Cục diện thị trường gọi xe công nghệ:

Bolt có đấu nổi Grab, Be và Xanh SM ở thị trường Việt Nam?

Thanh Thương

(Dân trí) - Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa Grab, Be và Xanh SM. Liệu Bolt có đủ sức để cạnh tranh với 3 "ông lớn" này nếu gia nhập thị trường Việt Nam?

Mới đây, Bolt - "gã khổng lồ" gọi xe công nghệ đến từ châu Âu đã có động thái gia nhập thị trường Việt Nam khi tuyển dụng nhân sự, tài xế tại TPHCM. Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại diện Bolt đánh giá mặc dù Việt Nam là một thị trường thú vị với nhiều tiềm năng, nhưng hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa có quyết định chính thức về việc gia nhập thị trường này.

"Doanh nghiệp liên tục tìm kiếm các thị trường tiềm năng để mở rộng và tận dụng các phân tích từ đội ngũ chuyên gia để đảm bảo ra mắt thành công tại thị trường đó. Hiện, Bolt tập trung phát triển tại Thái Lan và Malaysia", đại diện ứng dụng này cho hay.

Thực tế, sự thận trọng của Bolt đối với thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu, bởi trước đó, hàng loạt "ông lớn" ngoại đã phải nhanh chóng rút lui trong cuộc đua "đốt tiền" khốc liệt. Gần đây nhất là Gojek đã phải rút khỏi Việt Nam sau 6 năm hoạt động. 

Hàng loạt "ông lớn" rời sân

Năm 2014, khởi đầu cho thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam là sự xuất hiện của hai "tay chơi" ngoại là Uber và Grab. Thời điểm đó, khái niệm gọi xe qua ứng dụng vẫn còn mới mẻ.

Chỉ khi đến năm 2018, Uber buộc phải rời sân, bán lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ thì thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam mới thực sự trở nên sôi động. Hàng loạt ứng dụng mới ra mắt thị trường như GoViet, Be, FastGo, Vato, Aber, MyGo, Xelo... với nhiều tham vọng lớn.

Tuy nhiên, sau 2 năm, Aber và hàng loạt cái tên khác, cả nội địa lẫn nước ngoài đã biết mất nhanh chóng trên thị trường. Sân chơi gọi xe công nghệ tại Việt Nam thời điểm đó chỉ còn lại Grab, GoViet - ứng dụng được hậu thuẫn bởi Gojek, Be và Baemin.

Đến tháng 9/2024, Gojek bất ngờ thông báo rút khỏi thị trường Việt Nam sau chưa đầy một năm Baemin - ứng dụng giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc, cũng thông báo ngừng hoạt động. Gojek kết thúc hành trình 6 năm hoạt động tại Việt Nam trong bối cảnh chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt với Grab, Be hay đối thủ mới thành lập là Xanh SM.

Bolt có đấu nổi Grab, Be và Xanh SM ở thị trường Việt Nam? - 1

Sự rút lui của Gojek vào tháng 9/2024 khiến thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam được định hình theo chiều hướng mới (Ảnh: Reuters).

Theo giới chuyên gia, quyết định rời Việt Nam của Gojek cũng dễ hiểu khi doanh thu của hãng có xu hướng thu hẹp trong khi mức lỗ lũy kế đã vọt lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Năm 2023, Gojek chỉ thu khoảng 200 tỷ đồng tại Việt Nam, giảm mạnh hơn 50% so với năm 2022. Trong khi đó theo tờ The Business Times, trong quý II/2024, Gojek Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị giao dịch của công ty mẹ GoTo.

Sự rút lui của hàng loạt "tay chơi ngoại" như Uber, Gojek hay Beamin... chứng tỏ sự khốc liệt của thị trường gọi xe và giao đồ ăn tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, điều này đã mở ra cơ hội cho các ứng dụng đặt xe nội là Be, Xanh SM vươn lên chiếm lĩnh thị phần sau nhiều năm chật vật trên sân nhà. Những nền tảng này đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống mà Gojek để lại, nhờ vào việc hiểu rõ thị trường trong nước, đồng thời áp dụng các chiến lược truyền thông để thu hút người dùng.

Cục diện mới của thị trường

Đến đầu năm nay, thị trường gọi xe công nghệ Việt còn lại 3 tên tuổi chính là Grab, Be và Xanh SM. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, một công ty nghiên cứu thị trường đến từ Ấn Độ, quy mô thị trường này đạt 880 triệu USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ tăng lên 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 19,5% trong giai đoạn 2024-2029.

Grab vẫn giữ vị trí dẫn đầu với hơn 50% thị phần, nhưng cuộc cạnh tranh đang trở nên gay gắt hơn với sự xuất hiện của tân binh Xanh SM và sự vươn lên mạnh mẽ của Be.

Chỉ sau 7 tháng gia nhập thị trường kể từ tháng 4/2023, Xanh SM đã chiếm 18,17% thị phần, đứng thứ hai toàn ngành, sau Grab (58,68%), theo báo cáo của Mordor Intelligence. Tỷ lệ này thậm chí cao gấp 2-3 lần những đối thủ đã có nhiều năm trên thị trường như Be.

Sự xuất hiện của tân binh mới trong năm 2023 được hãng nghiên cứu Ấn Độ ví như hiện tượng "TikTok Shop trong lĩnh vực gọi xe", làm thay đổi thứ hạng, thị phần vốn được thiết lập trong nhiều năm tại Việt Nam.

Còn theo báo cáo "The Connected Consumer quý I/2024", Grab vẫn dẫn đầu lượng người dùng tại Việt Nam với 64%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã thu hẹp so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng Xanh SM nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 2 khi chiếm 32%, Be là 24%.

Dù gia nhập thị trường muộn hơn "ông lớn" Grab, nhưng cả Be và Xanh SM đều cho thấy năng lực cạnh tranh mạnh mẽ khiến các hãng gọi xe công nghệ nước ngoài tại Việt Nam hoặc muốn tham gia thị trường như Bolt phải dè chừng.

Đặc biệt, 2 "tay chơi" này đều sở hữu tiềm lực mạnh, được hậu thuẫn bởi những tập đoàn lớn. Chẳng hạn, Xanh SM đang có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ tập đoàn Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Hay Be liên tục được các tổ chức tài chính như VPBank, Deutsche Bank với khoản tài trợ, cho vay lên tới hàng trăm triệu USD.

Tuy nhiên, nếu Bolt - "gã khổng lồ" gọi xe được định giá hơn 8 tỷ USD đến từ châu Âu thực sự gia nhập thị trường Việt Nam, thì Grab, Xanh SM và Be được dự báo sẽ khó dễ dàng giữ vững ngôi vị. Bởi trước đó, với nguồn lực lớn từ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính lớn, Bolt đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ ở châu Âu nhờ chiến lược thu hoa hồng thấp và giá cước cạnh tranh.

Bolt có đấu nổi Grab, Be và Xanh SM ở thị trường Việt Nam? - 2

Bolt triển khai chiến dịch giảm giá 50% để thu hút hành khách mới tại Malaysia (Ảnh: Lowyat).

Tại Đông Nam Á, Bolt bắt đầu mở rộng hoạt động từ năm 2020 tại Thái Lan, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Bangkok, Phuket và Chiang Mai. Trong thời gian đầu hoạt động, hãng thực hiện chiến lược không thu hoa hồng từ tài xế, đồng thời cam kết giá cước thấp hơn 20% so với đối thủ.

Đến tháng 11/2024, hãng tiếp tục mở rộng sang Malaysia tại 2 thành phố là Klang Valley và Kuala Lumpur. Tại đây, doanh nghiệp áp dụng mức hoa hồng cố định là 15% khi ra mắt, đồng thời triển khai chiến dịch giảm giá 50% để thu hút hành khách mới, theo The Rakyat Post.

Sau hơn 10 năm hoạt động Bolt đã trở thành một trong những công ty công nghệ phát triển nhanh nhất châu Âu. Hiện doanh nghiệp này cung cấp các dịch vụ như gọi xe, giao đồ ăn, giao hàng tạp hóa, thuê xe điện và dịch vụ di chuyển cho doanh nghiệp, hoạt động tại hơn 50 quốc gia trên toàn cầu.

Theo Reuters, Bolt đã đạt doanh thu 2 tỷ euro (2,11 tỷ USD) vào năm 2024. Trước đó năm 2022, doanh nghiệp này được định giá hơn 8 tỷ USD khi huy động được 628 triệu euro từ các nhà đầu tư vào tháng 1/2022.