Đắk Nông:

Ước mơ thoát nghèo của những người biết đếm tiền nhưng… mù chữ

(Dân trí) - Phần lớp học viên lớp xóa mù chữ là những nông dân người Dao ban ngày tất bật với công việc nương rẫy, ban đêm lại cần mẫn bên cây bút, cuốn vở. Họ đến lớp học để tìm con chữ, nuôi ước mơ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu dù đã 40, 50 tuổi, thậm chí có nhiều người đã lên chức ông, bà.

Ước mơ thoát nghèo của những người biết đếm tiền nhưng… mù chữ

“Chạy đua” để xóa mù chữ

Mùa mưa Đắk Nông khiến con đường dẫn vào hai điểm trường của Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Tân Thành, huyện Krông Nô) ướt nhẹp. Cơn mưa chiều vừa dứt, hàng chục học viên kéo nhau về ngôi trường này để tham gia lớp học xóa mù chữ. Người đi xe máy, người rọi đèn đi bộ đến lớp, nhưng ai cũng hào hứng mỗi khi buổi học bắt đầu.


Học viên lớp xóa mù chữ phần lớn là đồng bào Dao.

Học viên lớp xóa mù chữ phần lớn là đồng bào Dao.

Thầy Nguyễn Văn Chung, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết, lớp học xóa mù chữ được khai giảng ngày 5/5. Theo danh sách ban đầu của nhà trường, khóa học này chỉ có khoảng hơn 60 học viên, nhưng “chắc là bà con đi học vui quá nên rủ nhau đến lớp, bây giờ đã lên đến gần 110 học viên rồi”.

“Phần lớn học viên của lớp là nông dân, đồng bào dân tộc Dao ở hai thôn Đắk Na, Đắk Rí, một số khác ở gần trung tâm xã cũng tham gia. Để tạo thuận lợi cho bà con học chữ, nhà trường bố trí hai phòng học tại hai điểm trường khác nhau. Tại điểm chính do một giáo viên của trường giảng dạy, còn điểm trường phụ thôn Đắk Rí do chị Triệu Thị Mùi, phó Bí thư Đoàn xã đứng lớp” - thầy Chung thông tin.

Ban ngày họ tất bật với ruộng nương, ban đêm lại háo hức lên lớp học chữ
Ban ngày họ tất bật với ruộng nương, ban đêm lại háo hức lên lớp học chữ

19h, toàn bộ hoạt động xung quanh lớp học tại thôn Đắk Rí như dừng lại, nhường không gian cho lớp học xóa mù chữ hoạt động. Tiếng học viên đánh vần từng con chữ vang vọng, xóa tan vẻ lặng lẽ, u tịch của vùng núi rừng. Cô phó bí thư đoàn xã, vừa giảng bài vừa để mắt trông chừng xe máy của các học viên. Bên ngoài cửa, một số người dân và cả trẻ nhỏ tò mò đứng xem lớp học bài.

Lớp học của cô Mùi tất cả học viên đều là nông dân
Lớp học của cô Mùi tất cả học viên đều là nông dân

Cô Mùi may mắn là một trong số ít thanh niên của xã vùng cao này bước ra khởi cánh cửa rừng, được đi học cao đẳng, đại học. Vốn là người dân tộc Dao, cô phó Bí thư Đoàn xã đã xung phong đứng lớp để dạy chữ cho bà con trong thôn. Nữ giáo viên tâm sự: “Lớp học có 36 học viên, toàn bộ là nông dân, ai cũng đặt quyết tâm học bằng được chữ. Một số chị em trong lớp còn tự cam kết với nhau là đến đầu mùa khô phải biết viết, đọc sách báo và tính toán thành thạo. Thấy cảnh bà con quyết tâm thế này, mình vui mừng lắm nên rũ bỏ hết mệt mỏi ban ngày, ban đêm lại cùng bà con lên lớp”.

Lớp học kéo dài từ 19h đến 22h30, liên tục từ thứ 2 đến thứ 6, với hy vọng kết thúc giai đoạn 1, các học viên trong lớp đều đọc thông, viết thạo, tính toán tốt. “Mục tiêu này phải hoàn thành trước tháng 10, tức là trước mùa thu hoạch cà phê. Vì khi đến mùa, bà con thường phải tập trung sản xuất, số khác đi làm thuê cả tuần mới về. Chính vì vậy, cả thầy và trò đều đang “chạy đua” để trước khi cà phê chín, tất cả đều “đủ điều kiện tốt nghiệp””, thầy Chung cho hay.

