Việt Nam thiếu tiến sĩ trong độ tuổi 30

Hiện nay, bậc đào tạo nghiên cứu sinh của nước ta chưa đủ mạnh và cơ chế quản lý chưa tốt nên chưa đào tạo được nhiều người có thực tài ở trình độ tiến sĩ trong độ tuổi dưới 30, một độ tuổi còn sung sức, giàu nhiệt huyết, đầy nhạy bén và sự sáng tạo cao.

GS Lê Tự Quốc Thắng, một trong những chuyên gia đầu ngành về lượng tử thế giới nhận định.

Học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn thường giành những thứ hạng rất cao tại những kỳ thi quốc tế về Vật lý, Toán học..., sánh ngang với nền khoa học phát triển trên thế giới. Nhưng những đóng góp cho sự phát triển khoa học khi rời ghế giảng đường của những sinh viên tài năng này lại rất ít được nhắc đến, Giáo sư nghĩ sao về vấn đề này?

Không chỉ những bạn trẻ giành thứ hạng cao trong các kỳ thi quốc tế, những thành phần giỏi nhất trong đội ngũ khoa học trẻ nước ta khi tốt nghiệp đại học có trình độ rất khá, nhưng cách làm việc thiếu tự chủ và sáng tạo là một trở lực lớn.

Câu trả lời của tôi có thể hơi chủ quan, song có lẽ điều này do chịu ảnh hưởng của phương pháp giáo dục đại học - một phương pháp mà sinh viên là người bị động tiếp thu kiến thức. Bởi vậy, sau một số năm làm việc, những thành phần ưu tú ở các nước tiên tiến có thể tiến xa hơn chúng ta, trong khi đó, ở nước ta, do cung cách làm việc cộng với điều kiện, môi trường làm việc khiến các nhà khoa học trẻ khó có thể vươn đến đỉnh cao.

Hiện nay, bậc đào tạo nghiên cứu sinh của nước ta chưa đủ mạnh và cơ chế quản lý chưa tốt nên chưa đào tạo được nhiều người có thực tài ở trình độ tiến sĩ trong độ tuổi dưới 30, một độ tuổi còn sung sức, giàu nhiệt huyết, đầy nhạy bén và sự sáng tạo cao.

Các ngành khoa học, nhất là khoa học cơ bản rất cần sự mới mẻ và sức trẻ của các nhà khoa học độ tuổi 30 đến 40. Chúng ta cũng cần tạo điều kiện cho các trí thức trẻ phát huy đúng khả năng chuyên môn, có một môi trường làm việc thuận lợi và chế độ lương đảm bảo cho họ yên tâm nghiên cứu.

Mặt khác, trong khi ở các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, Nhật Bản có nhiều nhà khoa học trẻ xuất sắc trong độ tuổi 30 được phong giáo sư thì ở nước ta, trừ trường hợp anh Ngô Bảo Châu được phong đặc cách, giáo sư trẻ nhất là 47 tuổi, điều này không khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi sự nghiệp khoa học.

Nếu có một lời khuyên, Giáo sư sẽ nói gì với các bạn trẻ đang theo đuổi con đường khoa học ở trong nước?

Trước hết, các bạn cần biết rõ con đường nghiên cứu khoa học là không dễ dàng. Ngoài tài năng và niềm đam mê, các bạn cần có ý chí kiên định và sự cố gắng không ngừng, vì nhiều khi, các bạn sẽ vấp phải những "bức tường đá" trong những vấn đề mình nghiên cứu.

Các bạn nên làm quen, học hỏi cách làm việc của những nhà khoa học lớn, song cũng cần mạnh dạn với những đột phá, đừng bị gò bó trong khuôn khổ của những người đi trước. Các bạn nên can đảm đưa ra những thắc mắc của mình với những người đi trước, cho dù câu hỏi có vẻ "ngớ ngẩn", đừng mặc cảm rằng câu hỏi sẽ lộ dốt.

Các bạn cũng nên biết rằng làm khoa học không thể giàu như doanh nhân, thậm chí cũng không thể bằng những người đi dạy thêm. Chỉ có lòng đam mê, muốn khám phá chân lý (mà nhiều người cho là "hâm hâm"), sự khuyến khích từ các bậc đàn anh và xã hội nói chung, mới giúp các bạn vượt qua được những khó khăn.

Trong điều kiện của mình, Giáo sư có thể cho biết những kế hoạch để giúp đỡ các bạn trẻ trong nước?

Từ năm 1998, tôi đã trực tiếp giúp đỡ một số sinh viên tốt nghiệp cử nhân toán trong nước nhận học bổng theo học tiến sĩ tại một số trung đại học ở Mỹ. Trong số những nghiên cứu sinh này, có nguồn đã được tôi hướng dẫn bảo vệ luận án tiến sĩ và trở về nước giảng dạy đại học. Trong tương lai gần, tôi sẽ trực tiếp giảng dạy một số chuyên đề cho các lớp cử nhân tài năng, lớp cao học tại TPHCM và Hà Nội.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Theo Đại đoàn kết

Dòng sự kiện: Đào tạo tiến sĩ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm