Đắk Nông:

Vượt cả trăm km đi thi, thí sinh M'Nông 50 tuổi muốn làm gương cho cả buôn làng

(Dân trí) - Sinh ra tại xã vùng cao Đắk R’măng (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông), nên những người được học hết bậc THPT như ông K’Koi là rất hiếm. Hàng tuần, người đàn ông này chấp nhận đi về gần 200km để học bổ túc văn hóa, với mục tiêu tốt nghiệp được cấp 3, làm gương cho bà con đồng bào trong buôn.

Sáng 27/6, khi tiếng trống gọi thí sinh vào phòng thi vừa dứt, một người đàn ông luống tuổi vội vã chạy tới cửa phòng thi, trên tay tập Atlat địa lý cùng một bịch nilong đựng bút, thước và tẩy. Khuôn mặt với nhiều nếp nhăn, đen sạm vì cháy nắng, mái tóc đã điểm bạc, không khó để nhận ra, đó là ông K’Koi - thí sinh lớn tuổi nhất của điểm thi THPT Phạm Văn Đồng (huyện Đắk R’lấp), thuộc hội đồng thi tỉnh Đắk Nông.

Vượt cả trăm km đi thi, thí sinh MNông 50 tuổi muốn làm gương cho cả buôn làng - 1

Thí sinh 50 tuổi người đồng bào M'Nông tự tin dự thi THPT quốc gia 2019.

Ông K’Koi là người đồng bào M'Nông, sinh năm 1969 tại buôn S’Rông (thôn 2, xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông). Theo nam thí sinh, ngày trước khi Đắk Nông còn là một huyện của tỉnh Đắk Lắk, muốn học cấp 3 thì phải đi vài trăm cây số, thế nên những người trong buôn làng của ông không muốn đi học.

“Ngày ấy, chỉ học hết lớp 9 là thanh niên trong làng bỏ học, đi làm nương làm rẫy để kiếm sống. Đến bây giờ, nhiều người trong buôn mù chữ lắm. Mình may mắn được làm việc, giao tiếp nhiều nên vẫn còn giữ lại ít chữ để dạy con, dạy cháu”, ông Koi kể.

Vượt cả trăm km đi thi, thí sinh MNông 50 tuổi muốn làm gương cho cả buôn làng - 2
Hành trang đi thi chỉ có tập Atlat và một túi nilong đựng bút, tẩy

Gia đình ông Koi có 7 đứa con, thế nhưng các con càng học lên cao, vốn chữ cửa ông Koi lại càng không đủ dạy con nên đến năm 2016, ông Koi đăng ký học bổ túc văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đắk R’lấp. Hàng tuần, người đàn ông 50 tuổi lại một mình đi xe máy quãng đường gần 100km từ nhà đến trường học.

“Tuần nào cũng vậy, mình đi xe máy từ nhà đến trường, ngày nắng cũng như ngày mưa, không dám bỏ buổi nào. Nếu mình còn trẻ thì không sao, chứ có tuổi rồi, tiếp thu chậm, bỏ học một buổi là không theo kịp các học sinh khác. Mỗi lần nghỉ học là lại phiền thầy cô kèm lại kiến thức. Ngại lắm!”, nam sinh người đồng bào M'Nông thật thà nói.

Vượt cả trăm km đi thi, thí sinh MNông 50 tuổi muốn làm gương cho cả buôn làng - 3
Ba năm nay, nam thí sinh vượt 100km đi học hàng tuần

Ngày đi thi, ông Koi chỉ gói gém một số đồ dùng cá nhân rồi lại một mình lầm lùi trên chiếc xe cà tàng tới huyện Đắk R’lấp để dự thi. Nam thí sinh nói vui, có lẽ đây là kỳ thi lớn nhất mà ông trải qua, cũng là kỳ thi mà ông là thí sinh lớn tuổi nhất của điểm, chính vì thế mà tâm trạng cũng rất khác.

Vượt cả trăm km đi thi, thí sinh MNông 50 tuổi muốn làm gương cho cả buôn làng - 4
ông K'Koi trong phòng thi tốt nghiệp sáng 27/6

“Mình đi học trước hết là vì bản thân và gia đình. Muốn các con nghe lời, thì trước hết mình phải làm gương. Muốn dạy các con, mình phải có kiến thức. Sau này, bà con trong buôn muốn học chữ, mình sẵn sàng dạy mọi người những gì mình được học. Buôn làng mình còn nhiều người mù chữ lắm”, ông K’Koi tâm sự.

Chia sẻ về kỳ thi THPT quốc gia và những môn thi đã hoàn thành trước đó, nam thí sinh tự tin cho biết, do đã chuẩn bị rất kỹ, lại được sự động viên của các con nên ông hoàn thành khá tốt, khả năng đỗ tốt nghiệp rất cao.

Vượt cả trăm km đi thi, thí sinh MNông 50 tuổi muốn làm gương cho cả buôn làng - 5
"Mình hy vọng bà con trong buôn làng mới noi gương, đi học xóa mù chữ"

“Mình có hai đứa con gái, các cháu đều đang học đại học nên tranh thủ nghỉ hè, có kèm thêm cho mình. Sáng nay mình thi hai bài thi Lịch sử và Địa lý nữa là hoàn tất kỳ thi. Mình hy vọng sẽ đạt được kết quả như mong đợi, có như thế bà con trong buôn làng mới noi gương, đi học xóa mù chữ” - ông Koi.

Dương Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm