1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kế hoạch 1,9 nghìn tỷ USD của ông Joe Biden sẽ có lợi cho Trung Quốc?

(Dân trí) - Gói kích thích chống đại dịch mới nhất của Mỹ sẽ mang lại nhiều thanh khoản hơn cho nền kinh tế toàn cầu, và phần lớn lợi ích có thể thuộc về Trung Quốc.

Kế hoạch 1,9 nghìn tỷ USD của ông Joe Biden sẽ có lợi cho Trung Quốc? - 1

Ông Chen Yulu - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - nói rằng, Trung ương phải luôn cảnh giác vì mục tiêu "ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ các rủi ro tài chính bên ngoài". Ảnh: Weibo

Gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden dường như sẽ có tác động lên nền kinh tế toàn cầu - khiến ngân hàng trung ương Trung Quốc kêu gọi hãy chú ý đến những rủi ro bên ngoài ngày càng tăng đối với nền kinh tế của nước này và của thế giới nói chung.

Nếu kế hoạch của ông Biden thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng của Mỹ sẽ đẩy nhu cầu, vốn đã mạnh mẽ của Mỹ, đối với các sản phẩm Trung Quốc. Nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang có cái nhìn thận trọng hơn.

Trả lời câu hỏi về tác động tiềm tàng đối với Trung Quốc của gói viện trợ do ông Biden đề xuất, ông Chen Yulu - Phó Thống đốc PBOC cho biết: Trung Quốc phải cảnh giác vì mục tiêu "ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ các rủi ro tài chính bên ngoài".

Theo ông, có ba rủi ro chính mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Rủi ro đầu tiên là sự rời bỏ các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thực trên thị trường tài chính quốc tế, với sự biến động ngày càng tăng. Rủi ro thứ hai là, với thanh khoản toàn cầu lỏng lẻo, hướng dòng chảy vốn xuyên biên giới sẽ ngày càng biến động. Thứ ba là đại dịch đã có tác động chưa từng có đối với các nền kinh tế, và rủi ro nợ của các nước thu nhập thấp sẽ tăng cao hơn nữa, điều này có thể ảnh hưởng hơn nữa đến tiến độ phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trước những rủi ro này, ông Chen cho biết, trọng tâm chính sách của Trung Quốc là vẫn tuân thủ nguyên tắc ưu tiên trong nước. 

Ông Chen cũng khẳng định thêm Trung Quốc sẽ duy trì tính liên tục trong các chính sách kinh tế, cải thiện sự giám sát của hệ thống tài chính, và tăng cường phối hợp với các quốc gia khác thông qua các nền tảng như Nhóm 20.

PBOC đã bày tỏ lo ngại về việc dư thừa thanh khoản trên thế giới do các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng của các nền kinh tế phát triển có thể dẫn đến bong bóng tài sản và nguy cơ khủng hoảng tài chính tiếp theo nếu những bong bóng đó vỡ.

Kế hoạch 1,9 nghìn tỷ USD của ông Joe Biden sẽ có lợi cho Trung Quốc? - 2

Cờ Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Dòng vốn đang đổ vào Trung Quốc để tận dụng lợi nhuận tốt hơn từ việc chào bán trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu của nước này.

Ví dụ, trái phiếu 10 năm của chính phủ Trung Quốc mang lại 3,159% lãi, cao hơn lợi suất trái phiếu 10 năm của Kho bạc Mỹ là 1,115%, và trên lợi suất trái phiếu 10 năm chuẩn của Đức là âm 0,536 phần trăm.

Ngoài đề xuất kích thích tài chính bổ sung của ông Biden, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell nhấn mạnh rằng một đợt tăng lãi suất sẽ đến, cho thấy rằng ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sẽ duy trì chính sách tiền tệ ở mức phù hợp, giữ lãi suất thấp kỷ lục và duy trì chương trình mua trái phiếu để bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính.

Một số nhà phân tích lo ngại rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng liên tục của Mỹ có thể gây ra nhiều biến động hơn đối với các dòng tiền chảy vào và ra khỏi Trung Quốc, do dòng tiền nóng đầu cơ sẽ đổ vào các tài sản bằng đồng Nhân dân tệ.

"Trung Quốc vẫn là quốc gia duy nhất duy trì một khuôn khổ tiền tệ bình thường - tức là lãi suất của chúng tôi vẫn ở mức dương - vì vậy khoảng cách lãi suất giữa Trung Quốc và nước ngoài ngày càng mở rộng", Li Yang, Chủ tịch Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia (NIFD), một tổ chức tư vấn liên kết với chính phủ, cho biết.

Tommy Xie, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc Đại lục tại Ngân hàng OCBC ở Singapore, cho rằng Trung Quốc có khả năng thu hút thêm dòng vốn đầu tư trong những tháng tới khi nước này tiếp tục mở cửa thị trường tài chính cho vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, ông hy vọng, các nhà hoạch định chính sách nên cảnh giác với áp lực tăng giá mạnh đối với đồng Nhân dân tệ do các công ty Trung Quốc sẽ bán bớt lượng USD nắm giữ trong bối cảnh lo ngại về mức nợ Mỹ tăng mạnh.