1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại gia Nguyễn Đức Tài bắt tay đại gia để đặt chân sang "xứ vạn đảo"

Việt Đức

(Dân trí) - Thế Giới Di Động liên doanh với một đại gia bán lẻ tại Indonesia để mở cửa hàng tại "xứ vạn đảo" Indonesia. Trước đó, tập đoàn này đã có 50 cửa hàng tại Campuchia.

Thị trường nước ngoài thứ hai

Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) vừa công bố sẽ hợp tác với Erafone, công ty con của Tập đoàn Erajaya, để thành lập liên doanh Era Blue Elektronic tại Indonesia. Cửa hàng điện máy đầu tiên mang thương hiệu Era Blue dự kiến sẽ hoạt động vào giữa năm nay tại thủ đô Jakarta của quốc gia vạn đảo. Tuy nhiên, phần vốn góp giữa hai đơn vị trong liên doanh này chưa được tiết lộ.

Erafone là doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ với quy mô lớn tại Indonesia, sở hữu mạng lưới khoảng 1.200 cửa hàng. Còn tập đoàn mẹ Erajaya thành lập năm 1996, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như nhập khẩu, phân phối, bán lẻ thiết bị viễn thông, công nghệ. 

Tập đoàn Erajaya niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Jakarta vào năm 2011. Hiện tại, vốn hóa của Erajaya đạt khoảng 600 triệu USD. Trong khi đó, Thế Giới Di Động được định giá hơn 4 tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam. 

Trước đó, thông tin sẽ mở rộng hoạt động ra thị trường Indonesia được ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO điều hành hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tiết lộ tại buổi chia sẻ thông tin với nhà đầu tư vào đầu tháng 2. 

Tập đoàn bán lẻ hàng công nghệ do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch HĐQT bắt đầu "mang chuông đi đánh xứ người" từ năm 2017 khi mở cửa hàng điện thoại đầu tiên tại Campuchia. Sau đó, chuỗi này chuyển đổi mô hình từ bán lẻ điện thoại sang điện máy, đồng thời thay đổi tên thương hiệu tại Campuchia từ BigPhone sang Bluetronics. 

Đại gia Nguyễn Đức Tài bắt tay đại gia để đặt chân sang xứ vạn đảo - 1

Một cửa hàng tại Campuchia (Ảnh: MWG).

Đến nay, ông Hiểu Em cho biết hiện thương hiệu đã có 50 cửa hàng ở đất nước chùa tháp, quy mô lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại, điện máy. Dự kiến hệ thống tại Campuchia của tập đoàn sẽ hòa vốn trong năm nay. 

CEO công ty nhiều lần khẳng định thị trường Campuchia có quy mô nhỏ, sức mua thấp, nên công ty không có ý định mở rộng thêm sau khi đã đạt mốc 50 cửa hàng. Dù chưa đem lại hiệu quả quá lớn về doanh thu, lợi nhuận, nhưng thị trường này giúp doanh nghiệp thu hoạch nhiều kinh nghiệm trong việc mở chuỗi ở nước ngoài, thích nghi từ chính sách pháp luật, vận hành, bán hàng. "Mở một cửa hàng ở Campuchia khó tương đương mở 10 điểm ở Việt Nam", ông Hiểu Em từng chia sẻ với Dân trí.

Đổi hướng từ Myanmar sang Indonesia

Sau Campuchia, Thế Giới Di Động từng dự định tiếp tục thử nghiệm mở cửa hàng tại Myanmar. Tuy nhiên, những bất ổn về chính trị tại quốc gia này xuất hiện từ đầu năm 2021 đã khiến công ty dừng kế hoạch mở rộng. 

Sau đó, doanh nghiệp này tiếp tục nghiên cứu các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á. Theo ông Hiểu Em, dù nhiều nước trong khu vực ASEAN phát triển hơn Việt Nam nhưng công ty vẫn nhìn ra cơ hội khi các thị trường bán lẻ điện thoại, điện máy có tính phân mảnh, không có một nhà bán lẻ chiếm thị phần áp đảo tuyệt đối trên 50%.

Thế Giới Di Động cho biết hiện đã chiếm khoảng 60% thị phần bán lẻ điện thoại, 50% với điện máy tại Việt Nam. Dù vẫn triển khai nhiều nỗ lực gia tăng doanh thu như mở chuỗi riêng chuyên bán sản phẩm của Apple, mở rộng mạng lưới cửa hàng tại khu vực nông thôn, hợp tác với các đại lý nhỏ, đầu tư cho kênh online, ban lãnh đạo công ty thừa nhận dư địa tăng trưởng với thị trường trong nước không còn nhiều khi công ty đã chiếm quá bán thị phần.

Đại gia Nguyễn Đức Tài bắt tay đại gia để đặt chân sang xứ vạn đảo - 2

Biểu đồ: Việt Đức.

Trong đó, tập đoàn này xác định hai hướng đi chính gồm mở rộng ra thị trường nước ngoài và kinh doanh thêm nhiều ngành hàng. Đầu tháng 1, Thế Giới Di Động đã thử nghiệm nhiều mảng kinh doanh hoàn toàn mới như bán lẻ thời trang, đồ thể thao, sản phẩm mẹ và bé, trang sức, xe đạp. 

Do đợt khai trương đúng vào dịp mua sắm cuối năm trước kỳ nghỉ Tết nên doanh thu của các hệ thống mới tốt. Tuy nhiên, ông Hiểu Em cho biết sẽ cần thêm thời gian để đo lường hiệu quả của các thử nghiệm mới khi việc bán hàng đi vào giai đoạn ổn định. 

Năm ngoái, Thế Giới Di Động đạt doanh thu thuần gần 123.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 4.900 tỷ đồng. Năm nay, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng đến 30% với kế hoạch lợi nhuận ròng 6.350 tỷ đồng. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm