1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bỏ hoang chợ hiện đại, dân tìm về chợ cóc

Bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỷ để xây mới, nâng cấp các chợ truyền thống thành chợ hiện đại. Song, các chợ, siêu thị này luôn vắng teo, ế ẩm. Người dân lại tìm đến các chợ cóc, chợ tạm để mua hàng.

Có thể điểm danh một số chợ truyền thống - vốn là điểm đến đông đúc, sầm uất của Hà Nội - nay được chuyển đổi, nâng cấp lên chơi hiện đại nhưng vắng như chùa bà Đanh: chợ Ô Chợ Dừa  (Đống Đa), chợ Cửa Nam (Hoàn Kiếm), chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm), chợ Bưởi, chợ Thượng Đình (Thanh Xuân)...

Càng hiện đại càng vắng khách

Chợ Ô Chợ Dừa được chuyển đổi thành trung tâm thương mại (TTTM) OCD Plaza với 7 tầng và 1 tầng hầm để xe. Nhiều người khi đến đây còn lầm tưởng là khu vui chơi, giải trí do tấm biển Karaoke Club to đùng án ngữ trước mặt. Trong chợ, chỉ có tầng 1 và 2 của tòa nhà được thuê bán hàng và làm dịch vụ hay văn phòng. Tất cả các tầng còn lại đều trống trơn. Ngay cả ở hai tầng dưới, có đến 80% quầy hàng đóng cửa, chỉ lèo tèo vài quầy mở nhưng cực kỳ vắng khách. Một số quầy còn trở thành nơi tập trung rác, phế liệu của tòa nhà.

Khi được hỏi về chợ Ô Chợ Dừa, một chủ quán thịt nướng trên đường La Thành nói: "Cái nhà karaoke đó hả? Mang tiếng là chợ nhưng có cái gì bán trong đó đâu? Lâu rồi có ai vào đó đi chợ hay mua sắm gì. Tiểu thương cũng bỏ đi hết lâu rồi".

Chợ Cửa Nam cũng nằm trong tình trạng tương tự. Ngay trước lối đi xuống tầng hầm, nơi được giới thiệu là bán thực phẩm sạch, nhưng thực tế đây là một siêu thị nhỏ với 2 gian hàng. Tất cả đều được đóng gói, niêm yết giá, thanh toán ở quầy thu ngân, không thể được gọi là chợ. Khi vào đây thì tuyệt đối không thấy một khách nào mua hàng, dù là thứ 7. Mấy thu ngân đành ngồi buôn chuyện cho hết giờ.

Án ngữ trước chợ Ô Chợ Dừa là một quán karaoke.
Án ngữ trước chợ Ô Chợ Dừa là một quán karaoke.

Trong chợ, duy nhất chỉ có một tầng hầm bán thực phẩm, một tầng hầm để trông xe. Các phòng khác của tòa nhà đều được sử dụng với mục đích khác, hoặc đã được các tập đoàn, tổ chức mua lại.

Một nhân viên của chợ cho hay: "Chợ này được bán hết rồi, chỉ còn dưới tầng hầm 1 thôi, nhưng không ai đi chợ cả. Các tiểu thương trước ở đây đều bán lại cho chủ đầu tư rồi ra ngoài hết rồi. Vắng khách nên họ cũng chẳng thiết quay lại".

Cách chợ Cửa Nam không xa, chợ Hàng Da cũng là một trường hợp điển hình. Trước khi được xây dựng như hiện nay, chợ Hàng Da là một địa điểm quen thuộc của người Hà Nội, họp theo đúng kiểu chợ nhỏ, với 3 tầng buôn bán đồ hộp, thực phẩm, quần áo sida.

Còn trong chợ, có gian hàng dùng để vật liệu xây dựng bừa bãi.
Còn trong chợ, có gian hàng dùng để vật liệu xây dựng bừa bãi.

Với bộ mặt hiện tại, xung quanh kín mít, treo đầy tranh ảnh, rồi bãi đỗ ôtô trước chợ, bên trong thì các quầy hàng bố trí như siêu thị, bán các mặt hàng xa xỉ, người dân không thể tìm thấy hình ảnh chợ Hàng Da trước kia.

Tình trạng vắng khách trong các quầy hàng trong chợ Hàng Da là điều dễ nhận thấy khi vào đây. Các cửa hàng chỉ bán toàn đồ cao cấp, người dân không mấy mặn mà. Lâu lâu chỉ thấy vài ba khách Việt, khách Tây vào ngó nghiêng. Các quầy thu ngân trống hoắc, không người trông. Dù là hàng cao cấp, giảm giá tới 50% vẫn vắng khách. Nhiều quầy hàng đóng cửa, rồi để trống hoặc được đập phá, che chắn để sửa sang lại.

Cứu vãn cho cả tòa nhà may ra chỉ là hai hội trường cho thuê đám cưới ở tầng 7. Tuy có 2 tầng hầm dưới tòa nhà vẫn duy trì kiểu chợ truyền thống nhưng tình trạng ế khách, tiểu thương ngồi chơi cho hết buổi vẫn diễn ra. 1/3 quầy hàng đóng cửa.

