1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bán thêm từ quần áo đến bỉm sữa, Thế Giới Di Động được, mất gì?

Việt Đức

(Dân trí) - Thừa nhận không phải thử nghiệm nào cũng sẽ thành công và có thể ảnh hưởng một phần đến sự tập trung, ông chủ Thế Giới Di Động nhấn mạnh tạo ra các mô hình mới là cách để giữ được đà tăng trưởng.

"Nếu muốn có được một cái mới, chúng tôi phải thử nhiều thứ. Trong quá khứ, chúng tôi đã thử nhiều thứ rồi nhưng lẳng lặng. Trong rất nhiều thử nghiệm, có thứ tiềm năng chúng tôi mở rộng ra cũng có thứ phải lẳng lặng dọn dẹp", Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG) Nguyễn Đức Tài trả lời nhà đầu tư tại buổi cập nhật kết quả kinh doanh quý I vào giữa tháng 5 vừa qua khi nhận được câu hỏi liệu việc đang thử nghiệm, mở rộng sang nhiều lĩnh vực có làm mất đi sự tập trung của doanh nghiệp. 

Đối đầu trực diện những tay chơi ngành bỉm sữa

Gần 2 tuần sau phát biểu trên, Thế Giới Di Động công bố hoàn tất cột mốc mở rộng số lượng cửa hàng kinh doanh sản phẩm mẹ và bé (AVAKids) lên 50 vào ngày 1/6 và tiếp tục đặt mục tiêu tăng số lượng điểm bán lên hơn 200 và cuối năm nay. Cửa hàng được công ty lựa chọn tổ chức sự kiện đánh dấu cột mốc trên nằm ngay trên trục đường có đầy đủ các đối thủ cạnh tranh khác như Con Cưng, Bibo Mart, Kids Plaza.

Sản phẩm mẹ và bé là một trong 5 ngành hàng được tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đồng loạt khai trương thử nghiệm vào đầu năm nay cùng thương hiệu chung AVA. Trong các mảng mới, xe đạp và trang sức được Thế Giới Di Động kinh doanh theo mô hình trưng bày ngay ở các cửa hàng hiện hữu. Với lĩnh vực thời trang, đồ thể thao, sản phẩm mẹ và bé, doanh nghiệp xây dựng các cửa hàng độc lập riêng bên ngoài.

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc điều hành các chuỗi thuộc Thế Giới Di Động trừ Bách Hóa Xanh, doanh số bình quân của mỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm mẹ và bé hiện tại khoảng 1,8-2 tỷ đồng/tháng. Như vậy, nếu tiếp tục giữ được mức doanh thu nói trên, ngành hàng sản phẩm mẹ và bé có thể đem lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng cho tập đoàn trong năm nay.

Bán thêm từ quần áo đến bỉm sữa, Thế Giới Di Động được, mất gì? - 1

Ông Nguyễn Đức Tài (ngoài cùng bên trái) và ông Đoàn Văn Hiểu Em, hai người đang trực tiếp điều hành các chuỗi bán lẻ của Thế Giới Di Động (Ảnh: MWG).

Hiện tại, Con Cưng là hệ thống bán hàng cho mẹ và bé có quy mô lớn nhất Việt Nam với trên 650 cửa hàng. Hai thương hiệu còn lại trong top 3 có số lượng cửa hàng không quá chênh lệch, trong khoảng 150-170 gồm Bibo Mart và Kids Plaza. Như vậy, nếu hoàn tất kế hoạch tăng số lượng cửa hàng AVAKids lên 200 vào cuối năm nay, Thế Giới Di Động sẽ trở thành nhà bán lẻ lớn thứ hai trên thị trường mẹ và bé.

Tuy nhiên, theo ông Hiểu Em, với quy mô tổng doanh thu ước tính khoảng 6-7 tỷ USD cùng với sự phân mảnh khi miếng bánh thị phần lớn vẫn chủ yếu thuộc về các cửa hàng nhỏ, lẻ, thị trường mẹ và bé còn dư địa rất lớn và doanh nghiệp đặt mục tiêu sẽ có đến hàng nghìn cửa hàng và giành lấy vị trí số một trong năm tới.

"Nghiên cứu ra được một chuỗi mới rất khó nhưng một khi đã tìm được công thức, mô hình chuẩn rồi nhân lên thì đó là sở trường của chúng tôi. Nôm na là từ không thành có thì tốn nhiều thời gian nhưng từ có thành có nhiều hơn thì chúng tôi đi rất nhanh", ông Hiểu Em chia sẻ với Dân trí.

