượt trội cả về vốn lẫn sự độc quyền trong nhiều lĩnh vực là ảm đạm hơn cả khi mức lợi nhuận giảm tới 12,2%. Trong khi đó khối doanh nghiệp tư nhân lại đạt mức tăng trưởng 15,5%.
Trước đó kết quả khảo sát của ngân hàng HSBC cho thấy Chỉ số Nhà quản trị mua hàng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8 đã ở mức thấp nhất 9 tháng qua khi chỉ đạt 47,8 điểm, giảm so với 49,3 điểm của tháng 7. Trong khi đó theo quy định chỉ số này phải ở mức trên 50 điểm thì lĩnh vực sản xuất mới tăng trưởng.
“Năm nay là một năm khó khăn bởi cả yếu tố chu kỳ lẫn cấu trúc đều đang tác động xấu tới nền kinh tế và sự phục hồi tăng trưởng”, báo cáo của Barclay's Capital nhận định. Đồng thời quỹ đầu tư của ngân hàng Anh quốc này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay từ 8,1% xuống 7,9%. Tương tự ngân hàng HSBC cũng đã hạ dự báo tăng trưởng từ 8,4% xuống 8,0%. Tăng trưởng GDP năm 2013 cũng bị điều chỉnh giảm từ 8,8% xuống 8,5%.
Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, một trung tâm sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng. “Chúng tôi đã phải dừng 1 trong 3 dây chuyền sản xuất và sa thải 1/3 số nhân công do số lượng đơn hàng giảm 40% so với năm ngoái”, Zhang Ming, giám đốc công ty sản xuất giày Wenzhou Sincere Shoes chia sẻ.
Ông cũng cho biết thêm rằng chính sách thuế khóa quá cao đang là gánh nặng cho công ty của mình. Năm nay vị chủ doanh nghiệp này chỉ hy vọng lợi nhuận ròng bằng một phần mười năm ngoái.
Hoạt động sản xuất èo uột khiến lượng người thất nghiệp tăng còn thị trường chứng khoán lao dốc xuống mức thấp nhất 41 tháng qua. Tình hình này khiến người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục phải thắt chặt chi tiêu và càng làm cho tình hình kinh tế thêm khó khăn. Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà bán lẻ nước này, từ quần áo, giày dép tới máy tính, hàng điện tử đều bị sụt giảm doanh thu.
Trong tháng 7, doanh số phương tiện trở khách đạt thấp hơn dự báo của các chuyên gia. Chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ thể thao Li Ning Co. phải đóng cửa đến 1200 gian hàng trong 2 quý đầu năm. Tương tự nhà bán lẻ Parkson Retail Group Ltd cũng có mức tăng trưởng doanh thu giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn bán lẻ đồ điện tử Gome Electrical Appliances Holding Ltd. thì cho biết lợi nhuận 6 tháng đầu năm sẽ ở mức âm do doanh số giảm mạnh.
“Áp lực đối với ngành bán lẻ đang ngày một tăng cao”, Shen Jianguang, kinh tế gia trưởng khu vực châu Á của công ty chứng khoán ngân hàng Mizuho nhận định. “Khi xuất khẩu èo uột còn hoạt động đầu tư ở mức yếu, nếu các công ty cắt giảm sản xuất và nhân sự thì làm sao chi tiêu của người tiêu dùng có thể giữ ở mức cao?”
Trong 4 tháng gần đây thì có đến 3 tháng doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không đạt dự báo của các nhà kinh tế, và ngân hàng Mizuho cho rằng tình hình trong tháng này cũng không khá hơn. Theo công bố của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, doanh số bán lẻ của tháng 7 tăng 13,1% so với cùng kỳ 2011, thấp hơn mức dự báo 13,5% của 32 chuyên gia được Bloomberg khảo sát.
“Chi tiêu của người tiêu dùng chủ yếu bị tác động bởi thu nhập, mà như chúng ta thấy lợi nhuận của lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7 đang giảm nhanh hơn. Điều đó có nghĩa là các khoản tiền lương, tiền công và phụ cấp của công nhân bị ảnh hưởng”, Zhang Zhiwei kinh tế gia trưởng của Nomura Holdings Inc khẳng định. Đồng thời chuyên gia này dự báo xu thế giảm của lĩnh vực bán lẻ sẽ còn kéo dài từ 1-2 tháng nữa.
Thanh Tùng
Tổng hợp