1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Agribank ưu tiên tuyển... người trong nhà là câu chuyện điển hình"

(Dân trí) - Việc ưu tiên tuyển dụng con, em trong ngành với mức cộng điểm thái quá cùng các tiêu chí bằng cấp tại Agribank chỉ là một điển hình trong hoạt động tuyển dụng còn nặng nề bằng cấp và mối quan hệ hiện nay.

Không công bằng trong cơ hội nghề nghiệp

Thông báo tuyển dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây nêu rõ, “đối tượng ưu tiên là: con cán bộ hiện đang công tác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc Trụ sở chính của Agribank chưa có người con nào làm việc tại Agribank (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp) được cộng 30 điểm (thang điểm 100)”.

Bên cạnh đó, ngoài bằng cấp về ngoại ngữ, Agribank cũng không chấp nhận các ứng viên học chuyên ngành theo văn bằng hai hoặc hệ liên thông mà chỉ tuyển hệ chính quy.

Mặc dù ngày 26/10, Hội đồng thành viên Agribank đã quyết định dừng kế hoạch cộng điểm cho đối tượng là con cán bộ như nội dung thông báo tuyển dụng và kéo dài thời gian nhận hồ sơ thêm 2 ngày, tuy nhiên, công tác tuyển dụng tại Agribank vẫn mang lại nhiều suy nghĩ về tình trạng tuyển dụng nhân sự trong xã hội và trong nền kinh tế hiện nay.

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp tại Nghệ An, việc ưu tiên con, em trong ngành không chỉ diễn ra tại riêng Agribank hay ngành ngân hàng. Cộng điểm chỉ là một trong những hình thức mang tính ưu tiên.

Vị này cho biết, tại một số cơ quan, đơn vị nhà nước, khi con cái không chủ động định hướng về ngành nghề, công việc tương lai, bố mẹ thường mặc định sẽ “sắp xếp” cho con vào làm cùng cơ quan hay trong một đơn vị khác cùng ngành. Thực tế này diễn ra khá phổ biến.

Về mặt tích cực, việc tuyển con, em trong ngành sẽ tận dụng được truyền thống gia đình và các thế sau sẽ nhận được sự hỗ trợ từ thế hệ trước trong cả chuyên môn, kỹ năng lẫn mối quan hệ. Tuy nhiên, ở phương diện xã hội, điều này gây ra sự bất công, không công bằng trong cơ hội nghề nghiệp. Thêm vào đó, không phải “con, em” nào cũng kế tục được những tư chất của bố mẹ.

“Áp lực cạnh tranh từ cơ chế thị trường sẽ buộc các doanh nghiệp hạn chế và loại bỏ cách thức tuyển dụng này. Chủ doanh nghiệp sẽ chỉ ưu ái với những người làm được việc mà thôi, bất kể xuất thân của họ như thế nào!” – vị này chia sẻ.

Đừng quá xem nặng bằng cấp, quan hệ

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, đối với những chức danh nhạy cảm nên tổ chức thi tuyển. Hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan hành chính công đều phải đăng báo công khai và phải tổ chức thi tuyển hẳn hoi và phải minh bạch về quy trình.

Ông Ngân cũng cho biết, trước đây, tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thường có tình trạng “gửi gắm”. Thực trạng này vẫn còn tồn tại, song thường diễn ra tại các vị trí thuộc các bộ phận hành chính.

Hiện nay, tại các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều quan tâm đến tính hiệu quả. “Doanh nghiệp tuyển người có thể đóng góp cho tăng trưởng lợi nhuận, nên rất chặt chẽ, chứ không phải gửi gắm như tại một số DNNN nữa, mà phải bằng năng lực thực sự” – ông Ngân cho hay.

Vị đại biểu này cũng đánh giá, việc cổ phần hóa DNNN thời gian vừa qua cũng đã góp phần tuyển được nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân sự gắn với hiệu quả của doanh nghiệp, với trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước chứ không phải gắn với các mối quan hệ cá nhân.

Tại các ngân hàng, nếu trong khâu tuyển dụng mà không tuyển được đội ngũ nhân lực chất lượng cao thì chính hiệu quả của ngân hàng đó sẽ bị kéo lùi theo. Do đó, hiện tại, các ngân hàng thường tuyển dụng rất bài bản thông qua việc cho phép các sinh viên được thực tập tại ngân hàng và bồi dưỡng các thực tập sinh này, sau đó chọn lọc người giỏi để thi tuyển đầu vào.

Đồng thời, ông Ngân cũng bày tỏ quan điểm, trong tuyển dụng nhân sự, các cơ quan, doanh nghiệp “đừng quá xem nặng bằng cấp mà phải nhìn thẳng vào năng lực thực sự. Đừng để một xã hội chạy theo bằng cấp”.

Riêng về trường hợp tuyển dụng tại Agibank, đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc ưu tiên đến 30 điểm như thế không khác gì là loại người giỏi ra ngoài. Đồng thời, cho biết, trên thực tế, ngành nào cũng có ưu tiên nhất định cho con em ngành mình, nhưng không nên thái quá như trường hợp của Agribank.

Bích Diệp

"Agribank ưu tiên tuyển... người trong nhà là câu chuyện điển hình" - 1