(Dân trí) - Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) góp phần không nhỏ tạo nên sự đột phá về tư duy và hoạt động nghiên cứu khoa học của nước nhà.
Năm 2023, Việt Nam có hơn 19.000 công bố khoa học quốc tế, đứng thứ 47/234 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, theo Journal & Country Rank của SCImago.
Trong 4 năm liên tiếp, kể từ năm 2020, Việt Nam duy trì thứ hạng top 50, thể hiện sự ổn định về số lượng công bố khoa học và năng lực cạnh tranh quốc tế. So sánh với giai đoạn 5 năm trước đó, 2015-2019, số công bố khoa học của Việt Nam đã tăng trưởng vượt 200%.
Đóng góp và tạo nên sự đột phá trong sự thay đổi về tư duy và hoạt động công bố khoa học của người Việt phải kể đến sự ra đời của các quỹ tư nhân, mà cột mốc quan trọng là năm 2019, thời điểm Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) thực hiện hai trong số những chương trình trọng điểm là: chương trình tài trợ dự án nghiên cứu khoa học công nghệ thường niên và chương trình học bổng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước.
Hai chương trình này đã tạo ra một sự thay đổi tiên phong trong văn hóa nghiên cứu khoa học và công nghệ nước nhà. Thông qua việc thiết lập môi trường nghiên cứu cạnh tranh với tiêu chuẩn đầu ra rất cao là các bài báo công bố trên các tạp chí xếp hạng Q1 theo Scimago, dự án của VinIF đã thúc đẩy các nhà khoa học nỗ lực hết mình trong việc tạo ra các công bố quốc tế chất lượng. Cũng từ thời điểm đó, rất nhiều nhà khoa học trẻ tại Việt Nam thực sự xem nghiên cứu là một nghề.
Giáo sư Vũ Hà Văn - Giám đốc khoa học VinIF kể, vài năm trước, khi ông nói chuyện với hiệu trưởng Đại học Bách khoa, ông được biết sinh viên đầu vào của trường rất tốt, nhưng rất ít sinh viên đăng ký học sau đại học. Trong khi ở hầu hết các trường hàng đầu trên thế giới, chương trình sau đại học cũng lớn tương đương với chương trình cử nhân.
Lý do chính là việc học sau đại học rất tốn kém. Nếu không có học bổng, người học phải có một công việc nuôi sống họ hàng ngày. Quá trình vừa học vừa làm như vậy khiến chất lượng nghiên cứu không thể cao.
"Chương trình học bổng thạc sĩ, tiến sĩ của VinIF trả mức lương 120 triệu và 150 triệu/năm cho các học viên và nghiên cứu sinh để họ có thể dành toàn bộ thời gian vào học tập và nghiên cứu, đạt được những thành quả nghiên cứu thực sự chất lượng, tiệm cận trình độ quốc tế.
Các ứng viên nhận học bổng dần dần sẽ hướng đến việc coi nghiên cứu khoa học, làm tiến sĩ là một nghề nghiệp nghiêm túc, là bước bắt đầu cho một sự nghiệp khoa học", Giáo sư Vũ Hà Văn nói.
Chương trình học bổng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước của Quỹ VinIF khởi chạy năm 2019 đã tiên phong một cách thức tài trợ mới với mức tài trợ thỏa đáng để các nhà khoa học trẻ có thể toàn tâm toàn ý phát triển năng lực nghiên cứu. Trách nhiệm của họ là hoàn thành những cam kết về kết quả nghiên cứu có mức độ tri thức cao do chính họ đặt ra.
Trong 5 năm, VinIF hợp tác với trên 150 trường đại học, viện nghiên cứu khắp cả nước để cấp 669 học bổng thạc sĩ và 517 học bổng tiến sĩ. Kết quả của những học bổng này là hơn 600 công bố quốc tế trên các tạp chí, hội thảo uy tín, trong đó hầu hết là những hội thảo hạng A/A* ở khu vực ASEAN và trên thế giới.
Thống kê của VinIF cho thấy, số công bố quốc tế trung bình trên một học viên cao học tăng từ 0,24 năm 2020 lên 0,88 năm 2023, tăng 266%. Con số này ở nghiên cứu sinh tiến sĩ là 0,72 năm 2020 và 1,51 năm 2024, tăng 109,7%.
Tới năm 2021, VinIF tiếp tục sứ mệnh nâng tầm học thuật cho các nhà khoa học trẻ khi triển khai chương trình học bổng sau tiến sĩ. Chương trình đã tạo ra làn gió mới trong việc tài trợ cho các nghiên cứu sau tiến sĩ trong nước, hạn chế tình trạng "chảy máu chất xám" khi các tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài mới trở về được yên tâm cống hiến cho quê nhà.
Năm 2022, chỉ một năm sau khi triển khai, đã có 2 ứng viên nhận học bổng từ quỹ được trao giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng, trên tổng số 10 ứng viên trẻ toàn quốc. Số lượng ứng viên nhận tài trợ của quỹ được trao giải thưởng này tăng lên 4 trên tổng số 10 ứng viên trong từng năm 2023 và 2024.