“Biết chữ thì kiếm được nhiều tiền hơn”

Bà Đặng Mùi Ghến (50 tuổi, trú thôn Đắk Rí), cứ đều đặn mỗi tối, đều theo cháu ra ngoài lớp học. Do đã lớn tuổi nên bà không đăng ký tham gia lớp học xóa mù chữ, mà chỉ muốn đến lớp xem mọi người học như thế nào. Hết đứng rồi lại ngồi ngoài hành lang, bà Ghến chờ đến khi các học viên tan học thì mới trở về nhà.

Hàng ngày, bà Ghến đều ra lớp học để xem các học viên khác
Hàng ngày, bà Ghến đều ra lớp học để xem các học viên khác

Bà Ghến cho biết, bà quê Cao Bằng, chưa từng một lần đi học. Bà cùng gia đình vào đây làm kinh tế được gần 20 năm, bây giờ đã có cháu nội, cháu ngoại thế nhưng vẫn chưa biết chữ. “Tiền thì mình đếm được, nhưng không biết chữ, cán bộ xã cũng động viên đi học xóa mù chữ, nhưng già rồi, đi học ngại lắm, nên chỉ ra đây xem mọi người học thôi”, bà bộc bạch.

Tại lớp xóa mù chữ do thầy Vi Văn Thông đứng lớp cũng có hai học viên lớn tuổi. Hàng ngày đi học, cả hai người phụ nữ này đều chọn ngồi cùng nhau, ở vị trí chính giữa lớp. Bà Đặng Mùi Ly (59 tuổi, trú thôn Đắk Na) cho biết: “Đi học vui lắm, tối nào cháu ngoại (là học sinh lớp 2 của trường) cũng dẫn đi học, mới học được mấy ngày mà đã nhận được mặt chữ, biết cộng được các con số, viết được tên mình rồi”.

Bà Đặng Mùi Ly: Đi học vui lắm, tối nào cháu ngoại cũng dẫn đến lớp
Bà Đặng Mùi Ly: "Đi học vui lắm, tối nào cháu ngoại cũng dẫn đến lớp"

Là một trong những học viên có tuổi đời trẻ nhất lớp, chị Triệu Mùi Mui (28 tuổi, trú thôn Đắk Rí) tâm sự: “Ngày trước có được đi học, nhưng em thì không được sáng dạ như em gái, bố lại ốm liệt giường nên học hết lớp 1, em ở nhà phụ giúp bố mẹ làm ruộng, nhường cho em gái đi học. Bây giờ em có hai đứa con rồi, đều là học sinh của trường, con bảo ở trường có lớp xóa mù chữ, thế là chồng đăng ký cho em đi học luôn”.

“Trước đây không biết chữ khổ lắm, có lần mua bánh mì cho con, nhưng không ai biết bánh mì hết hạn, nên con em bị ngộ độc, phải đưa đi bệnh viện. Thế rồi ra bệnh viện, bác sĩ bảo ký tên cũng không biết ký, chỉ biết điểm chỉ thôi. Cần làm gì thì phải nhờ bác sĩ gọi chồng chạy từ nhà ra viện mới ký được”, chị Mui nhớ lại.

Vì không biết chữ mà mọi giấy tờ, chị Mui đều phải điểm chỉ
Vì không biết chữ mà mọi giấy tờ, chị Mui đều phải điểm chỉ

Khác với chị Mui, anh Đặng Vần Cấn (45 tuổi, trú thôn Đắk Na) chia sẻ: “Mình dự định mở một cửa hàng tạp hóa, nhưng từ trước đến giờ chỉ biết đếm tiền chứ không đọc được chữ. Con bảo muốn buôn bán thì phải đi học, nên mình cùng với vợ đi học ở lớp này. Nếu biết được chữ, cuối năm mình sẽ mở cửa hàng”.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành cho biết: “Đặc thù địa phương có đông đồng bào phía Bắc sinh sống, do bận mưu sinh nên không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Từ tháng 5/2018, Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Krông Nô, UBND xã Tân Thành và Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc khai giảng lớp xóa mù chữ này, hy vọng sau khóa học, tất cả bà con đều biết đọc, biết viết, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và xóa đói, giảm nghèo”.

Dương Phong

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm