Vụ mua đất trăm tỷ tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM: Trách nhiệm thuộc về ai?

(Dân trí) - Ông Đặng Vũ Ngoạn, nguyên Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM phải chịu trách nhiệm về những sai phạm trong “thương vụ trăm tỷ” khi mua mảnh đất hơn 16.0002. Lãnh đạo trường hiện nay và các đơn vị, cá nhân liên quan, Bộ Công thương yêu cầu cần rút kinh nghiệm.

Vụ mua đất trăm tỷ tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM: Trách nhiệm thuộc về ai? - 1

Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nơi xảy ra vụ lùm xùm trong thương vụ mua mảnh đất hơn 100 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đã có kết luận nội dung tố cáo đối với ông Đặng Vũ Ngoạn (nguyên Hiệu trưởng) và lãnh đạo Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (ĐHCNTP TPHCM) liên quan đến “thương vụ trăm tỷ” chuyển nhượng mảnh đất hơn 16.000m2 tại phường Tây Thạnh (quận Tân Phú). Trong đó kết luận nêu rõ, trong vai trò là Hiệu trưởng, ông Đặng Vũ Ngoạn phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra những sai phạm, chịu trách nhiệm trong việc chưa lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện ký hợp đồng thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Kết luận do Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng kí còn thể hiện việc ông Ngoạn ký hợp đồng với bà Nguyễn Thị Nguy để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích đất gần 16.000m2 đất nông nghiệp với giá gần 135 tỷ đồng mà chưa căn cứ vào giá đất nông nghiệp trong chứng thư thẩm định ngày 16/3/2016. Tuy nhiên việc này chưa gây ra hậu quả kinh tế vì ngày 25/7/2016, trường đã kí hợp đồng sửa đổi, bổ sung giá trị chuyển nhượng gần 117 tỷ đồng. Chuyển nhượng này phù hợp với chứng thư thẩm định.

Kết luận do Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng kí xác định, lãnh đạo nhà trường hiện nay không trực tiếp kí hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ ngày 25/3/2016 và hợp đồng ngày 23/6/2016. Trong quá trình thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ theo hợp đồng đã kí, trường đàm phán và đã điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng để tiết kiệm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường và các đơn vị, cá nhân liên quan cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư, tránh phát sinh đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài.

Trước đó, báo Dân trí nhận được đơn phản ánh về nhiều nội dung được cho là sai phạm xảy ra tại ĐHCNTP TP.HCM, đáng chú ý là “thương vụ trăm tỷ” trong việc mua bán mảng đất nông nghiệp hơn 16.000m2 với giá khoảng 117 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 23/6/2016, Hiệu trưởng trường ĐHCNTP TPHCM Đặng Vũ Ngoạn ký Hợp đồng số với bà Nguyễn Thị Nguy (người địa phường) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 16.182 m2 đất nông nghiệp tại phường Tây Thạnh (quận Tân Phú) với giá gần 135 tỷ đồng. Hợp đồng được lập tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Cảnh (số 4 Trần Quang Diệu, phường 13, quận 3), trước khi ông Ngoạn thôi chức Hiệu trưởng ĐHCNTP TPHCM đúng 1 tuần.

Lãnh đạo ĐHCNTP TPHCM cho biết, quá trình chuyển nhượng đất nằm trong kế hoạch công tác từ trước và nhu cầu cấp thiết của nhà trường. Việc mua mảnh đất trên đều được thông qua Đảng ủy Ban giám hiệu.
Lãnh đạo ĐHCNTP TPHCM cho biết, quá trình chuyển nhượng đất nằm trong kế hoạch công tác từ trước và nhu cầu cấp thiết của nhà trường. Việc mua mảnh đất trên đều được thông qua Đảng ủy Ban giám hiệu.

Đến ngày 25/7/2016 ông Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng trường ĐHCNTP TPHCM tiếp tục ký Hợp đồng sửa đổi, bổ sung Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ để điều chỉnh giá chuyển nhượng từ gần 135 tỷ đồng xuống còn gần 117 tỷ đồng (giảm 18 tỷ đồng) với những lý do như nhà trường còn khó khăn về tài chính, cần đầu tư thêm máy móc, thiết bị thực hành nên nhu cầu vốn cao, phải vay ngân hàng, cần chi phí để hoàn thiện hồ sơ pháp lý có liên quan, khảo sát tổng thể, thăm dò địa chất, rà phá bom mìn, lập điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000…

Trước phản ánh, ĐHCNTP TPHCM là đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, khi hiện giao dịch mua hơn 16.000m2 đất, ĐHCNTP TPHCM chưa có Hội đồng Trường thì phải xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan chủ quản là Bộ Công thương nhưng trường này vẫn thực hiện “thương vụ trăm tỷ” như vậy có đúng quy định?

Ông Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng phụ trách ĐHCNTP TPHCM cho biết, đến thời điểm này, ĐHCNTP TP.HCM vẫn chưa thành lập được Hội đồng Trường vì chưa được Bộ Công thuơng đồng ý. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng đất đã được trường đưa vào kế hoạch công tác từ tháng 6/2013 với việc tìm kiếm các vị trí đất để thuê, mua đất gần trường, đảm bảo hoạt động ổn định của nhà trường. Trong kế hoạch công tác năm 2015 - 2016 công tác xây dựng cơ sở vật chất cũng được đưa vào bằng việc tiếp tục tìm các nguồn vốn để mua đất xây cơ sở mới của trường tại TP.HCM”.

“Quá trình chuyển nhượng đất nằm trong kế hoạch công tác từ trước và nhu cầu cấp thiết của nhà trường. Việc mua mảnh đất trên đều được thông qua Đảng ủy Ban giám hiệu. Sau khi thực hiện các bước chúng tôi đều báo cáo cấp trên để giám sát”, ông Hoàn khẳng định.

Vậy vai trò giám sát và việc thực hiện Nghị quyết năm học 2016-2017 của Đảng ủy ĐHCNTP TP.HCM như thế nào? Về công tác đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến “thương vụ trăm tỷ” trong việc mua mảnh đất gần 117 tỷ đồng ra sao?

Báo Dân trí tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm