Ôi, luận án tiến sĩ!

Tôi không ngạc nhiên với những nhận xét của các giáo sư, tiến sĩ đưa ra từ hội nghị đào tạo sau đại học của Bộ GD - ĐT vừa được tổ chức tại Hà Nội rằng: có không ít luận án tiến sĩ "vô bổ"!

Chỉ cần theo dõi một số luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh được đưa lên mạng internet trong thời gian qua, bất kỳ ai quan tâm cũng có thể nhận thấy nhiều luận án không hề xứng tầm với một tiến sĩ tương lai.

 

Đơn cử tiêu đề luận án của một nghiên cứu sinh của Trường đại học sư phạm (ĐHSP) Hà Nội: Nghiên cứu nhận thức của sinh viên ĐHSP về sức khỏe sinh sản!

 

Càng khó hình dung hơn khi đọc những kết luận của luận án này. Xin trích đăng một trong ba kết luận mới của luận án: "Luận án tiến hành nghiên cứu thực trạng nhận thức của sinh viên ĐHSP về sức khỏe sinh sản ở 3 mức: biết, hiểu, vận dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy giả thiết của đề tài là đúng. Đa số sinh viên ĐHSP nhận thức về sức khỏe sinh sản đạt mức hiểu, mức vận dụng còn hạn chế. Mức độ nhận thức của sinh viên về sức khỏe sinh sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Ảnh hưởng của các nhân tố đến nhận thức của sinh viên về sức khỏe sinh sản theo mức độ giảm dần...".

 

Thử hỏi một kết luận như thế có đạt được yêu cầu tối thiểu của một luận án tiến sĩ là giúp cho việc phát triển hay mở rộng những vấn đề quan trọng của một ngành khoa học thông qua các nghiên cứu sáng tạo, mới mẻ và độc đáo hay không?

 

Một vài luận án tiến sĩ kiểu như trên nữa: "Các biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh trung học phổ thông"; "Biện pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục của sinh viên đại học sư phạm"... 

 

Ngược hẳn với những nghiên cứu sinh như trên, thế hệ sinh viên của các trường đại học hiện nay khi chọn đề tài nghiên cứu khoa học đã đặt ra những vấn đề có ý nghĩa khoa học hơn nhiều. Tại hội nghị nghiên cứu khoa học của sinh viên toàn quốc khối các trường kinh tế vừa diễn ra hôm 6/1 tại Hà Nội, không ít  sinh viên đã đi sâu nghiên cứu những vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế hiện nay như đề tài: Chính sách mục tiêu lạm phát: kinh nghiệm quốc tế và những gợi ý cho Việt Nam; Giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của sự biến động giá đồng USD đến kinh tế Việt Nam...

 

Chúng tôi không đủ tư cách để đánh giá những công trình này có giá trị lý luận và thực tiễn đến đâu, nhưng vô cùng trân trọng sự táo bạo và tinh thần cầu thị của các bạn sinh viên trẻ tuổi. Để trở thành các nhà khoa học giỏi, cần có một trí lực thiên phú nhất định, sự rèn luyện chuyên cần và cả thời gian nữa. Nhưng ít ra, ở các em, chúng tôi nhận thấy một điều tối cần thiết: đó là khát vọng khám phá cái mới và sự can đảm khi đối mặt với những thách đố khoa học. 

 

Không hiểu những người hướng dẫn họ - về nguyên tắc là các bậc thầy trong giới khoa học - nghĩ gì về những công trình nghiên cứu như vậy của học trò mình ? Càng buồn hơn nữa nếu biết những nghiên cứu sinh đó rồi cũng đạt được học vị tiến sĩ, ngang hàng với những nhà khoa học khác có đóng góp và cống hiến thực chất cho khoa học nước nhà !

 

Theo Vũ Thơ

Thanh Niên

Dòng sự kiện: Đào tạo tiến sĩ