Ngoài đồ mẹ và bé, Thế Giới Di Động cũng đang âm thầm mở rộng các cửa hàng kinh doanh hàng thể thao. Hiện tại, doanh nghiệp cũng đang âm thầm mở mới thêm một số điểm bán để nâng số lượng cửa hàng bán đồ thể thao lên 10.

Theo ông Hiểu Em, lĩnh vực kinh doanh đồ thể thao ở Việt Nam cũng có tiềm năng lớn khi chưa có hệ thống nào ở vị trí thống trị thị trường. Tuy nhiên, mảng này có quy mô khách hàng nhỏ hơn nên công ty dự kiến nếu tăng tốc mở rộng cũng sẽ chỉ gói gọn trong phạm vi khoảng 200 cửa hàng tập trung ở các đô thị lớn.

Thời trang - miếng bánh khó nhằn với người ngoài cuộc

Trong 3 lĩnh vực thử nghiệm còn lại, mô hình kinh doanh xe đạp thực chất đã được Thế Giới Di Động triển khai từ đầu năm 2021 và hiện có hơn 150 điểm bán tích hợp vào các siêu thị điện máy của công ty. Riêng hai ngành hàng thời trang và trang sức đến nay vẫn dậm chân tại chỗ với 4-5 cửa hàng như thời điểm khai trương hồi tháng 1. Ông Hiểu Em thừa nhận đây là hai lĩnh vực "phức tạp".

Theo ông, công ty đang thử nghiệm kinh doanh thời trang theo mô hình ODM (nhà sản xuất thiết kế gốc), nghĩa là chuỗi sẽ làm việc với các đơn vị sản xuất may mặc trong nước, chọn mẫu sản phẩm phù hợp rồi đóng thương hiệu của mình và bán tại cửa hàng. Ông Hiểu Em cho rằng qua thử nghiệm, cách làm này chỉ phù hợp với cửa hàng nhỏ lẻ còn nếu muốn làm chuỗi thời trang thì phải xây dựng được giá trị riêng.

Bán thêm từ quần áo đến bỉm sữa, Thế Giới Di Động được, mất gì? - 2

Ông Hiểu Em thừa nhận thời trang là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi nhiều năng lực chứ không chỉ liên quan đến khâu bán lẻ như thế mạnh của công ty (Ảnh: MWG).

Theo CEO này, các thương hiệu thời trang lớn đều nắm luôn phần cốt lõi liên quan sản xuất như có đội ngũ sáng tạo, thiết kế riêng, chọn vật liệu phù hợp sau đó đặt hàng các nhà máy may mặc và giám sát kỹ công đoạn sản xuất. Ông cho biết quy trình trên đòi hỏi sự đầu tư, khối lượng công việc rất lớn trong khi năng lực lõi của công ty là bán lẻ. 

Có thể thời gian tới Thế Giới Di Động sẽ hợp tác với một đơn vị có năng lực về thiết kế, sản xuất thời trang còn công ty sẽ chỉ chịu trách nhiệm bán lẻ, vận hành cửa hàng. "Chúng tôi đang tìm những hướng đi mới cho thời trang và trang sức. Nếu sau khi thử hết mọi cách vẫn không ổn, cũng không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ đóng lại. Tuy nhiên, tôi vẫn còn rất máu vì hai lĩnh vực này có thị trường rất lớn", ông Hiểu Em chia sẻ với Dân trí.

Chia sẻ với nhà đầu tư trước đó, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng bản chất của việc thử nghiệm chính là vì không chắc ý tưởng của mình có thành công hay không. Có những thử nghiệm ở hiện tại chưa đủ tốt nhưng có tiềm năng trong tương lai, song cũng có thứ sau khi thử mới biết là "không ngon lành" cả ngắn và dài hạn.

Ông Tài đánh giá việc thử nghiệm, mở rộng ra nhiều lĩnh vực có ảnh hưởng một ít đến sự tập trung của ban điều hành nhưng vấn đề là nếu tập trung tuyệt đối, làm một thứ suốt đời thì sẽ không khó tăng trưởng, các chuỗi như Điện Máy Xanh hay Bách Hóa Xanh cũng đã không ra đời. "Muốn phát triển thì phải có nghiên cứu phát triển (R&D), nhưng nếu dàn hàng ngang để cùng phát triển là sai lầm vì sẽ mất tập trung. Chúng tôi chỉ chọn cái gì thật sự tiềm năng để nhân lên", ông Tài nói.

Hiện tại, bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán chưa đưa ra dự phóng doanh thu cho các chuỗi mới AVA vì tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu của Thế Giới Di Động trong năm nay vẫn còn nhỏ. Các mô hình mới được dự báo sẽ bắt đầu mang lại doanh thu đáng kể từ năm sau.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm