Đề xuất tội làm giàu bất chính và "chặn" tham nhũng qua tiền ảo
(Dân trí) - Đề xuất hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính và bổ sung quy định quản lý hoạt động của tiền ảo, tài sản ảo nhằm phòng chống rửa tiền, tham nhũng.
Theo báo cáo "Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xử lý hình sự đối với tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng" của Bộ Tư pháp, Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) định nghĩa làm giàu bất hợp pháp là việc tài sản của công chức tăng lên một cách đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ mà không giải thích được một cách hợp lý cho việc đó.
"Thực tiễn chống tội phạm trên thế giới cho thấy, làm giàu bất hợp pháp chủ yếu bắt nguồn từ việc thực hiện tội phạm có tổ chức và tội phạm tham nhũng", nghiên cứu chỉ rõ.
Chính vì vậy, bên cạnh việc đặt ra nghĩa vụ hình sự hóa các hành vi tham nhũng truyền thống như tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản, hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi, UNCAC coi hành vi làm giàu bất hợp pháp là một loại hành vi có bản chất tham nhũng và khuyến nghị các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi này.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định về hành vi làm giàu bất chính.
Bày tỏ sự đồng tình, nhóm chuyên gia của Bộ Tư pháp nhấn mạnh, để phòng ngừa tội phạm tham nhũng có hiệu quả, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, cần có giải pháp căn cơ, mang tính đột phá.
Tuy nhiên, để có quy định về tội làm giàu bất chính, theo nhóm nghiên cứu, cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong đăng ký tài sản, giao dịch, kê biên và kiểm soát tài sản, thu nhập.
Đồng thời phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất cho các giao dịch thanh toán chuyển khoản, thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo điều kiện về nhận thức của người dân trong tuân thủ quy định về đăng ký tài sản, hạn chế thói quen dùng tiền mặt và trách nhiệm của công chức trong kê khai tài sản, thu nhập.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, Việt Nam hiện chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, xử lý tiền, tài sản mã hóa hay còn gọi là tiền ảo, tài sản ảo.
Trong khi thực tiễn ngày càng nhiều người tham gia vào hoạt động mua bán tiền ảo, tài sản ảo (Bitcoin, Ethereum, Tether, Binance Coin, Ripple, Cardano...) nhưng chưa có quy định cụ thể và cách hiểu thống nhất về việc những loại tiền này có được coi là tài sản theo pháp luật dân sự của Việt Nam hay không.
Điều này cho thấy những thiếu hụt pháp lý có ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo, trong đó có công tác phòng, chống lạm dụng tiền ảo, tài sản ảo để rửa tiền.
Để ngăn chặn nguy cơ rửa tiền, nhóm nghiên cứu khẳng định việc có một hành lang pháp lý để quản lý, kiểm soát các hoạt động liên quan đến rửa tiền, tài sản mã hóa ở thời điểm hiện nay hết sức quan trọng và cấp thiết.
Chế định thu hồi tài sản không thông qua kết tội
Để có thể thu hồi tài sản một cách hiệu quả, nhóm nghiên cứu đề xuất phải có những bước đi mang tính đột phá. Một trong những biện pháp được nhiều quốc gia ghi nhận gần đây là thu hồi tài sản không qua kết tội.
Ưu điểm của hình thức này là vẫn có thể tiến hành tịch thu tài sản ngay cả khi người phạm tội chưa bị hoặc không bị kết án. Quá trình tịch thu tài sản không dựa trên bản án đòi hỏi tòa án phải xem xét và chấp nhận các bằng chứng được cho là có ưu thế về mức độ tin cậy, có tính thuyết phục hơn về nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản khi chủ sở hữu không thể chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Tuy nhiên, yêu cầu về chứng cứ tại các phiên tòa dân sự thấp hơn so với tố tụng hình sự. Căn cứ để tịch thu tài sản có thể dựa trên dấu hiệu làm giàu bất chính hoặc nguyên tắc "không ai được hưởng lợi từ tài sản có được một cách bất hợp pháp và không chứng minh được nguồn gốc của tài sản".
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất quy định trách nhiệm hình sự về pháp nhân, tăng cường cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đấu tranh với tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng.
Trong đó phải nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và ngân hàng trong việc báo cáo giao dịch đáng ngờ bởi các hoạt động tài chính, ngân hàng là một trong những nơi phát hiện và xử lý được các hành vi rửa tiền.
"Thành lập các tổ công tác đặc biệt, gồm các thành viên từ cơ quan điều tra, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thuế, hải quan để xử lý các vụ án liên quan đến rửa tiền và tham nhũng", nhóm nghiên cứu đề xuất.