Bộ trưởng Phát: “Việt Nam có thể trồng cây macca ở nhiều vùng...”

(Dân trí) - Với cây macca, Bộ NNPTNT đề nghị trước mắt đến năm 2020, Việt Nam phát triển khoảng 10.000 ha và người nông dân chỉ nên trồng với giá thành sản xuất dưới 30.000/kg quả khô mới đảm bảo khả năng phát triển bền vững, lâu dài.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Trao đổi tại Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 31/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát cho biết, sau 20 năm theo dõi, Bộ NNPTNT khẳng định, Việt Nam có thể trồng cây macca ở nhiều vùng, đặc biệt là ở Tây Nguyên và Tây Bắc. 

Tuy nhiên, ông Phát cũng lưu ý rằng, việc phát triển cây macca phải tuân thủ các quy trình rất chặt chẽ về mặt kỹ thuật, đặc biệt là về giống.

Bộ NNPTNT đã khảo nghiệm và công nhận khoảng 10 giống; đồng thời khuyến cáo bà con nông dân chỉ trồng cây macca đã khảo nghiệm và khẳng định trồng có hiệu quả cao hoặc có điều kiện tương tự. Người dân cần tuân thủ quy trình hướng dẫn của Bộ NNPTNT, sử dụng cây ghép bằng những giống mà Bộ đã khảo nghiệm và công nhận.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát

Trả lời câu hỏi Việt Nam nên trồng trên diện tích là bao nhiêu, Bộ trưởng Phát cho hay, sau khi cân nhắc các mặt về điều kiện tự nhiên, khả năng chuẩn bị giống, thị trường, Bộ NNPTNT đề nghị trước mắt đến năm 2020, Việt Nam phát triển khoảng 10.000 ha. Mặt khác, người nông dân chỉ nên trồng với giá thành sản xuất dưới 30.000/kg quả khô thì mới đảm bảo khả năng phát triển bền vững, lâu dài.

Liên quan đến câu chuyện tiêu thụ nông sản, lãnh đạo Bộ NNPTNT cho biết, cơ quan này đã theo dõi sát sao diễn biến thị trường. Chẳng hạn với dưa hấu, chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc; do đó, việc đàm phán để tăng khả năng thông quan là yếu tố quan trọng.

Đối với hành tím của Sóc Trăng, nguyên nhân chính dẫn đến giá giảm là do 70% hành tím xuất khẩu đi các nước, trong đó chủ yếu là Indonesia. Nhưng từ cuối 2014, Indonesia đã dừng nhập khẩu hành của Việt Nam. Bộ NNPTNT đã liên hệ với các đồng nghiệp tại Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại của Indonesia để bàn các biện pháp tháo gỡ và tiếp tục tác động qua các kênh khác nữa. 

Tương tự đối với thị trường lúa gạo, cao su… Bộ cũng đã làm các biện pháp có thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh xuất khẩu trở lại.

Bên cạnh các biện pháp trên, Bộ NNPTNT tiếp tục phối hợp với các Bộ, tìm kiếm cơ hội và mở cửa những thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam thông qua hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông sản Việt Nam, tổ chức lại sản xuất trong đó tập trung thực hiện những giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và hoạt động nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất và kinh doanh xuất khẩu nông sản.

Liên quan đến thông tin thị trường Mỹ và Australia tuyên bố chấp thuận nhập khẩu nông sản của Việt Nam, Bộ trưởng Phát lưu ý, đây là những thị trường có yêu cầu chất lượng rất cao, đồng thời chi phí bảo quản, vận tải cũng cao, nên ở giai đoạn đầu còn một số khó khăn nhất định và cần thời gian để doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu để xuất khẩu hàng nông sản sang các thị trường này.

Hiện nay, Bộ NNPTNT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao làm việc với các nước để khơi thông về mặt thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho các loại rau quả của Việt Nam bán được sang các thị trường nước ngoài nhiều hơn.

Ngoài ra, Bộ cũng làm việc trực tiếp với các nước để thống nhất những thủ tục có liên quan đến kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng và liên tục làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để lắng nghe các ý kiến, những khó khăn vướng mắc để giải quyết.

Trong năm 2014, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục là 31 tỷ USD, tuy nhiên, qua gần nửa năm 2015, xuất khẩu nông sản mới chỉ đạt hơn 11 tỷ USD, tức là mới được bằng 1/3 so với năm ngoái. 

Trong tình hình này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NNPTNT tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc với từng loại sản phẩm và trên từng thị trường cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Với thị trường trong nước, Bộ cũng hướng dẫn và hỗ trợ nông dân tập trung vào đẩy mạnh sản xuất mặt hàng có thị trường thuận lợi, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh trạnh của các loại nông sản chủ lực của nước ta.

Chẳng hạn với mặt hàng lúa gạo, Bộ chủ trương không tăng số lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng và hạ giá thành. “Tôi đề nghị các địa phương hướng dẫn và hỗ trợ nông dân trồng những giống lúa bán được giá cao hơn. Như ở Thái Bình, với giống lúa thường chỉ bán được ở mức 6.500 đồng/kg, nhưng những giống lúa có chất lượng cao hơn có thể bán ở mức 8.000 đồng/kg” - gười đứng đầu ngành nông nghiệp nói.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”