Áp thuế tự vệ bột ngọt nhập khẩu: Doanh nghiệp sản xuất lo thiệt hại “nhãn tiền”

Trong tình hình thực tế, nếu Việt Nam đưa ra thuế phòng vệ thương mại cho các mặt hàng sản xuất trong nước mà không cân nhắc kỹ càng thì có thể sẽ gây thiệt hại đến người tiêu dùng và chính doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, do tiềm lực, kinh nghiệm và nguồn lực của doanh nghiệp đều yếu nên Việt Nam bắt buộc phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế, nếu Việt Nam đưa ra thuế phòng vệ thương mại cho các mặt hàng sản xuất trong nước mà không cân nhắc kỹ càng thì có thể sẽ gây thiệt hại đến người tiêu dùng và chính doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong khi đó, biện pháp này cũng không khuyến khích được sản xuất trong nước tăng được sức cạnh tranh, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập sâu như hiện nay.


Việc áp thuế phòng vệ thương mại không cân nhắc kỹ có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước

Việc áp thuế phòng vệ thương mại không cân nhắc kỹ có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước

Dẫn chứng với mặt hàng bột ngọt mới bị áp thuế tự vệ từ cuối tháng 3 vừa qua cho thấy, mức thuế tự vệ áp dụng cho sản phẩm bột ngọt nhập khẩu sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nhà sản xuất - kinh doanh trong nước, người tiêu dùng mà còn đi ngược lại xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại diện một đơn vị sản xuất và xuất khẩu bột ngọt vào thị trường Việt Nam cho biết: mì ăn liền, nước chấm, hạt nêm là những ngành công nghiệp thực phẩm quan trọng và thiết yếu đang sử dụng một lượng bột ngọt rất lớn. Do đó, nếu tăng thuế nhập khẩu bột ngọt, giá bột ngọt cũng sẽ tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp thực phẩm này, mà người ảnh hưởng cuối cùng không ai khác chính là người tiêu dùng.

Giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu bột ngọt tại Việt Nam nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi đã phải đóng thuế nhập khẩu khi nhập mặt hàng bột ngọt, do đó, chúng tôi phải giảm lợi nhuận đến mức tối thiểu để có mức giá cạnh tranh với bột ngọt trong nước. Theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, thuế nhập khẩu bột ngọt sẽ về 0% từ năm 2015. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu vừa về 0% thì Vedan lại yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế nhập khẩu bột ngọt trở lại gây thiệt hại cho những nhà nhập khẩu cho chúng tôi cũng như người tiêu dùng.”

Thiệt hại cho ngành sản xuất và tiêu dùng

Trên thực tế, phòng vệ thương mại không phải là “cuộc chơi” của mỗi doanh nghiệp riêng lẻ mà còn lại “cuộc chơi tập thể”. Và dĩ nhiên, trong một tập thể khi đứng lên kiện sẽ động chạm tới lợi ích cục bộ của từng doanh nghiệp, theo đó sẽ có doanh nghiệp hưởng lợi và doanh nghiệp chịu thiệt thòi. Câu hỏi đặt ra cho cơ quan nhà nước là làm sao vừa nhìn nhận đúng nguyên nhân vụ việc, vừa đúng mục đích để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, vừa không gây tổn hại cho các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh?

Ngay từ sau khi Công ty TNHH Vedan kiến nghị Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ, nhiều doanh nghiệp đồng loạt lên tiếng lo ngại rằng đây chỉ là ý kiến chủ quan của riêng Vedan để mang lại lợi thế kinh doanh cho chính mình nhưng lại khiến nhiều doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng.

Trong một công văn gửi Bộ Công thương, Unilever Việt Nam cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, rào cản đối với tự do hoá thương mại, không thúc đẩy cạnh tranh có thể dẫn đến việc ngành sản xuất trong nước vận hành kém hiệu quả hơn, các doanh nghiệp cũng có ít sự lựa chọn về hàng hoá và dịch vụ hơn. Mặt khác, việc bảo hộ ngành sản xuất trong nước bằng hàng rào thuế quan có thể dẫn đến cách nhìn không tốt về tính ổn định, minh bạch và tiên liệu trong thương mại quốc tế. Do đó, lợi ích tích cực của việc tự do thương mại cần được xem xét hơn là việc bảo hộ doanh nghiệp địa phương bằng việc dựng lên rào cản thương mại dưới hình thức áp dụng thuế tuyệt đối như tại kết luận của Cục Quản lý Cạnh tranh.

Việc áp dụng thuế tuyệt đối cùng với tác động của các yếu tố tăng giá khác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của hàng ngàn lao động bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng.

Mặc dù tự vệ thương mại được thừa nhận trong thương mại quốc tế nhưng biện pháp này làm công cụ phòng vệ duy nhất “phải trả giá”. Quốc gia sử dụng nó phải bồi thường hoặc đánh đổi những lợi ích thương mại khác cho các quốc gia có hoạt động thương mại lành mạnh bị chính biện pháp này gây tổn hại. Nếu không đạt được những thỏa thuận về bồi thường thương mại, WTO cho phép các nước liên quan được áp dụng biện pháp trả đũa.

Ngay cả khi chưa bàn đến những vấn đề này thì Quyết định 920 cũng cần được xem lại. Từ các phân tích trong loạt bài vừa qua, Quyết định 920 của Bộ Công thương dường như đã lạm dụng ý nghĩa của tự vệ thương mại để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất nội địa. Nguyên nhân chính của vụ việc này là sự xuất hiện tràn lan của bột ngọt Trung Quốc đang được bán với giá siêu rẻ. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương, mà cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh, hoàn toàn có cơ sở pháp lý để chủ động khởi xướng điều tra chống bán phá giá mặt hàng này, dựa trên những bài học kinh nghiệm từ việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá bột ngọt Trung Quốc. Điều này nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, và xa hơn nữa là bảo vệ người tiêu dùng khỏi bột ngọt giả, giá rẻ và kém chất lượng từ Trung Quốc.

Hà Anh

Trong 2 tháng đầu năm 2014, nhiều sự việc liên quan đến bột ngọt Trung Quốc đã được báo chí nước nhà lên tiếng. Hơn 5.000 tấn bột ngọt Trung Quốc nhập khẩu với giá siêu rẻ vào thị trường Việt Nam. Một lượng nhập khẩu bất thường đến nỗi Tổng Cục hải quan đã phải ra công văn chấn chỉnh toàn ngành. Ngày 23.10.2015, Công an quận Bình Tân đã tạm giữ 70 tấn bột ngọt mà theo đại diện của đơn vị nhập khẩu, công ty này đã nhập từ Trung Quốc 3.820 bao, mỗi bao bột ngọt nặng 25kg.

Gần đây nhất, trong tháng 1.2016, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện vụ Công ty TNHH Saigon Ve Wong nhập khẩu 1.200 tấn bột ngọt Trung Quốc, sau đó chia nhỏ, dán nhãn bao bì bột ngọt A-one và bán cho người tiêu dùng. Tại Hà Nội ngày 28.1.2016, một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội, khi đề cập đến bột ngọt giả tràn vào Việt Nam, đã cho rằng nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ sự chênh lệch lớn về giá giữa bột ngọt trong nước với các nhãn hiệu nhập lậu từ Trung Quốc.