1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Gojek lấy gì cạnh tranh với Be, Grab ở mảng gọi xe 4 bánh?

Hoàng Dung

(Dân trí) - "Vũ khí bí mật" để tiến vào mảng gọi xe 4 bánh được ông Phùng Tuấn Đức - Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam - chia sẻ.

Cạnh tranh bằng gì?

Sáng nay (18/11), Gojek ra mắt mảng xe 4 bánh tại Việt Nam, trước mắt là thị trường TPHCM. Ông Phùng Tuấn Đức - Tổng Giám đốc Gojek - cho rằng việc tập trung vào 2 yếu tố: làm sao giải quyết nhu cầu người dùng tại thời điểm đó, làm sao mang lại lợi ích cho cộng đồng là quan trọng. Hãng không chạy theo công nghệ mới nhất, hiện đại nhất hay chạy đua khuyến mại và đó là cách thức hãng được sinh ra, hoạt động từ năm 2010 trở lại đây. 

Gojek lấy gì cạnh tranh với Be, Grab ở mảng gọi xe 4 bánh? - 1

GoCar được triển khai thử nghiệm lần đầu tại TPHCM vào tháng 8/2021 (Ảnh: Gojek).

Ông Đức lấy ví dụ, khi dịch vụ gọi xe 4 bánh nở rộ với nhiều cái tên quen thuộc như Uber, Easy Taxi thì các nhà sáng lập Gojek ở Indonesia nhận ra Jakarta đang có vấn nạn kẹt xe, việc khách hàng đặt thêm một chiếc ô tô ra đường không giải quyết được vấn đề gì. Trong khi đó, các tài xế xe ôm truyền thống đang gặp khó khăn, bấp bênh về thu nhập. Để giải bài toán 2 mục tiêu này, Gojek đã ra đời.

"Đó cũng là cách chúng tôi chọn thời điểm ra mắt GoCar khi nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân thành phố tăng cao. Khi dịch Covid-19 bùng phát, ngoài di chuyển, mọi người còn quan tâm về an toàn, sức khỏe, bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những rủi ro. Chúng tôi có trong tay năng lực giúp đỡ mọi người và giải quyết vấn đề, đó là lý do chúng tôi ra mắt loại hình gọi xe 4 bánh", ông Đức nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi trước đây Gojek tuyên bố chiến lược của hãng tại Việt Nam là đi vào chiều sâu một cách bền vững thay vì dàn trải dịch vụ, không muốn tham gia các cuộc chiến về giá cả. Lần này, khi Gojek tung ra dịch vụ gọi xe 4 bánh thì hãng có tự tin về các chỉ số tài chính về chính hay không, ông cho rằng, sau 3 năm hoạt động ở Việt Nam, hãng thực sự phát triển về chiều sâu khi xoay quanh dịch vụ xe 2 bánh. Ông Đức cho biết, hãng đang cố gắng tạo ra thu nhập tốt nhất cho các tài xế bằng cách bổ sung một số giao đồ ăn, giao hàng bên cạnh gọi xe. 

Bổ sung thêm về ý kiến trên, ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Phát triển Đối tác Tài xế, Gojek Việt Nam - cho rằng, đối với các tài xế, việc có thu nhập ổn định từ GoCar là điều kiện rất quan trọng. Hiện tại, hãng cũng hỗ trợ các tài xế sau thời gian thành phố giãn cách xã hội. 

Thị trường gọi xe 4 bánh "đỏ lửa"

Sức nóng của thị trường gọi xe, đặc biệt là xe công nghệ ở Việt Nam rất lớn. Trước Gojek, từng có 4 hãng gọi xe công nghệ đình đám nhảy vào thị trường Việt Nam như Easy Taxi, Grab, Uber, Be nhưng hiện nay chỉ còn 2 hãng trụ được. 

Đầu tiên phải kể đến là "ngoại binh" Easy Taxi đến Việt Nam vào tháng 12/2013 với dịch vụ gọi xe 4 bánh. Nhưng đến năm 2015, hãng này chính thức rút lui khỏi cuộc chơi.

Tiếp theo là Grab vào TPHCM từ tháng 2/2014 với dịch vụ gọi xe 2 bánh, 4 bánh và mở rộng thị trường ra Hà Nội vào năm 2015. Tính đến nay, Grab vẫn là "anh lớn" trong thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam khi sống khỏe, sống tốt.

Đến tháng 6/2014, một đối thủ nặng ký khác của Grab là Uber, cũng vào Việt Nam. Sau 4 năm cầm cự, Uber đã bị "nuốt  chửng" tại thị trường Việt Nam khi  tuyên bố bán lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab. 

Cuối năm 2018, một hãng gọi xe thuần Việt ra đời có tên là Be, cạnh tranh trực tiếp với Grab, Gojek. Không chờ đợi quá lâu, Be cho ra mắt 2 mảng kinh doanh chính là beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh) và beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh) đồng loạt tại Hà Nội và TPHCM. Đến nay, Be vẫn đang hoạt động. 

Từng chia sẻ với Dân trí, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, Gojek dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi gia nhập thị trường gọi xe 4 bánh tại Việt Nam khi hiện nay, 2 đối thủ nặng ký của hãng là Grab và Be đang dần phủ sóng, chiếm lĩnh thị trường.

Theo góc nhìn của ông Long, thị trường gọi ô tô công nghệ ở Việt Nam vẫn khá tiềm năng, có đất phát triển. Nhưng điều quan trọng là các hãng có trụ lại được không. Bởi lẽ trước đó, một tên tuổi khá lớn trong ngành là Uber cũng từng bị đá bay khỏi thị trường.

"Cho nên, Gojek muốn thắng ở cuộc chơi này cần có 3 yếu tố. Thứ nhất là phải cạnh tranh được về giá so với các hãng khác. Thứ hai là nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng. Thứ ba là có mức chiết khấu hấp dẫn cho đối tác, mà đối tác ở đây chính là các tài xế", ông Long phân tích.