5 mối đe dọa lớn nhất mà thế giới phải đối mặt vào năm 2025
(Dân trí) - Theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2025 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thế giới đang đối mặt với nhiều mối đe dọa lớn, và dưới đây là 5 thành tố chính.
Gia tăng các cuộc giao tranh tàn khốc
Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã dẫn đến sự bùng phát của nhiều cuộc xung đột vũ trang trên toàn cầu. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, đã cảnh báo rằng thế giới đang chứng kiến số lượng xung đột cao nhất kể từ Thế chiến II, bao gồm các cuộc xung đột tại Ukraine, Trung Đông, Bắc Phi.
Những xung đột này không chỉ gây thiệt hại về nhân mạng mà còn làm suy yếu nền kinh tế và gây bất ổn xã hội.
Đây là mối đe dọa đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ từ vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng năm ngoái. Động lực chính gây lo ngại theo báo cáo, là sự thiếu đi các nỗ lực quốc tế trong việc gìn giữ hòa bình - nghĩa là chúng ta có thể đang hướng tới một kiểu chiến tranh tàn khốc hơn trong tương lai.
Biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết khắc nghiệt
Biến đổi khí hậu tiếp tục gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, lốc xoáy và lũ lụt. WEF nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống con người.
Các sự kiện này đe dọa an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng và cơ sở hạ tầng trên toàn cầu.
Năm 2025, nhiệt độ toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, ngay cả sau khi đã đạt kỷ lục vào năm 2024, đặc biệt dưới tác động của hiện tượng ENSO trung tính.
Biến đổi này không chỉ ảnh hưởng đến nhiệt độ không khí mà còn làm gia tăng nguy cơ xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan như nắng nóng, bão lớn và mưa lũ.
Đối đầu kinh tế địa chính trị
Căng thẳng địa chính trị không chỉ giới hạn ở lĩnh vực quân sự mà còn lan sang kinh tế. Các biện pháp trừng phạt, chiến tranh thương mại và hạn chế đầu tư giữa các quốc gia đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây bất ổn kinh tế.
Các chuyên gia dự đoán, căng thẳng giữa các cường quốc kinh tế có thể dẫn đến sự thay đổi dòng chảy thương mại và tái cơ cấu chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thông tin sai lệch và xuyên tạc sự thật
Sự lan truyền nhanh chóng của thông tin sai lệch trên các nền tảng số đã làm xói mòn niềm tin của công chúng vào các thể chế và phương tiện truyền thông.
WEF đã xếp hạng thông tin sai lệch là một trong những rủi ro ngắn hạn nghiêm trọng nhất mà thế giới đang phải đối mặt, góp phần vào sự phân cực xã hội và ảnh hưởng đến các quyết định chính trị.
Xã hội phân cực
Sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế, bất công xã hội, khác biệt ý thức hệ đã và đang chia rẽ các cộng đồng trên toàn cầu. Phân cực xã hội làm suy yếu sự đoàn kết, dẫn đến bất ổn chính trị và cản trở khả năng giải quyết các thách thức chung của xã hội.
Theo WEF, phân cực xã hội là một trong những rủi ro hàng đầu trong ngắn hạn, đe dọa sự ổn định và phát triển bền vững. Những mối đe dọa này đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu và các giải pháp bền vững để giảm thiểu tác động, nhằm xây dựng một tương lai an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Rủi ro toàn cầu theo WEF, được định nghĩa là khả năng xảy ra sự kiện hoặc tình trạng mà nếu xảy ra sẽ tác động tiêu cực đến một tỷ lệ đáng kể GDP, dân số hoặc tài nguyên thiên nhiên toàn cầu.
Những rủi ro này có thể bao gồm lĩnh vực môi trường, chẳng hạn như biến đổi khí hậu hoặc thiên tai; cũng có thể là về địa chính trị, chẳng hạn như chiến tranh hoặc bất ổn xã hội.
Rủi ro toàn cầu cũng có thể đến từ những yếu tố như bất bình đẳng gia tăng, đại dịch mới hoặc vi phạm nhân quyền; rủi ro công nghệ do sự trỗi dậy của AI hoặc chiến tranh mạng; những rủi ro kinh tế, như suy thoái, lạm phát, thiếu hụt lao động...
Báo cáo này dựa trên dữ liệu từ Khảo sát Nhận thức Rủi ro Toàn cầu (GRPS), do WEF khai thác từ mạng lưới học thuật, doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức quốc tế và xã hội.