1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57
  3. Hai phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian
  4. Tại sao lại thế?

Kẹo cao su có chứa vi nhựa liên quan đến 3 căn bệnh mãn tính

Phạm Hường

(Dân trí) - Việc nhai một miếng kẹo cao su có thể giải phóng hàng nghìn vi nhựa vào nước bọt của bạn.

Kẹo cao su có chứa vi nhựa liên quan đến 3 căn bệnh mãn tính - 1

Một nghiên cứu mới cho thấy miếng kẹo cao su cỡ lớn có thể giải phóng tới 3.000 hạt nhựa (Ảnh: OlegDoroshin/Adobe).

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy vi nhựa gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc ba căn bệnh mãn tính.

Vi nhựa là những mảnh nhựa nhỏ có kích thước từ 1 nm đến 5 mm, được giải phóng khi các mảnh nhựa lớn hơn bị phân hủy theo thời gian. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người hấp thụ một lượng nhựa khổng lồ mỗi tuần thông qua nước uống, thực phẩm và không khí.

Những hạt nhỏ nguy hiểm này đã được phát hiện trong khắp cơ thể, bao gồm phổi, gan, thận, tim, máu, tinh hoàn và cả sữa mẹ. Một nghiên cứu thậm chí còn cho thấy não người trung bình có thể chứa tới một thìa vi nhựa.

Nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Trường Đại học California (Mỹ) thực hiện đã phát hiện thêm một con đường nữa mà các hạt nhựa có hại này xâm nhập vào cơ thể: thông qua kẹo cao su.

Kẹo cao su được tạo thành từ ba thành phần chính: chất nền dẻo, chất tạo ngọt và hương liệu. Kẹo cao su tự nhiên sử dụng vật liệu có nguồn gốc thực vật như nhựa cây chicle hoặc nhựa cây, trong khi kẹo cao su tổng hợp dựa vào cao su có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Lisa Lowe cho biết, nhóm của cô ban đầu giả định rằng các chất nền dẻo tổng hợp sẽ chứa nhiều vi nhựa hơn vì bản chất chúng là một dạng nhựa.

Để kiểm chứng, Lowe đã nhai bảy miếng kẹo cao su tổng hợp và năm nhãn hiệu kẹo cao su tự nhiên. Sau đó, các nhà nghiên cứu đo lường số lượng vi nhựa trong mẫu nước bọt của cô.

Kết quả thật đáng kinh ngạc: trung bình có khoảng 100 hạt vi nhựa được giải phóng trên mỗi gam kẹo cao su; một số mẫu thải ra tới 600 mảnh.

Một chiếc kẹo cao su nặng từ 2 đến 6 gam, tức là lượng vi nhựa một người có thể nuốt phải dao động từ 200 đến hơn 3.000 mảnh. Cô Lowe cho biết: "Điều đáng ngạc nhiên là cả kẹo cao su tổng hợp và tự nhiên đều giải phóng lượng vi nhựa tương đương nhau khi được nhai."

Nhóm nghiên cứu ước tính rằng, nếu trung bình một người nhai từ 160 đến 180 thanh kẹo cao su nhỏ mỗi năm, họ có thể đưa vào cơ thể khoảng 30.000 hạt vi nhựa mỗi năm.

Hiện chưa có thử nghiệm trực tiếp nào trên cơ thể người chứng minh được tác động này. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật và tế bào người cho thấy vi nhựa có thể gây hại đến sức khỏe, bao gồm tổn thương tế bào, gây viêm, rối loạn chức năng cơ quan và thay đổi phản ứng miễn dịch.

Nghiên cứu mới cũng chỉ ra một mối liên hệ đáng lo ngại: tiếp xúc nhiều với vi nhựa có liên quan đến tỷ lệ mắc tăng huyết áp, tiểu đường và đột quỵ cao hơn.

Một nghiên cứu khác đã xem xét mối liên hệ giữa mức độ vi nhựa trong nước với các vấn đề sức khỏe tại các cộng đồng ven biển và ven hồ ở Mỹ trong giai đoạn 2015-2019.

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học dữ liệu Sai Rahul Ponnana tại Trường Y khoa thuộc Đại học Case Western Reserve (Mỹ), cho biết: "Khi chúng tôi đưa 154 đặc điểm kinh tế - xã hội và môi trường khác nhau vào phân tích, chúng tôi không ngờ rằng vi nhựa lại được xếp trong nhóm 10 yếu tố dự đoán hàng đầu về tỷ lệ mắc bệnh mãn tính không lây."

Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng mối liên hệ này không chứng minh được mối quan hệ nhân - quả. Vi nhựa có thể là yếu tố đồng thời tồn tại với các tác nhân môi trường hoặc lối sống khác góp phần gây bệnh.

Trong nghiên cứu về kẹo cao su của Trường Đại học California, phần lớn vi nhựa được giải phóng trong vòng hai phút đầu tiên sau khi nhai.

Do đó, nếu muốn giảm khả năng tiếp xúc với vi nhựa từ kẹo cao su, nghiên cứu sinh Lowe khuyên nên nhai một miếng trong thời gian lâu hơn, thay vì liên tục thay miếng mới.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo nên vứt bỏ bã kẹo cao su đúng cách để tránh gây thêm ô nhiễm môi trường trong quá trình phân hủy.

Mặc dù rất khó để tránh hoàn toàn vi nhựa, các chuyên gia cho biết vẫn có những cách để giảm tiếp xúc.

Chẳng hạn, tránh sử dụng chai đựng nước bằng nhựa, đun sôi và lọc nước máy, không dùng thớt nhựa, không hâm nóng hộp đựng thực phẩm bằng nhựa trong lò vi sóng. Nếu uống trà, nên chọn trà khô đựng trong túi giấy thay vì túi nhựa.

Theo nypost.com