Tết đầu tiên xa nhà của một du học sinh
(Dân trí) - “Cơm mẹ mình nấu, mình chẳng được ăn…”. Chỉ một câu nói mà gợi lên cái nhớ da diết của Tết quê nhà và nỗi nhớ mẹ se sắt. 4 năm trước, nó đã xa mẹ vào Sài Gòn, rồi từ đó, chưa một lần về lại để ăn Tết bên gia đình.
Nghe nó kể thì thật buồn vì cái Tết nào cũng là cái Tết xa nhà, khát khao sự đoàn viên. Bây giờ đang học tập tại trường Đại học Akita (là đại học quốc lập, thuộc tỉnh Akita, miền Bắc Nhật Bản).
Chỉ mới tuần trước thôi, cái lạnh khủng khiếp của Akita khiến nó, khi không phải đi học hay đi làm thêm, là nằm co quắp trong cái chăn dày, ló mỗi mặt ra. Kiểm tra điện thoại xem bây giờ đã là mùng mấy tháng Chạp rồi, rồi nghĩ ngợi - bây giờ chắc mẹ nó đang bận lắm.
Mẹ nó là thợ may, nên lượng đặt hàng mùa Tết cũng đông hơn hẳn. Rồi như nhớ ra điều gì đó, nó bật dậy và đi ra khỏi phòng. Tết chỉ thực sự buồn khi ta ở một mình, nó có đám bạn đông lắm - là du học sinh Việt cũng đang học tại trường nó. Ngày Táo quân chầu trời, nó tham dự tiệc đón Tết do Hội Việt - Nhật tổ chức.
Ảnh chụp với Hội Việt - Nhật tại tỉnh Akita, Nhật Bản.
Nó vui lắm háo hức kể lại chuyện ăn Tết như thế nào cho các bạn Nhật nghe. Mấy người trong hội tốt bụng lắm, trái ngược hẳn với cụm từ “Phát-xít Nhật”. Thương du học sinh Việt mình xa quê hương, đến đất nước họ học tập, mỗi năm - dịp Tết lại không được ở bên gia đình, các bác tổ chức tiệc cho mấy đứa nó, một phần để động viên mấy đứa học tập, một phần để Xuân Giáp Ngọ này thêm phần vui vẻ, trọn vẹn. Mấy đứa con gái được dịp này tranh thủ mặc áo dài trắng - đỏ, xinh ơi là xinh. Mùa xuân - tuổi xuân, má em hồng, cười thế thôi, nhưng sao mà duyên dáng quá.
Bánh chưng mua mấy ngày trước, mới được luộc lại.
Ngày 30 Tết là ngày cuối của năm, sáng nó dậy đã có cảm giác thèm bánh chưng lắm. Năm nào cũng vậy, cứ dịp này là lại bóc đôi ba cái bánh, chia nhau, có khi, nó chỉ được một miếng, nhưng thấy nó ăn sao ngon lành quá.
Nó bảo: “Tết mà thiếu bánh chưng thì không phải là Tết, nên năm nào cũng vậy, cũng phải kiếm cho ra 2-3 cái bánh”. Nó với lấy cái bàn chải, cho kem đánh răng vào miệng rồi mà đầu cứ nghĩ đến “party” đón giao thừa tối nay.
Hôm nay, nó có một môn thi (dịp Tết thường là dịp thi cuối kỳ của nhiều trường Đại học của Nhật Bản). Nó thi mà lòng phấn khởi, vì thi xong là nó có thể kể khổ với đám bạn thân rằng nó khổ quá: “Ngày Tết thế này, trường còn đày tớ đi thi”.
Nó thi xong cũng là 6h tối, chạy ngay sang bên Nhà Văn Hóa (là nơi tụ tập tổ chức tiệc, tên Nhà Văn Hóa đó là do tụi nó tự đặt ra, chứ thực ra đó là khu ký túc xá của trường dành cho du học sinh, có một phòng rất rộng để tổ chức họp hay làm tiệc). Phụ mọi người chuần bị thức ăn, rồi bóc bánh..., đến 10h tối thì cả nhóm xong và bắt đầu ăn uống, ca nhạc, chụp ảnh kỷ niệm.
Du học sinh Akita trước giờ đón giao thừa.
Tết năm này tuy không được ở bên gia đình, nhưng không vì thế mà mất đi mùi vị của Tết, của bánh chưng…, vì nó có những người bạn tuyệt vời, họ là những người con xa quê, để được học tập ở điều kiện tốt hơn nhưng cũng khắc nghiệt hơn ở quê hương mình.
Trong khoảnh khắc giao thừa mà người ta đếm từng giây đó, tụi nó bên nhau, chia nhau từng miếng bánh, từng câu chúc, nụ cười... Xa gia đình là một sự thiếu thốn, nhưng ở bên những người bạn quý hóa trong khoảnh khắc đó cũng giúp con người ta có cảm giác ấm áp, gần gũi nhau hơn, như là anh em một nhà vậy.
Mấy dòng chỉ là trải nghiệm của một người du học sinh khi ăn Tết xa nhà. Đầu xuân khai bút, viết mấy điều ngắn ngủi để gửi gắm yêu thương, gửi lời chúc tết An khang - Thịnh vượng - Phát triển Phi mã tới những người Việt ở khắp năm châu.
Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ Xuân Giáp Ngọ đã đến, hòa chung không khí đón Tết của người Việt Nam tại quê nhà, người Việt khắp năm châu cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Báo Dân trí mong được đón nhận mọi chia sẻ về không khí đón Tết Việt của đồng bào ta ở nơi xa xứ. Mọi thông tin xin gửi về dantri@dantri.com.vn hoặc thuytrang@dantri.com.vn, tiêu đề ghi rõ Tết Việt xa xứ. Xin chân thành cảm ơn! |
Lê Duy Long
Từ Nhật