Áp thuế tự vệ thương mại với bột ngọt: Lợi bất cập hại?

Việc áp dụng biện pháp tự vệ thương mại vốn được hiểu là để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, biện pháp tự vệ áp dụng với mặt hàng bột ngọt bước đầu đang vấp phải sự phản ứng từ chính doanh nghiệp trong ngành về tính hiệu quả...

Áp thuế tự vệ thương mại với bột ngọt: Lợi bất cập hại? - 1

Áp thuế tự vệ với bột ngọt

Trên cơ sở kết luận điều tra chính thức, Việt Nam đã áp dụng mức thuế tự vệ toàn cầu với bột ngọt nhập khẩu trong vòng 4 năm, tính từ ngày 25/3/2016 nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước khắc phục thiệt hại do sự gia tăng đột biến của hàng nhập khẩu. Mức thuế tự vệ được áp dụng ở mức 4.390.999 đồng/tấn trong 1 năm, sau đó sẽ giảm dần 10%/năm trong 3 năm tiếp theo, và không còn áp dụng từ 25/3/2020.(Nếu thuế tự vệ không được gia hạn)

Về bản chất, trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại (trade remedies) và được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hoá nước khác. Trong đó, biện pháp tự vệ được áp dụng khi cơ quan điều tra chứng minh được tình trạng thiệt hại “nghiêm trọng” mà ngành sản xuất hàng hoá “tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp” trong nước phải hứng chịu do việc gia tăng bất thường của hàng hoá nhập khẩu.

Quyết định áp thuế tự vệ với bột ngọt được đưa ra sau khi Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) tiến hành điều tra, xuất phát từ đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam hôm 9/6/2015 về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam. Cũng cần nói thêm rằng, Vedan Việt Nam vốn được biết đến là nhà cung cấp bột ngọt cho một số công ty trong nước để sản xuất bột nêm, nước tương, nước mắm, mì ăn liền. Tuy nhiên, sau đó, một số công ty này đã tìm được nguồn bột ngọt giá rẻ từ các nước khác.

Theo thông báo của Bộ Công Thương về việc áp thuế này, Trong những năm gần đây, tổng lượng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam tăng rất mạnh trong đó có bột ngọt từ Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ...có dấu hiệu bán phá giá, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất bột ngọt của Việt Nam gặp khó khăn rất lớn. Các bằng chứng cho thấy có mối quan hệ nhân – quả giữa sự gia tăng hàng nhập khẩu giá rẻ và thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước.

Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong ba năm 2012, 2013 và 2014, bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam có số lượng lần lượt là 18.143 tấn (tăng trên 102% so với năm trước đó), 43.935 tấn (tăng trên 142%) và 58.446 tấn (tăng 33%).

Trong các nước xuất khẩu bột ngọt mạnh nhất vào Việt Nam trong 3 năm qua, Trung Quốc là nước dẫn đầu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, riêng năm 2014, lượng bột ngọt nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam đã gia tăng gấp 2,8 lần năm 2013.

Theo thông báo của Bộ Công Thương đưa ra tại thời điểm đó, đây có thể là một hệ quả từ việc bột ngọt của Trung Quốc bị Hoa Kỳ và các nước châu Âu áp thuế chống bán phá giá từ năm 2013 nên các doanh nghiệp của nước này đã chuyển hướng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam do khoảng cách địa lý gần và Việt Nam cũng là nước tiêu thụ bột ngọt lớn. Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì lượng bột ngọt nhập từ Trung Quốc đã chiếm tới khoảng 75% tổng số lượng bột ngọt nhập khẩu hàng năm.

“Vấp” phải phản ứng của doanh nghiệp

Việc áp dụng biện pháp tự vệ thương mại vốn được hiểu là để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Sự gia tăng lượng nhập khẩu bột ngọt giá rẻ của nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc chỉ trong 3 năm qua đã làm điêu đứng nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bột ngọt trong nước.

Áp thuế tự vệ thương mại với bột ngọt: Lợi bất cập hại? - 2

Trên thị trường trong nước, hiện có 3 nhà sản xuất chính: Công ty CPHH Vedan Vietnam (chiếm 46,95% thị phần trong nước), Công ty TNHH Ajinomoto và Công ty TNHH Miwon.Nếu cộng cả doanh nghiệp ủng hộ đơn yêu cầu của Vedan là Công ty TNHH Miwon Việt Nam thì thị phần cả bên yêu cầu và các bên ủng hộ đã chiếm tới 59,19% tổng lượng sản xuất hàng hoá trong nước.

Tuy nhiên, biện pháp này đang gây nên tranh cãi trong nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và tiêu thụ bột ngọt lớn trong nước: Nó thực sự có hiệu quả hay không?

Theo đó, có ý kiến cho rằng, biện pháp này dường như chỉ đáp ứng yêu cầu của Vedan. Một số doanh nghiệp có qui mô sản xuất lớn trong nước có sử dụng bột ngọt làm nguyên liệu sản xuất,mặc dù thừa nhận sự cần thiết của biện pháp quản lý nhằm bảo vệ sản xuất bột ngọt trong nước của Bộ Công Thương, nhưng các doanh nghiệp này lại cho rằng cách áp dụng biện pháp tự vệ là thực sự chưa hợp lý.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng đề nghị Bộ Công Thương xem xét lại cách thức áp dụng biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước theo cách hiệu quả hơn. Theo lập luận của các doanh nghiệp này, việc áp thuế áp cao dẫn đến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng theo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, và người bị thiệt hại cuối cùng là người tiêu dùng Việt Nam

Bên cạnh đó, lý do “chưa hợp lý”, thậm chí “lợi bất cập hại”là do lượng bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới gần 75% là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới thị trường trong nước, do đó, việc áp dụng một mức thuế chung với tất cả các nước khác sẽ khiến các doanh nghiệp không nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như các nhà xuất khẩu chân chính sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Một số cho rằng, biện pháp tự vệ chưa giải quyết được căn nguyên vấn đề là tìm ra tác nhân trực tiếp gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước. Thay vào đó, các doanh nghiệp cho rằng, nên áp dụng biện pháp chống bán phá giá, áp dụng với các đối tượng nước nhập khẩu cụ thể, để phù hợp hơn với thực trạng sản xuất, kinh doanh mặt hàng bột ngọt tại Việt Nam.

Hà Anh

Áp thuế tự vệ thương mại với bột ngọt: Lợi bất cập hại? - 3