1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine tiết lộ "tối hậu thư" của Nga, quyết không nhượng lãnh thổ

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev sẽ không đồng ý với bất kỳ sự thỏa hiệp nào liên quan đến các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát.

Ukraine tiết lộ tối hậu thư của Nga, quyết không nhượng lãnh thổ - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).

"Bất kể ai muốn gì, ngay cả khi tất cả các đồng minh trên thế giới đoàn kết, chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận các vùng lãnh thổ bị kiểm soát là một phần của Nga. Điều này là không thể. Chúng tôi sẽ không công nhận chúng về mặt pháp lý. Đối với chúng tôi, chúng sẽ luôn là các vùng lãnh thổ bị kiểm soát cho đến khi chúng tôi giành lại", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói trong một cuộc họp với các thành viên của Hội đồng truyền thông quốc tế hôm 21/1.

Ông Zelensky cho biết các cuộc đối thoại với Nga chỉ nên diễn ra khi Ukraine có vị thế mạnh, vì bất kỳ nỗ lực nào nhằm đối xử với Nga, quốc gia mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, như một bên ngang hàng sẽ đồng nghĩa với thất bại cho Kiev.

Ông Zelenskyy cũng nhấn mạnh, việc chấm dứt cuộc chiến đang diễn ra là ưu tiên hàng đầu của Ukraine.

"Chúng ta phải tìm mọi cách có thể để chấm dứt giai đoạn giao tranh đang diễn ra. Đây là vấn đề ưu tiên số một. Có thể có nhiều cuộc đàm phán, nhưng mục tiêu chính là chấm dứt giai đoạn giao tranh đang diễn ra. Đây là sự đảm bảo an ninh đầu tiên", ông Zelensky nói thêm.

Trước đó, Tổng thống Zelensky thừa nhận lực lượng Nga kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine, trong đó có 4 khu vực trên đất liền gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Moscow đã tuyên bố sáp nhập 4 khu vực này cùng bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine sau các cuộc trưng cầu dân ý.

Báo New York Times ngày 18/1 đưa tin, trong các cuộc thảo luận riêng liên quan tới tương lai thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine, các quan chức Mỹ thừa nhận Moscow có thể sẽ giữ lại khoảng 20% diện tích lãnh thổ do Kiev tuyên bố chủ quyền. 

Tháng 12/2024, Tổng thống Zelensky thừa nhận Kiev không có đủ sức mạnh quân sự để giành lại toàn bộ lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền. 

Tuy nhiên, ông Zelensky bác bỏ bất kỳ sự nhượng bộ chính thức nào về lãnh thổ mà khẳng định Kiev sẽ phải tìm kiếm một con đường ngoại giao để đạt được mục tiêu của mình.

Ukraine muốn gia nhập NATO

Tổng thống Zelensky tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tác động đến việc Ukraine gia nhập NATO.

"Tất cả phụ thuộc vào Mỹ. Nếu ông Trump sẵn sàng đưa Ukraine vào NATO, chúng tôi sẽ ở trong NATO, mọi người sẽ ủng hộ việc Ukraine gia nhập. Nếu Tổng thống Trump không sẵn sàng đưa Ukraine vào NATO, chúng ta sẽ không trở thành thành viên của NATO", ông Zelensky nói.

Ông Zelensky cho biết một số quốc gia ban đầu đã theo đuổi chính sách không minh bạch đối với Ukraine và không ủng hộ việc nước này gia nhập NATO ngay từ đầu.

"Đây chỉ là những lời ngụy biện sai lầm rằng Ukraine sẽ gia nhập NATO, vì nhiều thập niên đã trôi qua và Ukraine vẫn chưa trở thành thành viên NATO. Đây là điều không trung thực", nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố.

"Tôi muốn các nước khác tôn trọng Ukraine một cách ngang bằng. Và chúng tôi đang đấu tranh để đảm bảo an ninh, chúng tôi muốn gia nhập NATO, hầu hết các nước NATO đều ủng hộ chúng tôi", Tổng thống Zelensky cho biết.

Theo ông Zelensky, có 4 quốc gia không ủng hộ Ukraine gia nhập NATO: Mỹ, Đức, Slovakia và Hungary.

"Tối hậu thư" của Nga

Tổng thống Zelensky, trích dẫn tối hậu thư của Điện Kremlin mà ông nhận được trong những ngày đầu của cuộc xung đột vào năm 2022, cho biết Nga muốn đưa nhà tài phiệt thân Moscow Viktor Medvedchuk lên làm tổng thống Ukraine sau khi buộc ông Zelensky phải từ chức.

"Một số người đã đến gặp tôi vào những ngày đầu của cuộc chiến, một số người từ Ukraine… Họ đã đưa cho tôi tối hậu thư từ Nga. Họ nói rằng tôi phải ra đi, và họ sẽ thay thế tôi để Medvedchuk làm tổng thống", ông Zelensky tiết lộ.

Theo Tổng thống Zelensky, tối hậu thư cũng yêu cầu Ukraine công nhận chính quyền do Nga kiểm soát ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, đồng thời thay đổi hiến pháp để cam kết "trung lập", giảm quân đội xuống còn 50.000 quân, từ bỏ phần lớn kho vũ khí và công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức của Ukraine.

"Đây không phải là đàm phán, mà là tối hậu thư", ông Zelensky nói.

Các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) giữa phái đoàn Nga và Ukraine vào tháng 3/2022 đã đưa ra một dự thảo hòa bình. Theo thỏa thuận ngừng bắn được đề xuất, Ukraine sẽ từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO và chấp nhận giới hạn lực lượng vũ trang của mình để đổi lấy sự đảm bảo an ninh quốc tế, bao gồm cả từ Nga.

Tuy nhiên, Kiev đã hủy bỏ dự thảo thỏa thuận này vào phút chót, rút khỏi đàm phán với Nga. Phía Nga cho rằng, Moscow không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động quân sự, và bất kỳ giải pháp khả thi nào cho cuộc xung đột sẽ phải giải quyết cả hai vấn đề.

Theo Pravda, Kyiv Independent