Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM: Học sinh đến trường an toàn hơn ở nhà
(Dân trí) - Trong khi lãnh đạo TPHCM lo ngại 2 triệu học sinh đến trường kéo theo nhiều nguy cơ thì Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng học sinh đến trường an toàn hơn là giữ ở nhà.
Tại cuộc họp với ban Ban chỉ đạo và Tổ thư ký Ban chỉ đạo TPHCM về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chiều tối ngày 25/2, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM thông tin, thống kê chỉ 2% người bệnh dưới 20 tuổi, cũng là trong độ tuổi đi học và phần lớn diễn tiến bệnh rất nhẹ.
Các ca lây nhiễm Covid-19 trên thế giới ngoài Trung Quốc, chỉ có 2 trường hợp học sinh ở Nhật Bản nhiễm bệnh nhưng không phải lây nhiễm từ môi trường trường học. Đa số bệnh nhân nhiễm Covid-19 do có sự giao lưu, đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, tác nhân gây bệnh có nhều khả năng đi từ các hội nghị, tàu xe...
Điều chúng ta lo ngại, trường học tập trung đông học sinh nếu lây nhiễm sẽ lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, hệ thống giám sát y tế hoạt động tốt, việc phát hiện ca nhiễm trong trường học đầy đủ, bài bản, trường hợp nào có yếu tố dịch tễ, sốt, ho đều được kiểm tra và cách ly.
"Cá nhân tôi đánh giá về dịch tễ học, riêng ở TPHCM, số lượng người đi lại rất nhiều - giữa việc giữ các em ở nhà, theo tôi đến trường là an toàn hơn", PGS-TS Phan Trọng Lân nói và cho rằng TPHCM cần cân nhắc cho học sinh đến trường để các em có sự có sự giám sát, quản lý của thầy cô và cả sự vào cuộc cả hệ thống chính trị.
"Cho học sinh nghỉ hay không nghỉ cần đánh giá trên tình hình dịch tễ", ông Lân nói.
"Thành tích chữa hết bệnh cho một vài người không thể so với chuyện phải chữa bệnh cho cả ngàn người"
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, từ khi phát sinh dịch đến nay chúng ta đã cách ly, điều trị rất tốt nhưng diễn biến dịch bệnh còn phức tạp. Không được phép lơ là và chủ quan, phải luôn có giải pháp quyết liệt.
Việc phòng chống dịch bệnh, theo ông có các điều về sự ủng hộ về thời tiết, điều kiện dịch tễ học không biến động, không có nguồn lây xâm nhập. TPHCM chỉ có lợi thế là thời tiết nắng nóng, còn thành phố là nơi giao thương, dịch chuyển du lịch, lao động... của nhiều nước. Điều kiện bất lợi này rất khó để giữ điều kiện dịch tễ học không biến động, nguồn lây mới sẽ không xuất hiện.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, việc chỉ điều trị cho hai bố con người Trung Quốc nhiễm Covid-19 mới đây mà Bệnh viện Chợ Rẫy phải dùng cả một khoa, mỗi ngày 3 ca, mỗi ca là một đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, y tá hùng hậu.
Nếu thành phố có khoảng 1.000 người bệnh như vậy thì đó thật sự là một gánh nặng, không biết lấy y bác sĩ đâu để tham gia điều trị, kéo theo rất nhiều áp lực.
Ông Nhân nhấn mạnh: Chúng ta không thể đem thành tích chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải chữa bệnh cho cả ngàn người, là không giống nhau.
Bí thư TPHCM tha thiết đặt ra yêu cầu với tất cả những người lãnh đạo, từng quận huyện, thậm chí từng chủ khách sạn là phải ngăn chặn và phát hiện ngay từ đầu, không để lây lan trong cộng đồng. Phải tạo một môi trường thành phố an toàn, về bản chất là không có nguy cơ dịch thì học sinh mới có thể yên tâm đi học.
Sở GD&ĐT TPHCM lên phương án, nếu đi học lại vào tháng 3, học sinh khối 9, 12 sẽ đi học trước từ ngày 2/3, học một buổi, không tổ chức bán trú. Hai tuần sau, ngày 16/3, theo lộ trình, các lớp khối khác sẽ tiếp tục đến trường và tùy tình hình thực tế.
Tuy nhiên, đây là phương án dự phòng để thành phố chủ động, chứ chưa phải là phương án cuối cùng được chốt. TPHCM vẫn chờ quyết định từ Chính phủ.
Hoài Nam