DNews

Nghị quyết 57: Động lực mới giải phóng tiềm năng sáng tạo của nhà khoa học

PV

(Dân trí) - Nghị quyết 57 có nhiều nội dung thể hiện một cách tiếp cận chiến lược, tổng thể, bao trùm, cụ thể, thực chất, đáp ứng mong đợi từ lâu của các trí thức, nhà khoa học.

Nghị quyết 57: Động lực mới giải phóng tiềm năng sáng tạo của nhà khoa học

Lời Tòa soạn: Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu là Giảng viên Kỹ thuật & Khoa học Máy tính, trường ĐH VinUni, Trưởng ban Nghiên cứu, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo các trường Đại học, Cao Đẳng Việt Nam. Tiến sĩ cũng là nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu Vàng Khoa học & Công nghệ 2023.

Tiến sĩ là một trong số 200 trí thức, nhà khoa học có nhiều thành tích, đóng góp, đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, giáo dục và đào tạo trên toàn quốc, gặp mặt Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 30/12/2024.

Nhân dịp đầu năm mới 2025, báo Dân trí trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu về Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa ban hành mới đây.

Nghị quyết 57: Động lực mới giải phóng tiềm năng sáng tạo của nhà khoa học - 1

Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nghị quyết xác định năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những đột phá quan trọng hàng đầu để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, giúp đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và đưa đất nước phát triển bứt phá.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy năng lực khoa học công nghệ cũng như coi đây là động lực hàng đầu trong việc định hình quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Nghị quyết 57 đưa ra một loạt các đột phá lớn như:

Tăng nguồn kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) lên 2.0% GDP từ mức 0.4% GDP như hiện nay, tổng chi ngân sách hằng năm dành cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia tăng lên 3.0%.

Ngân sách cho nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hình thành cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.

Có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Nghị quyết ra đời đúng thời điểm và được cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam đánh giá là có nhiều nội dung thể hiện một cách tiếp cận chiến lược, tổng thể, bao trùm, cụ thể, thực chất, đáp ứng mong đợi từ lâu của các trí thức, nhà khoa học.

Cộng đồng khoa học kỳ vọng Nghị quyết 57 sẽ là động lực mới đủ mạnh mẽ để giải phóng sức sáng tạo, mức độ hiệu quả trong các hoạt động nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm công nghệ mới.

Nhiều bước tiến phù hợp với bản chất khoa học

Nghị quyết 57 đưa ra nhiều thay đổi mới phù hợp với bản chất cơ bản của khoa học, đặc biệt là tư tưởng chấp nhận độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu.

Điều này đặc biệt quan trọng để các nhà khoa học tự do khám phá những không gian tri thức mới - yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra các đột phá công nghệ. Các nhà khoa học sẽ không cần giới hạn tâm trí của mình chỉ để đảm bảo đề tài được nghiệm thu theo các sản phẩm đăng ký ban đầu.

Về cơ chế tài chính, việc nhanh chóng áp dụng cơ chế quỹ (sử dụng cơ chế giải ngân theo tiến độ công việc nhà khoa học đạt được) là phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn quản lý khoa học quốc tế.

Nó sẽ giúp "cởi trói" cho nhà khoa học để họ tập trung thời gian, tâm sức và trí tuệ của mình cho hoạt động căn bản và giá trị nhất của họ là triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đào tạo con người.

Đặt niềm tin vào các nhà khoa học, giảm thiểu tối đa các thủ tục tài chính kế toán là mong mỏi từ rất lâu của cộng đồng khoa học.

Nghị quyết 57: Động lực mới giải phóng tiềm năng sáng tạo của nhà khoa học - 2

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ở Hà Nội hoạt động từ cuối 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).

Mục tiêu cụ thể, thực chất và có khả năng đo lường

Nghị quyết 57 đặt ra những mục tiêu rất cụ thể và thực chất, có khả năng đo lường được như:

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Số lượng các tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

Số lượng công bố khoa học quốc tế, số đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế, tỉ lệ khai thác thương mại, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam...

Những mục tiêu cụ thể này sẽ giúp Ban Chỉ đạo Trung ương phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số hoạch định rõ lộ trình triển khai nghị quyết, huy động đúng và đủ các nguồn lực về con người, hạ tầng kỹ thuật và các tổ chức, đơn vị khoa học và công nghệ để triển khai nghị quyết một cách thực chất.

Khơi dậy khát khao cống hiến và dấn thân cho các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước thì năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định đến sự thành bại của các mục tiêu kinh tế-xã hội lớn của đất nước.

Trong các yếu tố cấu thành nên năng lực khoa học công nghệ của một quốc gia thì các tài năng khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng và khan hiếm nhất.

Theo các nghiên cứu đã công bố, giai đoạn 25 đến 45 tuổi là giai đoạn mà lực lượng lao động trí óc có nhiều năng lượng và khả năng sáng tạo nhất.

Chính vì thế, việc phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng và phát huy các tài năng trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới việc xây dựng năng lực công nghệ cho đất nước trong giai đoạn mới.

Nghị quyết 57 cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống.

Điều này không chỉ định vị đúng vai trò và vị trí của các nhà khoa học trong xã hội, mà còn khơi dậy khát vọng cống hiến và sự dấn thân của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, tạo động lực để họ nỗ lực thực hiện trách nhiệm và sứ mệnh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Thách thức

Nghị quyết 57: Động lực mới giải phóng tiềm năng sáng tạo của nhà khoa học - 3

Mô hình trường ĐH VinUni (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 57 là một thách thức lớn, đặc biệt trong việc nghiên cứu, phát triển các công nghệ mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, tính toán lượng tử, năng lượng mới đòi hỏi nguồn đầu tư kinh phí rất lớn, mức độ am hiểu công nghệ sâu sắc và hạ tầng kỹ thuật phức tạp.

Hiện nay, lực lượng khoa học kỹ thuật của Việt Nam còn hạn chế về quy mô và mức độ đa dạng các lĩnh vực chuyên môn, còn thiếu rất nhiều những nhà khoa học hàng đầu, các tổng công trình sư có khả năng tập hợp, định hình, quản lý và triển khai các dự án nghiên cứu quy mô và tác động lớn.

Tiến hành các nghiên cứu trong các lĩnh vực như vậy đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chiến lược hợp lý.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các Bộ ngành và các cơ quan liên quan để triển khai đúng tinh thần của nghị quyết một cách hiệu quả cũng đòi hỏi quyết tâm chưa từng có.

Trước đây, nhiều chính sách tốt, hiện đại, vượt trội cũng đã được đưa ra nhưng chưa từng được triển khai thành công trong thực tế.

Cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam đặc biệt kỳ vọng vào Nghị quyết 57 khi Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, giúp thống nhất về nhận thức và hành động nhằm mục tiêu triển khai thành công những đột phá mới mà Nghị quyết đã đề ra.

Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu