Báo cáo xử lý lãnh đạo Vinastas vụ "nước mắm Asen" trước 20/4

(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Vinatas yêu cầu báo cáo kiểm điểm, xử lý các cá nhân trong vụ cố tình công bố sai thông tin về nước mắm truyền thống, nhất là với cá nhân Chủ tịch Vinastas Đoàn Phương.

Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo kết quả xử lý vụ nước mắm.
Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo kết quả xử lý vụ nước mắm.

Nguồn tin của Dân trí cho biết, Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản gửi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) yêu cầu hội này báo cáo việc kiểm điểm xử lý đối với các cá nhân trong vụ công bố kết quả khảo sát nước mắm hồi tháng 10 năm ngoái.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng yêu cầu báo cáo việc kiểm điểm với cá nhân Chủ tịch Vinastas Đoàn Phương. Báo cáo phải gửi về Bộ Công Thương trước ngày 20/4.

Liên quan tới kết quả khảo sát nước mắm “tai tiếng” này, hồi tháng 12 năm ngoái, Vinastas đã phải chính thức xin cải chính lại thông tin.

Tại thời điểm đó, Vinastas thừa nhận, thông cáo báo chí nhóm khảo sát đã sai khi đồng nhất khái niệm arsen với thạch tín. Ngoài ra, có đề cập đến arsen tổng mà không nói rõ về khái niệm này nên hội xin nói lại cho rõ hơn là arsen tổng bao gồm arsen vô cơ và arsen hữu cơ, trong đó chỉ có arsen vô cơ có độc tính.

Theo Vinastas, nhóm khảo sát cũng đã lấy 20 mẫu nước mắm trong số các mẫu đã kiểm tra hàm lượng arsen tổng để kiểm tra hàm lượng arsen vô cơ song đều không phát hiện arsen vô cơ và an toàn cho việc sử dụng.

Đối với bài viết “Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn” được đăng trên website của Vinastas ngày 18/10/2016, Vinastas cũng nhận thấy là không chính xác và ngay lập tức đã gỡ bỏ bài viết này.

Trước đó, ngày 24/11/2016, Vinastas đã có công văn cáo lỗi về việc thông tin kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc chưa thận trọng, chính xác.

"Vinastas một lần nữa xin lỗi người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm, các hội nước mắm, các cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan. Vinastas đang nghiêm túc kiểm điểm và sẽ có các hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan, đồng thời kiện toàn tổ chức, hoàn thiện quy chế làm việc để không xảy ra sai sót trong các hoạt động của Hội sau này", Vinastas cho biết.

Liên quan tới khảo sát nước mắm của Vinastas, 6 hội và hiệp hội bao gồm: Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Nha Trang, Hiệp hội nước mắm Cát Hải, Hội Lương thực thực phẩm TPHM và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vừa có kiến nghị gửi lên các bộ ngành về các giải pháp phát triển nước mắm truyền thống.

Tại văn bản này, các hiệp hội cho rằng, việc Vinastas đăng tải văn bản xin lỗi vào ngày 24/11 chưa thật sự thấy lỗi quan trọng nhất của mình đó là: nhân danh Hội bảo vệ người tiêu dùng tiếp tay cho một doanh nghiệp để làm hại cho những doanh nghiệp khác.

"Hành động này không chỉ lừa dối người tiêu dùng, đi ngược lại tên gọi của hội mà còn tạo nên một thị trường cạnh tranh không lành mạnh, tạo thế mạnh cho doanh nghiệp lớn chèn ép các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm theo phương pháp truyền thống", các doanh nghiệp nêu ý kiến chung.

Các hiệp hội này cũng cho rằng, văn bản xin lỗi của Vinastas đã không làm rõ danh tính của nhà tài trợ cũng như lý do vì sao chỉ tập trung kiểm tra chỉ tiêu arsen mà không tìm kiếm các kim loại nặng khác, tại sao quy chuẩn Việt Nam chỉ nêu ngưỡng độc của arsen vô cơ lại đi kiểm tra asen tổng rồi lấy đó làm căn cứ kết luận nước mắm cao đạm có arsen tổng vượt ngưỡng quy định của Bộ Y tế.

“Văn bản này cũng không nêu trách nhiệm đền bù của Vinastas vì đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống”, văn bản nêu.

Nhóm các Hiệp hội kiến nghị Chính phủ làm rõ đơn vị chủ trì việc tài trợ cho Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy để tiến hành các hoạt động vừa qua dẫn đến sự cố “nước mắm truyền thống nhiễm arsen”.

“Việc công khai danh tính đơn vị chủ trì các hoạt động tài trợ cùng với lời xin lỗi của đơn vị chủ trì gây nên sự cố sẽ là biện pháp răn đe hiệu quả nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng việc “gắp lửa bỏ tay người”, sử dụng truyền thông và nhiều tổ chức khác nhau, gây tác động lớn đến người tiêu dùng như vừa qua”, văn bản nêu rõ.

Phương Dung