DNews

Nghị quyết 57: "Đường cao tốc" tháo gỡ điểm nghẽn để chuyển đổi toàn diện

Nam Đoàn

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp đồng tình rằng, Nghị quyết 57 sẽ tác động vào mọi mặt của đời sống, từ việc số hóa dữ liệu, tự động hóa quy trình đến thay đổi phương thức làm việc.

Nghị quyết 57: "Đường cao tốc" tháo gỡ điểm nghẽn để chuyển đổi toàn diện

Nghị quyết 57 là một nỗ lực rất lớn của Đảng nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Nghị quyết là sự đột phá giúp các công ty phát triển và đẩy nhanh quá trình Chính phủ số thành công. 

Tháo gỡ điểm nghẽn

Câu chuyện về chuyển đổi số tại Việt Nam là mục tiêu mà nước ta đã cố gắng đẩy mạnh từ nhiều năm trước, song thành tựu thực tế lại chưa đạt kỳ vọng.

Nghị quyết 57: Đường cao tốc tháo gỡ điểm nghẽn để chuyển đổi toàn diện - 1

Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, ông Nguyễn Bảo Trung, Giám đốc Chuyển đổi số Công ty Cổ phần Giải pháp Công Nghệ Lạc Hồng cho biết: "Các quốc gia trên thế giới họ đã chuyển đổi số từ rất lâu. Việt Nam cũng đã và đang thực hiện điều này.

Thực tế, chuyển đổi số tại Việt Nam hiện giống như việc chúng ta đi trên một con đường với nút thắt cổ chai; vẫn chưa thể đồng bộ được tất cả dẫn đến mọi hoạt động xã hội, kinh doanh sản xuất còn gặp nhiều điểm nghẽn.

Chính vì thế, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị sẽ giúp tháo nghẽn, không chỉ tới các doanh nghiệp mà còn ở các cơ quan quản lý nhà nước".

Nghị quyết 57: Đường cao tốc tháo gỡ điểm nghẽn để chuyển đổi toàn diện - 2

Theo ông Nguyễn Bảo Trung, trong một thế giới công nghệ thông tin được gọi là thế giới phẳng, tạo cơ hội để Việt Nam hoàn toàn có thể sở hữu được những công nghệ tiên tiến trên thế giới (Ảnh: Quyết Thắng).

Ông Trung dẫn chứng, nếu một doanh nghiệp thực hiện thành công chuyển đổi số toàn diện; trong khi các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành hoặc chỉ một phần, họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hợp tác và thậm chí sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trịnh Quang Thưởng, Giám đốc Kinh doanh, Công ty TNHH Truyền thông và Tin học Pama bày tỏ: "Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang gặp phải các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính rườm rà, chi phí giao dịch cao và thiếu minh bạch trong các quy trình cấp phép và quản lý.

Điều này làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và khiến họ không thể nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới".

Theo ông Thưởng, Nghị quyết số 57 giúp doanh nghiệp giải quyết nhiều vấn đề, với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách hành chính số sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp sẽ có thể thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, giảm thời gian và chi phí trong quá trình làm việc với cơ quan nhà nước.

"Chương trình Chính quyền điện tử và công dân số của TPHCM và Hà Nội đã giúp các doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục đăng ký kinh doanh, xin giấy phép và thanh toán thuế. Điều này giúp họ tiết kiệm chi phí và thời gian, đặc biệt là các startup và doanh nghiệp nhỏ", ông Thưởng dẫn chứng. 

Chính vì thế, chuyển đổi số thành công sẽ giúp người dân và các doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, thủ tục hành chính nhanh gọn giúp giảm thời gian và chi phí vận hành. 

Tăng tốc vào kỷ nguyên số

Ông Nguyễn Bảo Trung chỉ ra, để có thể chuyển đổi số toàn diện tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề kho dữ liệu (Big Data) và nhận thức về chuyển đổi số của các doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước. 

Tuy nhiên, Nghị quyết 57 đã đặt ra các nhiệm vụ và mốc thời gian để đạt được điều này. Lộ trình trong Nghị quyết được đánh giá là hoàn toàn hợp lý và đúng đắn, vừa tháo nghẽn được khúc mắc về thể chế, đồng thời có thời gian để các công ty chuẩn bị, nghiên cứu thực hiện. 

"Nghị quyết 57 đã đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể, nhằm tạo ra một hệ thống pháp lý và thể chế mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi. Điều này sẽ giúp Việt Nam tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực"; ông Nguyễn Bảo Trung chia sẻ. 

Nghị quyết 57: Đường cao tốc tháo gỡ điểm nghẽn để chuyển đổi toàn diện - 3

"Việt Nam có cơ hội thành công trong chuyển đổi số quốc gia", ông Trịnh Quang Thưởng bày tỏ.

Đáng chú ý, Nghị quyết 57 khuyến khích đầu tư vào hạ tầng số 5G, ioT, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới này vào hoạt động sản xuất kinh doanh, được Chính phủ cam kết hỗ trợ việc triển khai hạ tầng số, bao gồm cả việc phát triển mạng lưới 5G, mở rộng các trung tâm dữ liệu và thúc đẩy kết nối Internet băng rộng.

"Những sự đầu tư này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. IoT có thể giúp các doanh nghiệp không chỉ cải thiện quy trình sản xuất mà còn tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng, bảo trì thiết bị, và quản lý năng lượng.

Với sự hỗ trợ từ Nghị quyết 57, các doanh nghiệp có thể triển khai các giải pháp IoT với chi phí thấp hơn, nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước", ông Trịnh Quang Thưởng cho biết.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội thành công trong chuyển đổi số quốc gia. Lộ trình trong Nghị quyết đã đặt ra những giải pháp cụ thể, tập trung vào cải cách thể chế, phát triển hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo an toàn thông tin.

Đặc biệt, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là những yếu tố then chốt để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi này. 

Ngày 22/12, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 nhằm định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết khẳng định đây là đột phá quan trọng để đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển.

Nghị quyết xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố đột phá quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định trong việc phát triển kinh tế - xã hội và ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.