Vải, nhãn Việt mất 12 năm tìm đường sang Úc, Mỹ

(Dân trí) - Để phía Mỹ, Úc cho phép Việt Nam xuất khẩu vải và nhãn vào nước họ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải trải qua quá trình đàm phán rất khó khăn và kéo dài tới 12 năm.

Trao đổi với PV Dân Trí sáng 29/5, ông Hoàng Trung – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Để có thể xuất khẩu vải, nhãn sang Mỹ và Úc, phía Việt Nam phải đáp ứng nhiều yêu cầu rất phức tạp của phía đối tác nhất là vấn đề kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Phía Bộ NN&PTNT và Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) đã chỉ đạo trực tiếp các địa phương có diện tích trồng vải, nhãn ở Bắc Giang, Hải Dương và một số tỉnh miền Nam để trồng theo tiêu chuẩn của họ.

 Ông Hoàng Trung – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT). Ảnh: N.A
 Ông Hoàng Trung – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT). Ảnh: N.A

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA
 
Trước hết, trồng vải và nhãn phải được trồng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Theo đó, trong quá trình chăm sóc, việc sử dụng thuốc BVTV phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Những thuốc mà phía Mỹ và Úc không cho phép sử dụng trên quả vải và nhãn phải được thực hiện. Sau khi hướng dẫn và tập huấn cho nông dân, Cục đã xuống kiểm tra và cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của Mỹ và Úc. Đến nay, Cục đã cấp được 8 mã số vùng trồng vải ở Bắc Giang và 2 mã số vùng trồng vải ở Hải Dương, tương đương tổng 100ha; đồng thời cấp 2 mã số vùng trồng nhãn ở Hưng Yên và 2 mã số vùng trồng nhãn ở Hà Nội.

Ngoài ra, phía Việt Nam cũng phải xây dựng được bản đồ chiếu xạ hoa quả tươi. Hiện nay, Cục BVTV đã phối hợp với các doanh nghiệp (DN) và các cơ sở xử lý chiếu xạ xây dựng được bản đồ chiếu xạ và phía Mỹ và Úc đã chấp nhận.

“Tôi có thể khẳng định đến nay phía Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, trong đó có yêu cầu kiểm dịch thực vật của Úc và Mỹ. Khi Việt Nam xuất khẩu được vải và nhãn sang Mỹ và Úc thì việc xuất khẩu sang các thị trường khác sẽ dễ dàng hơn,” ông Trung khẳng định.

Phía Cục đã chủ động lựa chọn các DN đã từng xuất khẩu thanh long và chôm chôm sang Mỹ và Úc để tham gia xuất khẩu vải và nhãn đợt này. Công ty Ánh Dương Sao và Công ty Rồng Đỏ đã tham gia thu mua và ký kết với nông dân để xuất khẩu vải, nhãn sang Mỹ và Úc. Ngoài ra, rất nhiều DN đã đặt vấn đề để tham gia xuất khẩu, trong đó có Công ty Thiên Anh Minh và cả Việt kiều Úc. Công ty Son Son ở TPHCM chịu trách nhiệm trực tiếp về vấn đề chiếu xạ.

Trong đợt xuất khẩu này, Việt Nam không kỳ vọng xuất khẩu khối lượng lớn mà chỉ cần khai thông thị trường. Điều này vô cùng ý nghĩa bởi nó chứng tỏ công tác kiểm dịch của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu kiểm dịch thực vật của 2 thị trường khó tính. Điều này cũng tạo động lực lớn cho người nông dân canh tác theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và hình thành thói quen sản xuất theo quy trình chất lượng, đồng thời kết nối DN với địa phương và nông dân.

Để phía Mỹ, Úc cho phép Việt Nam xuất khẩu vải và nhãn vào nước họ, các cơ quan chức năng của Việt Nam trong đó Cục BVTV đã phải trải qua quá trình đàm phán rất khó khăn và kéo dài tới 12 năm.

Theo quy định của phía đối tác Mỹ và Úc, một cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam phải có thư chính thức kèm theo đó là các thông tin kỹ thuật theo tiêu chuẩn của họ và của quốc tế. Trên cơ sở đó, phía đối tác tiến hành phân tích nguy cơ dịch hại và quả nhãn và vải của Việt Nam mất hơn 10 năm để hoàn thành quy trình này.

Trong suốt quá trình này, hai bên đều họp song phương nhiều lần. Các cán bộ cấp cao của nước ta từ cấp Chủ tịch nước đến Bộ trưởng,..đều đặt vấn đề này trong các cuộc thăm viếng giữa hai bên.

“Một trong những vấn đề trở ngại nhất là vấn đề phân tích nguy cơ dịch hạy mất thời gian rất lâu. Với nhiều nước thì quá trình này diễn ra ngắn hơn như Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ mất 3 năm, với New Zealand cũng nhanh hơn,” ông Trung nhận định.

Vải là loại quả tươi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Úc (Ảnh minh họa)
Vải là loại quả tươi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Úc (Ảnh minh họa)

Vải là trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được xuất sang Úc. Trong khi đó, đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu thanh long và chôm chôm sang Mỹ. Phía Mỹ đang xuất khẩu táo, lê, nho và anh đào sang Việt Nam.

“Việt Nam đã nộp hồ sơ xin xuất khẩu 12 loại trái cây sang Mỹ. Ngoài 4 loại quả được xuất khẩu sang Mỹ, có 2 loại trái cây khác là xoài và vú sữa đã làm xong thủ tục và hai bên đã đi đến thống nhất nhưng phía đối tác chưa thông báo chính thức về việc cho phép chúng ta xuất khẩu,” ông khẳng định.

Sẽ đầu tư 20 tỷ cho trung tâm chiếu xạ hoa quả ở miền Bắc

Theo kế hoạch, ngày 30/5, Công ty Ánh Dương Sao sẽ xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Mỹ với khối lượng 1 tấn. Tiếp đó đến ngày 01/6, công ty này cũng sẽ tiếp tục xuất thêm 5 tấn nhãn kèm 1 lô vải (khoảng 1 tấn) sang Mỹ.

Vào ngày 10/6, Công ty Rồng Đỏ sẽ xuất lô vải đầu tiên sang Úc. Tuy nhiên, khối lượng vẫn chưa được xác định cụ thể vì phía công ty vẫn đang tiếp tục thu mua từ nông dân.

Theo ông Trung, hiện nay ở Việt Nam có 2 cơ sở chiếu xạ hoa quả tươi là Công ty Son Son và Công ty Cp Chiếu xạ An Phú đều ở TPHCM.

Nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển và công tác chiếu xạ được rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Cục BVTV làm việc với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia (Bộ KH&CN) cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu chiếu xạ.

“Sau khi Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có văn bản gửi cho Bộ KHCN thì bộ này đã quyết định đầu tư gần 20 tỷ để xây dựng cơ sở vật chất cho trung tâm này,” ông Trung nói.

Dự kiến đến cuối 2015, dây chuyền chiếu xạ tại trung tâm này sẽ hoàn thành và Cục sẽ về kiểm tra đồng thời mời đại diện của Mỹ và Úc sang thẩm định.

Với sự hoạt động của trung tâm chiếu xạ này thì vụ vải sang năm sẽ chủ động hơn trong công tác chiếu xạ và hy vọng việc xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Nguyên An
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”