Nhớ mãi về Tết quê hương
(Dân trí) - Tết đã đến mà quê hương, gia đình vẫn xa vời vợi. Gần thật gần khi nghe giọng nói của người thân qua điện thoại, nhưng xa cũng thật xa khi con chẳng thể chạy ào về, thật là “Gần nhau trong tấc gang, mà biển trời cách mặt“.
Đón xuân trên đất nước người
Nhớ quê hương , nhớ nụ cười trẻ thơ
Nhớ Việt Trì đẹp như mơ
Nhớ sông Thao rộn tiếng hò vui xuân...
Mùa xuân sắp đến. Tết đã cận kề mà quê hương, gia đình vẫn xa vời vợi. Gần thật gần khi nghe giọng nói của người thân qua điện thoại, nhưng xa cũng thật xa khi con chẳng thể chạy ào về, thật là “Gần nhau trong tấc gang, mà biển trời cách mặt“.
Mười mấy năm đi xa là mười mấy năm con trăn trở, nhất là thời gian này bên quê mình, mọi người, mọi nhà đang nhộn nhịp đón xuân. Nơi này mấy hôm nay tuyết rơi nhiều quá, tuyết phủ trắng núi trắng đồi. Màu tuyết trắng đâu phải là màu của quê hương, xứ sở, khi Tết cổ truyền sắp đến, những đứa con xa còn đang vắng thiếu một miền quê.
Tết này con phải ăn Tết xa nhà, đây là một điều thiệt thòi lớn nhất của con. Có ý nghĩa gì đâu khi phải đón giao thừa trên đất khách, có vui vẻ gì đâu khi Tết đến xuân về mà không được gần cha mẹ, anh em.
Tiệp Khắc - Việt Nam, có đáng là bao trong chuyến bay đầy thơ mộng, cũng như Praha - Nội Bài đến đất Lâm Thao mình, nó sẽ gần ngoài sức tưởng tượng của con một khi con về với gia đình, về với quê hương.
Từ khi con bước đi những bước đầu tiên còn rụt rè vấp váp ngay trên mảnh đất quê mình, suốt tuổi ấu thơ, chân con đã in khắp làng trên xóm dưới. Bố mẹ đã tạo cho chúng con nên vóc nên hình, đã dạy cho chúng con sống có thủy có chung, có tình có nghĩa, có trước có sau.
Sau mười mấy năm xa quê con đã hiểu rằng: Quê hương là cội nguồn để chúng con ấp ủ, dưỡng nuôi những kỷ niệm suốt cuộc đời. Gia đình là tổ ấm để chúng con trở về sau những tháng năm vất vả, nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh trên quê người đất khách.
Trong đầu con, quê hương lúc nào cũng là cái làng quê nghèo nhưng yên ả, thanh bình là những cánh cò trắng bay chấp chới trên đồng lúa xanh đang thì con gái.
Quê hương đầy rộn những bước chân xạc xào trên đường làng thơm mùi rơm rạ, là làn khói chiều tỏa ra từ những bếp tranh, nó cứ quẩn quanh vấn vít bên lũy tre làng, là những buổi chiều đông se lạnh, lũ trẻ con vắt vẻo trên lưng trâu mặt mũi lọ lem mà cứ thơm lừng mùi sắn nướng.
Hơi thở của đồng quê đã hòa trộn vào hơi thở cuộc sống của những đứa con xa. Thôi! Không về được thì con đón xuân trong tưởng tượng của mình vậy. Cái giếng thật to ở đầu ngõ giữa xóm tại sao lại có tên là Giếng Hống, không biết tự bao giờ nhưng từ hồi còn bé xíu con đã thấy có nó.
Những ngày giáp Tết, các chị, các bà quây quanh giếng đãi gạo, đỗ, cọ lá dong, gói bánh chưng, chuyện trò không dứt, cứ như là cả năm mới gặp nhau một buổi vào cuối năm này. Con nhớ cảnh nhộn nhịp kẻ bán, người mua của phiên chợ Tết, không mua gì cả, con chỉ thích đi xem thôi, thong thả, nhẩn nha khắp chợ.