Chương trình học bổng dành cho các nhà khoa học trẻ của VinIF đã tác động mạnh mẽ tới cơ chế đầu tư cho đào tạo sau đại học tại nhiều trường, viện. Sự chuyển dịch chính sách cũng diễn ra khi dự thảo Luật khoa học và công nghệ sửa đổi trình Chính phủ xem xét đã đưa vấn đề lương của học viên cao học và nghiên cứu sinh vào mục chi phí chính thức của đề tài nghiên cứu phát triển.
Và không thể không nhắc đến sự hình thành một mạng lưới hơn 1.500 nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc - những người thực sự xem nghiên cứu là một nghề, có tư duy làm khoa học mới, chính trực, trách nhiệm, tận tâm. Đây sẽ là đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu trong tương lai, được kỳ vọng sẽ tạo ra một "kỳ tích sông Hồng" (tượng trưng cho sự phát triển của Việt Nam, như sự phát triển của Hàn Quốc từng được gọi là "kỳ tích sông Hàn").
Quay trở lại thời điểm năm 2018, khi Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Quỹ Đổi mới sáng tạo được thành lập, để có thể đặt quyết định chính xác trong một lĩnh vực có nhiều rủi ro, chọn làm gì và làm như thế nào, VinIF đã bám sát vào sứ mệnh của mình.
"Sứ mệnh của quỹ là tài trợ cho các dự án khoa học và công nghệ, các hoạt động đào tạo với định hướng tạo ra các sản phẩm, giải pháp công nghệ đột phá mang lại giá trị, lợi ích thiết thực cho cộng đồng và tạo ra những thay đổi tích cực, bền vững cho Việt Nam.
Căn cứ vào sứ mệnh đó, quỹ xác định hai nhiệm vụ trọng tâm: thứ nhất là thay đổi môi trường, văn hóa nghiên cứu khoa học trong nước, thứ hai là xây dựng nhân lực khoa học công nghệ trẻ và tập trung vào các cá nhân xuất sắc để tạo ra sự đột phá.
Đó là cơ sở để quỹ chọn các chương trình tài trợ dự án nghiên cứu thường niên", bà Trần Thu Huyền - Cán bộ phụ trách quản lý quỹ - chia sẻ.
Cùng với những thành quả đạt được từ các hoạt động tài trợ hoàn toàn phi lợi nhuận trong những năm qua, trách nhiệm xã hội của VinIF đang thể hiện ngày càng rõ nét. Một sự kiện gây tiếng vang trong giới y học di truyền nói riêng và cộng đồng nói chung diễn ra vào tháng 9 vừa qua là hội thảo khoa học "Công nghệ ADN phục vụ định danh liệt sĩ chưa xác định danh tính và thân nhân liệt sĩ".
Ông Nguyễn Đăng Toàn, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo của VinIF, người trực tiếp phụ trách việc tài trợ hội thảo này cho biết đây là sự kiện khoa học có tính nhân văn và ý nghĩa thiêng liêng đối với nhiều người trong xã hội.
"Theo nguồn thống kê của Bộ Công an, hiện vẫn còn khoảng 500.000 liệt sĩ chưa được xác định danh tính đang nằm lại chiến trường cũ, hàng ngày chịu tác động của môi trường, khí hậu khắc nghiệt. Nếu chúng ta không nhanh chóng tìm ra một phương thức phân tích, lưu trữ thích hợp, những ADN của họ sẽ mai một dần đi, không còn đủ nhiều và đủ chất lượng để phân tích nữa. Cơ hội tìm được danh tính và đưa các liệt sĩ về với người thân sẽ vĩnh viễn đóng lại.
Cho nên, việc triển khai xây dựng một ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân để phục vụ xác định danh tính liệt sĩ là nhiệm vụ rất cấp bách. Khi làm việc với ban tổ chức hội thảo, chúng tôi thấy rằng đây không chỉ là một hội thảo khoa học có ý nghĩa sâu sắc mà còn là một nhiệm vụ xã hội thiêng liêng, cao cả và nhân văn", ông Toàn chia sẻ.
Hội thảo đã thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới về ADN pháp y. Các thảo luận xoay quanh dự án ngân hàng gen thân nhân liệt sĩ, nhấn mạnh tính cần thiết của việc áp dụng mtDNA theo căn cứ pháp lý, dự báo tiềm năng của các công nghệ mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác phân tích, tìm kiếm thông tin liệt sĩ chưa xác định danh tính.
Trong 5 năm tài trợ các dự án nghiên cứu thường niên, VinIF đã tuyển chọn và tài trợ cho hàng trăm nhóm nghiên cứu để thực hiện các dự án mang tính đột phá, có tầm ảnh hưởng lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, góp phần nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên thế giới.
Trong lĩnh vực y học, dự án đang triển khai được kỳ vọng sẽ tạo ra ý nghĩa lớn đối với chăm sóc y tế cho trẻ em là "Thiết lập cơ sở dữ liệu tham chiếu sinh học cho trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam" do nhóm nghiên cứu của PGS. Trần Minh Điển - Bệnh viện Nhi Trung ương - thực hiện.
Gần 70% các quyết định lâm sàng của bác sĩ dựa trên thông tin được cung cấp bởi kết quả xét nghiệm. Hiện nay, việc chăm sóc trẻ em ở Việt Nam dựa vào các khoảng tham chiếu tham khảo từ các quần thể không phải người Việt. Thực hành lâm sàng này có thể dẫn đến việc chăm sóc trẻ không được tối ưu vì khoảng tham chiếu có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền, chế độ ăn uống, môi trường và các yếu tố lâm sàng.
Dự án này sẽ lấp đầy lỗ hổng lâm sàng quan trọng trong việc giải thích kết quả xét nghiệm tại Việt Nam. Khoảng tham chiếu sẽ được trao đổi giữa các phòng xét nghiệm lâm sàng nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em trên cả nước. Việc áp dụng những kết quả nghiên cứu sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhân viên y tế và bác sĩ nhi khoa trong việc đưa ra quyết định lâm sàng chính xác trong thực hành y khoa.
Kết quả của dự án cũng sẽ góp phần cung cấp dữ liệu về sinh học máu ở trẻ em, so sánh sự khác biệt giữa các dân tộc và hài hòa khoảng tham chiếu của trẻ em trong khu vực châu Á cũng như trên toàn cầu. Dự án nghiên cứu sẽ đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng dữ liệu sinh học của người Việt và làm cơ sở cho các nghiên cứu sau này.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Ngọc Minh - Trường Đại học Khoa học tự nhiên - đang được VinIF hỗ trợ để thực hiện dự án điều tra, dự báo xu hướng và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm Asen trong lúa gạo.
"Trong bối cảnh gia tăng ô nhiễm môi trường và những biến đổi khí hậu, một nghiên cứu toàn diện tại các đồng bằng châu thổ trên cả nước về hàm lượng Asen tích lũy trong gạo sẽ cung cấp một bức tranh tổng thể làm căn cứ tập trung nguồn lực khoa học kỹ thuật và chính sách để giải quyết. Rất có thể, quốc gia nào đi đầu trong giải quyết vấn đề Asen sẽ có ưu thế cung ứng gạo đến các thị trường khó tính", bà Trần Thị Trang, Trưởng phòng Quản lý Dự án VinIF, nhận định.
Cũng theo bà Trang, dự án này có phạm vi ứng dụng và liên quan đến hơn 4 triệu ha đất trồng lúa ở Việt Nam. Do đó, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm Asen sẽ góp phần đảm bảo sinh kế bền vững cho hàng chục triệu người lao động nông thôn.
Ở lĩnh vực văn hóa - lịch sử, dự án đáng chú ý là "Nghiên cứu niên đại các kiến trúc cổ tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê" của nhóm PGS. Nguyễn Quang Hưng - Đại học Duy Tân.
Dự án áp dụng phương pháp nhiệt phát quang (TLD) cải tiến có khả năng phân biệt các kiến trúc bị chồng lấn về niên đại, giúp giảm sai số trong xác định niên đại xuống dưới 5% thay vì 10-50% như các phương pháp truyền thống.
Tính đến thời điểm hiện tại, VinIF đã tài trợ 600 tỷ đồng cho 117 dự án khoa học công nghệ, với quy mô kinh phí từ 2-10 tỷ đồng/dự án. Các dự án đã tạo ra hàng trăm sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa, hơn 600 công trình khoa học được công bố, hơn 80 đăng ký sáng chế trong nước và quốc tế, hàng trăm bộ cơ sở dữ liệu mở cung cấp cho cộng đồng…
Với vai trò quản lý Quỹ VinIF, bà Trần Thu Huyền bày tỏ hy vọng các kết quả mà quỹ đạt được sẽ là nguồn cảm hứng để các doanh nghiệp cùng chung tay xã hội hóa hoạt động hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Những chính sách VinIF đã triển khai như giao quyền sở hữu tài sản cho tổ chức chủ trì và nhà khoa học, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, sẵn sàng nguồn ngân sách để triển khai các dự án nghiên cứu ngay khi được tuyển chọn để bảo đảm tính thời sự, đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Bà Huyền mong muốn những chính sách này sẽ được cân nhắc đưa vào Luật Khoa học công nghệ sửa đổi để tạo điều kiện, hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thương mại hóa sản phẩm công nghệ, để kết quả nghiên cứu khoa học có thể phục vụ tốt hơn cho đời sống.
Nhìn lại hành trình 6 năm, Giáo sư Vũ Hà Văn chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng VinIF ngày càng tạo được nhiều ảnh hưởng tích cực trong xã hội, nhất là trong đời sống khoa học và tác phong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, việc mà bước đầu quỹ đã làm tốt. Để tạo ra được những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, vai trò của chính các nhà khoa học cũng rất quan trọng. Việc tạo nên một nhận thức đúng đắn về vai trò của khoa học và nghiên cứu khoa học phụ thuộc vào các nhà khoa học. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của họ. Quỹ VinIF sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng khoa học Việt Nam trên con đường này".
Thiết kế: Thủy Tiên