Gần 2.500 tiến sĩ có trình độ yếu

Con số trên được Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đưa ra, sáng 5/1, tại Hội nghị tuyển sinh sau ĐH. Theo Bộ trưởng, phần đông những tiến sĩ này không trực tiếp tham gia giảng dạy, nghiên cứu. Bằng cấp với họ chỉ để làm đẹp hồ sơ, dễ bề thăng tiến.

Bộ trưởng GD-ĐT thừa nhận những tiêu cực trong đào tạo sau đại học như sao chép luận án, chạy điểm, nạn bội thực điểm xuất sắc... Ngành giáo dục biết thực trạng này và cũng muốn giải quyết ngay số tiến sĩ không thực chất nhưng rất khó.

 

"Số 30% tiến sĩ này có tiếng nói rất trọng lượng, thậm chí hơn cả số đông tiến sĩ thực chất. Rồi nhiều thứ quan hệ khác nữa. Một số đồng chí khi nói thì phê phán gay gắt nhưng khi tham gia Hội đồng đánh giá luận án lại khá dễ dãi. Giá các đồng chí ấy làm cũng như nói thì tốt", ông Hiển nhận định.

 

Theo ông để nâng chất lượng đào tạo sau ĐH phải tập trung vào người thầy. Hiện nay, chính sách đãi ngộ giáo sư, tiến sĩ đầu ngành còn chưa thỏa đáng. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thầy thích đi dạy hơn là nghiên cứu khoa học. Năm 2006, Chính phủ quyết định dành 1% ngân sách giáo dục cho nghiên cứu khoa học.

 

"Tại Quốc hội cũng có đại biểu chất vấn tôi là tại sao trước đây nói khâu đột phát là thứ khác, bây giờ lại nói là người thày. Tôi nghĩ, trước đây mình chưa nhận thức ra, bây giờ nhận thức được thì phải sửa ngay. Vừa qua, đề cập đến chính sách cho nhà giáo chúng ta hay đề cập đến giáo viên mầm non, phổ thông. Hơn 40.000 cán bộ giảng dạy đại học ít được nhắc đến", ông Hiển nói.

 

Để tạo đòn bẩy cho công tác đào tạo sau ĐH, năm 2006, Bộ GD- ĐT đề xuất giao quyền tự chủ cho các trường, viện, chấm dứt tình trạng hễ có việc, lãnh đạo các trường lại phải lên Bộ xin ý kiến. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục sẽ tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng đào tạo, cấp phát văn bằng.

 

Theo Bộ GD-ĐT, từ năm 1977 đến nay các cơ sở đào tạo sau đại học đã đào tạo hơn 8.300 tiến sĩ. Trong đó, tiến sĩ thuộc khối khoa học xã hội chiếm 43%, khối khoa học tự nhiên 18%, khối khoa học kỹ thuật chỉ có 11%.

 

Theo Việt Anh

Vnexpress

Dòng sự kiện: Đào tạo tiến sĩ