Chợ quê đơn giản mộc mạc như người nhà quê vậy, mua gì cũng dễ. Chú gà ri ăn ngô, lườn vàng xộm, mớ rau hái vội ngoài vườn, cái bắp bi chuối vừa bẻ trên cây. Tất cả chân tình của người nhà nông một nắng hai sương đã dồn tụ lại đây. Bên những chồng lá dong xanh cao ngất, lao xao tiếng nói cười hể hả, lời mời chào, lời chúc tụng, khung cảnh thân mật, thanh bình.
Mang nặng ân tình với nơi mình đã được sinh ra và lớn lên, dù sống ở chân trời, góc bể nào, song nhớ đến Tết sẽ không thể đầy đủ, không thể trọn vẹn, không thể đầm ấm khi không nhắc đến bữa cơm tất niên của mọi người, mọi nhà trong đó có nhà ta. Đây mới là điều chính để con nhớ về và mong mỏi được về ăn Tết bên quê.
Bữa cơm sum họp cuối năm này bao giờ bố mẹ cũng làm vào trưa 30 tết. Bánh chưng đã vớt ra từ hồi đêm, xếp vào đầy một cái nong, năm nào bố cũng gói nhiều lắm, để khi ăn xong, quà quê của ông bà cho các cháu là một hay hai cặp bánh chưng.
Các con của bố mẹ, đứa ở xa thì về từ chiều hôm trước, đứa gần về sáng hôm sau. Hãy nhớ rằng phải dắt díu nhau về cả bầu đoàn thê tử, con cháu, dâu rể... Nội ngoại không vắng mặt một đứa nào.
Bữa cơm quê cuối năm, không cao lương, mỹ vị mà nặng tình cha, nghĩa mẹ. Bữa tất niên không hề trịnh trọng lễ nghi mà nó đầy nặng một tình đoàn kết, thân ái, chan hòa, sự đầm ấm quây quần của một đại gia đình trên mấy chiếc chiếu hoa được trải rộng khắp hai gian nhà thay cho bàn ghế, càng chen chúc, càng vui.
Chúng con vui, bố mẹ còn vui hơn. Bố mẹ ăn uống chẳng là bao, chỉ nhìn bầy con cháu, giục giã đứa này, gắp cho đứa kia. Bọn trẻ sàn sàn nhau từ 17 - 22 tuổi. Đứa từ đơn vị về, đứa từ trường chuyên ra. Cái tuổi bẻ gẫy sừng trâu này vừa ăn, vừa trêu chọc nhau tưởng vỡ nhà, chúng cũng đòi quyền được uống rượu như cha chú.
Ông cười rạng rỡ: “Ừ, cả năm mới có một ngày xum họp đông đủ, ông cho chúng mày phá lệ“. Chỉ chút rượu vang Thăng Long thôi, cũng ấm thêm tình cảm gia đình, cũng thắt chặt thêm tình máu mủ ruột rà.
Đàn con của bố mẹ khi xưa, mộc mạc, chân tình như củ khoai hạt lúa, giờ mỗi đứa một lối trên đường đời. Đứa gắn liền với đồng quê nghèo một nắng hai sương, đứa gắn với đời binh nghiệp. Nhưng dù bộ đội, dù công an, dù ở cương vị nào, cấp bậc gì ngoài xã hội thì lúc này về đây, dưới mái ấm gia đình này, tất cả vẫn phải răm rắp nghe theo lệnh vị tướng già “không sao, không lương“.
Cậu út đứng lên sau lời nhắc nhở nhẹ nhàng của bố : “Các con nhớ uống ít thôi, bởi chiều đứa phải về cơ quan, đứa phải trực Tết cho đơn vị“.
Trong ngày xum họp vui nhất cuối năm này, con không có mặt, đó là một điều thiệt thòi lớn nhất của con, nhưng phút giao thừa, con sẽ dành mọi điều chúc tốt đẹp nhất cho bố mẹ, cho các em, cho cả đại gia đình.
Độc giả cùng chia sẻ Tết Việt xa xứ Xuân Giáp Ngọ sắp đến, hòa chung không khí đón Tết của người Việt Nam tại quê nhà, người Việt khắp năm châu cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Báo Dân trí mong được đón nhận mọi chia sẻ về không khí đón Tết Việt của đồng bào ta ở nơi xa xứ. Mọi thông tin xin gửi về dantri@dantri.com.vn hoặc thuytrang@dantri.com.vn, tiêu đề ghi rõ Tết Việt xa xứ. Xin chân thành cảm ơn! |
Đào Thị Minh
Từ Séc