Chợ Cửa Nam tầng hầm 1 và 2 để trông xe và bán hàng, nhưng khách thưa thớt.
Chợ Cửa Nam tầng hầm 1 và 2 để trông xe và bán hàng, nhưng khách thưa thớt.

Người dân ở đây thường nói đùa "chợ Hàng Da chỉ có ra không có vào" - câu nói phản ánh chính xác tình trạng ở đây. Người hoài niệm thì tiếc cho khung cảnh quá thân thuộc của chợ Hàng Da cũ.

Chợ Thượng Đình, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân có lẽ là trường hợp bi đát nhất về tình trạng xây chợ khang trang, rộng rãi nhưng lãng phí do không được sử dụng. Được xây mới 3 tầng từ một khu đất người dân họp chợ, nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay, 2 tầng trên của chợ vẫn không có ai buôn bán. Tầng 1 chỉ được sử dụng một phần gần mặt tiền của chợ, phần còn lại được dùng để giữ xe ngày đêm cho người dân xung quanh và các văn phòng, cơ quan.

Hiện tầng 1 chỉ có gần chục quầy hàng, nhưng hầu như đều nhem nhuốc, cũ kỹ vì toàn là hàng tồn, ế ẩm không có khách mua. Tầng 2 tuyệt đối trống không. Tầng 3 trước được tận dụng để cho thuê phòng tập thể dục với giá 7 triệu, nhưng nay thì không có người thuê.

Bỏ hoang chợ hiện đại, dân tìm về chợ cóc - 4
Chợ Hàng Da vốn tấp nập với quần áo cũ, nay bán hàng đắt tiền, hàng hiệu nhưng khách ít khi nhòm ngó tới.

Người dân chỉ thích đi chợ cóc

Hầu hết các chợ được xây mới được thiết kế không phù hợp, không gian thiếu thoáng đãng, bãi để xe bất hợp lý hay có tầng hầm nhưng để gửi được cũng vất vả. Bài trí trong chợ chật hẹp, khó tìm lối đi.

Bác Nguyễn Thị Quỳnh 70 tuổi ở phố Nguyễn Thái Học, gần chợ Cửa Nam, phân trần: "Đây không thể gọi là chợ được. Người ta chỉ vào đây tham quan thôi. Bất tiện cực kỳ, lọc cọc chạy xuống tầng hầm gửi xe, rồi leo bộ lên, vừa mất công, mất sức lại tốn thời gian chỉ để mua vào đồ ăn. Tôi già rồi nên không mấy khi vào đây nữa".

Bác Phạm Văn Chiến ở 8 Nguyễn Khuyến gần đó nhận xét: "Mấy ai nay vào chợ này nữa. Đồ thì đắt đỏ, không phù hợp với người lao động. Dân quanh đây toàn đi chợ Ngô Sỹ Liên, chợ ga, bí hơn thì đi chợ cóc, gánh hàng rong gần đường cho tiện. Dựng xe mua xong rồi về luôn".

Bỏ hoang chợ hiện đại, dân tìm về chợ cóc - 5
Các quầy hàng trong chợ Hàng Da hoặc bỏ trống, hoặc bị vây bạt như thế này.

Trong khi đó, xung quanh chợ Hàng Da, sau khi được xây mới, nhiều chợ cóc, chợ tạm được mở lên trong các ngõ để phục vụ nhu cầu người dân. Vì thế, người dân càng không nhất thiết phải đi chợ mới.

Bác Tĩnh bán bánh mỳ ở phố Yên Thái, trước chợ Hàng Da, chia sẻ: "Hiện đại thật đấy nhưng chưa chắc đã hay, người dân quay ra đi buôn bán ở các ngõ nhỏ, chợ cóc, mọi thứ đều thuận tiện mua bán. Vào chợ chỉ để mua mớ rau, lạng thịt mà mất 3.000 gửi xe thì chả muốn vào nữa, mất công".

Khi được nói là thành phố có dự định phá hết chợ để xây siêu thị, bác cho rằng: "Chợ phải ra chợ, siêu thị ra siêu thị, không thể lẫn lộn được. Nếu phá hết các chợ cũ thì thật khó cho những người có thu nhập thấp như chúng tôi. Với thói quen của người Việt từ xưa, kiểu họp chợ làng là thuận tiện nhất. Ai cũng muốn đi chợ tạm, chợ cóc cho nhanh, đồ lại dễ mua, tươi ngon nữa".

Đóng khoảng 40 triệu cho 5 năm buôn bán ở một quầy nhỏ trong chợ Thượng Đình, bác Nguyễn Thị Hòa, 65 tuổi cũng là một trong những người đầu tiên buôn bán ở chợ. Bác buồn rầu: "Trước đây cũng có một số buôn bán trong chợ, nhưng sau có một vài người bỏ ra đường, ra ngõ, rồi chợ cóc bán, thấy chạy hàng, bán được nên họ theo nhau ra hết. Tôi bỏ tiền ra rồi, dù ế ẩm nhưng vẫn cố cầm cự. Không hiểu tại sao trước đây người dân tự động họp chợ, bán như chợ làng thì đông đúc, nay xây lại khang trang hơn thì lại vắng teo?".
 
Theo Đức Tình
VEF