DNews

Hiểm họa sạt lở đất khi rừng bị tổn thương

Nam Đoàn

(Dân trí) - Một trận trượt lở đất có thể xảy ra vài tháng sau khi cây bị chặt, 6-8 năm khi hệ thống rễ bị thối rữa hoặc sạt lở bất kỳ lúc nào cho đến khi cây mọc trở lại trong môi trường bị úng nước.

Hiểm họa sạt lở đất khi rừng bị tổn thương
Hiểm họa sạt lở đất khi rừng bị tổn thương - 1

Toàn bộ khu vực sạt lở trên đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) nằm trọn ở khoảnh đồi trồng cây sầu riêng. Ngay cạnh đó là khu đất trồng rừng (Ảnh: Hải Long).

Như Dân trí đã đưa tin, trưa 30/7, đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, xảy ra tình trạng sạt lở mái taluy dương tại Km103+100. Vụ sạt lở làm vùi lấp 1 trụ sở trạm cảnh sát giao thông nằm giữa đèo Bảo Lộc, vùi lấp 4 người (gồm 3 chiến sỹ công an và 1 người dân), hư hỏng 3 xe ô tô; chia cắt hoàn toàn giao thông qua đèo Bảo Lộc.

Sự việc đau buồn này lại thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta về tác dụng quan trọng của rừng đối với việc ngăn chặn thiên tai như sạt lở đất, lũ quét...

Lở đất bao gồm một loạt các hiện tượng bao gồm sụt đất, đá rơi, mảnh vụn trượt và đất và dòng chảy bùn.

Chúng gây ra bởi những thay đổi độ ổn định của sườn dốc xuất phát từ việc cắt xén như xây dựng đường, thay đổi độ bão hòa nước, mất độ che phủ của rừng, chuyển đổi cây trồng không phù hợp hoặc động đất.

Số vụ sạt lở đất ở châu Á cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới do khu vực này có địa hình dốc, đồi núi rộng lớn, đất dễ bị xói mòn, đá nền và vật liệu núi lửa bị phong hóa nhanh chóng đi cùng với lượng mưa theo mùa cao. 

Vai trò của rừng trong việc giảm nguy cơ sạt lở đất

Theo một nghiên cứu về rừng và sạt lở đất ở châu Á được đăng trên tạp chí Recoftc, cây rừng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ sạt lở đất thông qua các cơ chế khác nhau. Cụ thể, rễ cây củng cố các lớp đất, neo đất vào đá gốc tạo thành các trụ, chống lại sự dịch chuyển của đất. 

Hiểm họa sạt lở đất khi rừng bị tổn thương - 2

Điểm sạt lở tại đèo Bảo Lộc bắt đầu từ giữa ngọn đồi, xung quanh bị chặt trụi cây để trồng sầu riêng (Ảnh: Hải Long).

Cây xanh cũng làm giảm nguy cơ sạt lở đất bằng cách ngăn chặn, hạ thấp độ ẩm của đất; thoát hơi nước nhanh giúp giảm xói mòn và đóng vai trò như một rào cản hiệu quả chống lại đá, mảnh vụn và đất trượt.

Tuy nhiên, cây cối và rừng cũng có thể làm tăng nguy cơ sạt lở đất bằng cách tạo ra tải trọng lên các sườn dốc không ổn định. Các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu trên lưu ý, trong quá trình trồng rừng hay chuyển đổi cây trồng, chúng ta phải nghiên cứu kỹ đặc tính của cây trồng và thực địa để lựa chọn loại cây phù hợp. 

Cụ thể, những cây và bụi rậm có rễ sâu giúp làm giảm các vụ lở đất nông di chuyển nhanh, do nó củng cố các lớp đất này, cải thiện hệ thống thoát nước. Rừng đóng vai trò như một rào cản trong việc làm suy giảm, ngăn chặn các mảnh vụn, đá rơi.

Các khu rừng trên nền đá gốc bị phong hóa nhanh, có mực nước ngầm hoặc các sườn núi rất dốc thường có mức độ nguy hiểm trượt lở đất cao hơn, đặc biệt trong trường hợp mưa lớn liên tục hoặc động đất.

Hiểm họa sạt lở đất khi rừng bị tổn thương - 3

Chặt phá rừng tự nhiên sẽ làm tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất (Ảnh minh họa: Chí Anh).

Nhà nghiên cứu Nicolas Dolidon, trưởng nhóm Chuyển đổi sinh thái, phụ trách vùng Nouvelle-Aquitaine, Pháp cho biết: "Chúng ta nên tránh hoặc giảm thiểu các hoạt động trong những khu vực này, đặc biệt nếu nó liên quan đến việc chặt phá rừng. Việc sử dụng đất cũng sẽ làm tăng sự mất ổn định của độ dốc bao gồm việc khai thác gỗ, xây dựng đường và chuyển đổi cây trồng". 

Nhiều vùng núi châu Á, đường giao thông vùng cao được xây dựng mà không đảm bảo các tiêu chuẩn, kỹ thuật và thường không có hệ thống thoát nước. Việc chuyển đổi từ cây rừng sang cây trồng sẽ làm giảm vĩnh viễn độ sâu và sức mạnh của rễ, giảm thoát nước, gây mất ổn định lớp đất sâu do đó làm tăng nguy cơ sạt lở.

Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ sạt lở đất

Một nghiên cứu của The center for People and Forests cho thấy, lượng mưa dự kiến sẽ tăng trên hầu hết các khu vực châu Á, đặc biệt là trong mùa đông ở bán cầu bắc. 

Ở Nam Á, dự kiến lượng mưa sẽ tăng trong mùa hè ở phía bắc, trong khi ở Đông Nam Á dự kiến sẽ có ít thay đổi tổng thể lượng mưa cho đến năm 2040.

Hiểm họa sạt lở đất khi rừng bị tổn thương - 4

Biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, mưa lớn cũng sẽ làm tăng nguy cơ sạt lở đất (Ảnh minh họa: Hải Long).

Bên cạnh đó, Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á phải đối mặt với sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm sóng nhiệt và lượng mưa. Cường độ bão nhiệt đới tăng 10-20%, trong khi nhiệt độ được dự báo tăng 0,7-1,8 độ C ở Nam Á, Đông Nam Á và 1,5-1,8 độ C khu vực Đông Á. 

Giáo sư, tiến sĩ Sinh học Thomas Höfer, Đại học Heidelberg (Đức) cảnh báo, sự gia tăng các hiện tượng mưa cực đoan sẽ làm tăng tần suất sạt lở đất ở các khu vực dốc, trong khi lốc xoáy hoặc bão có thể gây ra sạt lở đất bằng cách làm đổ cây cối khiến lộ khoảng đất trống, lượng nước xâm nhập vào đất làm sụt dốc gây sạt lở. 

Một số khu vực khác phải đối mặt với hạn hán sẽ làm tăng khả năng cháy rừng khiến cây rừng chết, gây hư hại độ che phủ của rừng, tình trạng thối rễ dẫn đến mất ổn định mái dốc.

Mặt khác, quá trình chuyển đổi từ cây rừng sang cây trồng làm giảm vĩnh viễn độ sâu và sức mạnh của rễ do đó làm tăng nguy cơ sạt lở. Việc trồng cây nông - lâm nghiệp kết hợp, đặc biệt là những loài cây cao, có thể giảm thiểu một số rủi ro này. 

Đối với những vùng đất nông, rễ cây xuyên qua toàn bộ lớp phủ đất có vai trò như các neo, khiến lớp đất nền ổn định hơn và sự thoát nước từ tán cây rộng cũng có thể làm giảm hàm lượng nước trong đất làm tăng tính ổn định của đất. 

Làm thế nào để chống sạt lở đất 

Nhóm các nhà khoa học trong nghiên cứu về rừng và sạt lở đất châu Á cho biết, việc quản lý rừng bền vững ở các nước châu Á gặp nhiều khó khăn bởi độ dốc và lượng mưa lớn khiến đất rất dễ bị xói mòn.

Duy trì độ che phủ rừng lâu dài cũng có nhiều hạn chế khi nhu cầu của con người trong việc sử dụng đất đai và tài nguyên ngày càng trở nên khó khăn ở nhiều quốc gia do dân số tăng.

Hiểm họa sạt lở đất khi rừng bị tổn thương - 5

Các khu rừng đất thấp bị khai thác và các khu vực cận biên hơn (thường dốc) cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc phát triển đường bộ và nông nghiệp thương mại cũng đang mở rộng ở các khu vực dốc xung quanh khu vực.

Sạt lở đất có tính cục bộ cao và các tác động tiêu cực của chúng thường có thể tránh được bằng cách phân vùng những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, định vị khu định cư sinh sống, sản xuất của người dân cách xa những nơi xảy ra đá lăn và sườn dốc thông qua quy hoạch sử dụng đất hợp lý.

Một số khuyến nghị của các nhà khoa học đưa ra nhằm giảm thiểu sạt lở đất:

Duy trì độ che phủ của rừng, đây là việc làm đặc biệt quan trọng ở những khu vực dễ bị sạt lở đất. Thông thường, những khu vực này bao gồm các sườn dốc, lõm hoặc có mực nước ngầm; đất có độ kết dính thấp và nông bị bao phủ bởi đá gốc.

Trồng và giữ lại cây ở chân dốc dọc theo đường bộ và đường sắt sẽ giảm thiểu rủi ro đối với các cơ sở hạ tầng này.

Sức khỏe của rừng sẽ là những yếu tố chính trong việc duy trì hệ thống rễ cây phát triển mạnh trước những căng thẳng liên quan đến biến đổi khí hậu. Bảo vệ chống xói mòn bề mặt và xây dựng rãnh thoát nước cũng rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ sạt lở đất.

Nên tập trung trồng cây gỗ và cây bụi ở những nơi có độ dốc rủi ro cao. Việc trồng rừng trên toàn bộ lưu vực, vốn sẽ tốn kém và có thể gây xung đột với các mục đích sử dụng đất khác.

Trồng trọt trên sườn dốc nơi địa chất không ổn định gây mất an toàn, chúng ta phải xây dựng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm sạt lở đất như đào rãnh thoát nước, trồng xen canh các cây có độ bám rễ tốt, độ phủ cao nhằm tăng tính ổn định của đất.