1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

AI đã có thể dự đoán bão Mặt Trời

Minh Khôi

(Dân trí) - Việc áp dụng AI để dự báo hoạt động của Mặt Trời là một bước tiến quan trọng trong việc giảm thiểu mối đe dọa của các cơn bão từ.

Thách thức lớn từ Mặt Trời

AI đã có thể dự đoán bão Mặt Trời - 1

Vệ tinh ghi lại hình ảnh của một đợt CME khổng lồ được giải phóng khỏi Mặt Trời vào tháng 2/2000 (Ảnh: NASA).

Thoạt nhìn, Mặt Trời trong hệ sao của chúng ta có vẻ là một ngôi sao ổn định và ít thay đổi. Minh chứng là nó vẫn thắp sáng và sưởi ấm cho toàn bộ hành tinh trong hệ suốt hàng triệu năm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là một khối plasma sôi sục, hay một dạng khí mang điện tích, luôn chịu tác động của từ trường cực mạnh. Tại đó, tính khó lường trong các hoạt động của Mặt Trời vẫn là một thách thức lớn đối với các nhà vật lý thiên văn trong việc dự đoán những ảnh hưởng của nó tới sự sống trên Trái Đất.

Một trong những hiện tượng khó đoán nhất là sự phun trào khối vành nhật hoa (viết tắt: CME). Nhưng giờ đây, các thuật toán học máy đã có thể giúp chúng ta dự đoán tốt hơn các sự kiện này.

AI đã có thể dự đoán bão Mặt Trời

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng trí tuệ nhân tạo (AI) được huấn luyện dựa trên hàng thập kỷ dữ liệu về sự hoạt động của Mặt Trời đã có thể nhận biết các dấu hiệu gia tăng CME từ khu vực có tên AR13664, từ đó giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát trong tương lai.

Cụ thể, nhóm nhà khoa học dẫn đầu bởi GS Sabrina Guastavino từ Đại học Genoa đã thành công sử dụng công nghệ này để dự đoán chính xác các sự kiện liên quan đến cơn bão Mặt Trời xảy ra vào tháng 5/2024, bao gồm việc khai phóng một tia lửa điện từ ở cấp X8.7 - một trong những mức cao nhất trong thang đo.

"AI đã tìm ra những mô hình phức tạp mà phương pháp truyền thống khó phát hiện", nhóm nghiên cứu ghi lại trong báo cáo. "Từ đó cho thấy mức độ dự đoán ở cấp độ chính xác chưa từng có".

AI đã có thể dự đoán bão Mặt Trời - 2

Hoạt động diễn ra trên Mặt Trời có thể tác động mạnh mẽ đến từ quyển của Trái Đất (Ảnh: NASA).

Được biết, CME là những vụ phóng plasma khổng lồ từ vành nhật hoa vào không gian, do sự gián đoạn trong từ trường tại Mặt Trời. Chúng thường liên kết với các tia lửa mặt trời và xảy ra khi các đường sức từ tái cấu trúc đột ngột, qua đó giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ.

Những đợt CME này có thể di chuyển với tốc độ từ vài trăm đến hàng nghìn km mỗi giây và chỉ mất vài ngày để chạm đến Trái Đất nếu di chuyển về hướng của chúng ta.

Khi tới nơi, chúng có thể tương tác với từ quyển của Trái Đất, gây ra các trận bão từ, ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh, GPS và hệ thống lưới điện. Ngoài ra, chúng còn có thể tạo ra hiện tượng cực quang rực rỡ.

Theo www.sciencealert.com