9,3 tỷ USD xây sân bay Long Thành: Kịch bản nào cho ACV?
(Dân trí) - Báo cáo phân tích mới nhất của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) về Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đưa ra dự báo về vốn xây dựng cơ bản cho dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong giai đoạn 2021-2030 ở con số 9,3 tỷ USD.
Tại báo cáo này, VCSC đã đưa ra khuyến nghị khả quan cho mã cổ phiếu ACV, tuy nhiên, giảm giá mục tiêu 3,3% còn 87.100 đồng.
Giá mục tiêu mà VCSC đưa ra đối với cổ phiếu ACV bị điều chỉnh chủ yếu do ảnh hưởng tiêu cực từ giả định vốn xây dựng cơ bản tăng cho dự án trọng điểm sân bay quốc tế Long Thành và việc loại bỏ giả định thu phí cho việc quản lý đường bay.
Cụ thể, VCSC tăng giả định vốn xây dựng cơ bản cho dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong giai đoạn 2021-2030 16% đạt 9,3 tỷ USD so với giả định trước đây.
Đây là sân bay quốc tế có kế hoạch được xây dựng để phục vụ khu vực TPHCM và các tỉnh miền Nam. Theo đánh giá của VCSC, dự án này sẽ giúp đảm bảo tăng trưởng dài hạn của ACV trong bối cảnh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất quá tải.
Tuy nhiên, VCSC cũng lưu ý, nhu cầu vốn xây dựng cơ bản cao của sân bay Long Thành có thể ảnh hưởng dòng tiền của ACV trong tương lai.
Bên cạnh đó, VCSC cũng loại bỏ giả định thu phí cho việc quản lý đường bay trong bối cảnh kế hoạch và thông tin liên quan đến mức phí mà ACV có thể nhận được còn hạn chế cũng như cơ chế quản lý đường bay. Điều này tương ứng với việc giảm dự báo thu nhập tài chính trong giai đoạn 2020-2030 tổng cộng khoảng 20% so với dự báo trước đây.
VCSC cho biết, có khả năng điều chỉnh tăng dự báo và định giá nếu ACV có thể thu phí cho việc quản lý đường bay.
VCSC dự báo doanh thu năm 2019 của ACV tăng trưởng 11% so với năm 2018 lên 18.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng trưởng 20% đạt 7.300 tỷ đồng.
Nhận định của VCSC chủ yếu dựa trên tăng trưởng lượng hành khách quốc tế của ACV đạt 0,3% so cùng kỳ; thu phí nhượng quyền 12% từ nhà ga quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh vốn tăng trưởng nhanh và biên lợi nhuận gộp tăng 1,3 điểm phần trăm.
Trong năm 2020, theo VCSC, doanh thu của ACV sẽ đạt 20.000 tỷ đồng (tăng 11% so với năm nay) và lợi nhuận sau thuế ròng thuộc về công ty mẹ đạt 8.400 tỷ đồng (tăng 14%), chủ yếu nhờ tỷ lệ phí nhượng quyền dự kiến tăng lên 25% tại cảng quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh. Điều này phần nào bù trừ bởi việc bảo trì đường băng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Theo nhận định của VCSC, ACV sẽ là công ty được hưởng lợi chính trong sự bùng nổ du lịch và hàng không của Việt Nam.
Trong số liệu công bố bởi Tổng cục Du lịch, lượng hành khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 49% so cùng kỳ trong tháng 9/2019 và tăng 60% trong tháng 10/2019, so với mức mức giảm 0,9% trong 8 tháng 2019. Lượng hành khách Trung Quốc phục hồi tại Việt Nam được cho chủ yếu do các vấn đề diễn ra tại Hồng Kông và Đài Loan.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng cho rằng, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản lớn của ACV sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền tự do dài hạn của công ty.
VCSC cũng lưu ý rủi ro đối với ACV là vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng nhiều hơn dự kiến, chậm trễ trong việc mở rộng công suất sân bay có thể ảnh hưởng tăng trưởng lưu lượng hành khách, lượng hành khách Trung Quốc giảm, lỗ tỷ giá từ nợ đồng Yên Nhật.
Được biết, ngày 26/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Trước đó, vào đầu tháng 11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản giao Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV khẩn trương thực hiện các nội dung tiếp theo sau khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1, bảo đảm tiến độ khởi công dự án này vào đầu năm 2021.
Mai Chi