1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nhiệt độ toàn cầu năm 2024 vượt 1,5 độ C có phá vỡ thỏa thuận Paris?

Phạm Hường

(Dân trí) - Vấn đề biến đổi khí hậu thường liên đới đến giới hạn tăng nhiệt độ 1,5 độ C. Điều đó có nghĩa là gì?

Nhiệt độ toàn cầu năm 2024 vượt 1,5 độ C có phá vỡ thỏa thuận Paris? - 1

Mười năm vừa qua là thời kỳ nóng nhất của thế giới. (Ảnh: Chris Lewis).

Các nhà khoa học đã khẳng định năm 2024 là năm nóng nhất kể từ khi chúng ta theo dõi nhiệt độ toàn cầu và là năm đầu tiên nhiệt độ Trái Đất tăng trên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

1,5 độ là con số "ghê gớm" bởi nó là mục tiêu mà các nhà lãnh đạo thế giới đã cùng nhất trí đặt làm mức giới hạn sự ấm lên toàn cầu thông qua Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015.

Tuy nhiên, cho dù kỷ lục nhiệt độ nói trên không có gì đáng mừng nhưng vượt quá 1,5 độ C không có nghĩa là chúng ta đã vi phạm Thỏa thuận Paris.

Thỏa thuận Paris là gì?

Thỏa thuận Paris là một điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu.

Đó là lần đầu tiên gần như toàn bộ các nước trên thế giới đồng ý cùng nhau giới hạn sự ấm lên toàn cầu và thích ứng với biến đổi khí hậu. 196 nước đã ký thỏa thuận này.

Nhiệt độ toàn cầu năm 2024 vượt 1,5 độ C có phá vỡ thỏa thuận Paris? - 2

Sinh viên Úc tụ tập yêu cầu chính phủ thực hiện các hành động về biến đổi khí hậu. (Ảnh: Mark Metcalfe/ Getty Images).

Các nước đồng ý giảm đáng kể phát thải khí nhà kính để giữ cho nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu về lâu dài "thấp hơn 2 độ C" so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các nước cũng nhất trí "nỗ lực" giới hạn nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, lấy giai đoạn từ năm 1850 đến 1900 làm đường cơ sở.

Ấm lên 1,5 độ C có ý nghĩa như thế nào?

Nhiệt độ tăng 1,5 hoặc 2 độ C trên bề mặt có thể là rất ít. Bạn sẽ gần như không cảm thấy gì khác giữa một ngày 27 độ C và một ngày 29 độ C.

Nhưng Giáo sư David Karoly, nhà khoa học khí hậu ở Trường đại học Melbourne, Úc, nói rằng tăng 1,5 độ C ở quy mô toàn cầu nghĩa là sẽ có thêm nhiều ngày cực kỳ nóng.

Mục tiêu 1,5 độ C được đặt ra vì Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định rằng vượt qua ngưỡng đó chính là nguy cơ gây ra những tác động nghiêm trọng hơn nhiều đến biến đổi khí hậu, trong đó có hạn hán, nắng nóng, lũ lụt ven biển do bão thường xuyên hơn và dữ dội hơn.

Giáo sư Karoly cũng nói thêm rằng không có mức độ ấm lên toàn cầu nào là tuyệt đối an toàn cả. Chúng ta đã thấy những tác động của biến đổi khí hậu trong vòng 10 đến 20 năm qua.

Các đợt nắng nóng gia tăng, sức khỏe con người bị ảnh hưởng, lượng mưa cực đoan hoặc hạn hán ở một số khu vực cũng tăng lên đáng kể, cháy rừng xảy ra nhiều hơn.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, con số thống kê thiên tai liên quan đến thời tiết đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 1970.