Tự làm chủ, thu nhập cao từ nghề may - thời trang
(Dân trí) - Thương mại điện tử đang là môi trường cho những thương hiệu thời trang cá nhân phát triển. Ở đó, người học ngành may - thời trang có "đất" để phô diễn tài năng và tạo thu nhập cao cho mình.
Thu nhập cao, nhiều cơ hội việc làm
Nguyễn Khả Vy (21 tuổi) đang theo học ngành thiết kế thời trang trình độ cao đẳng. Ngay từ lúc bắt đầu học, Vy đã tập tành thiết kế, cắt may và xây dựng thương hiệu thời trang riêng cho mình.
Những sản phẩm của Vy được chính cô làm người mẫu, chụp hình và quảng bá trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội.
Với số vốn ít ỏi ban đầu, Vy tự lên ý tưởng thiết kế, đi lựa mua vải về cắt may thành sản phẩm rồi chào bán trên mạng xã hội. Khi bán được hàng, cô lấy tiền lời mua thêm vải về may mẫu mới cao cấp hơn.
Dần dần công việc kinh doanh của Vy thuận lợi, xây dựng được thương hiệu thời trang độc quyền của mình. Các mẫu váy của Vy ngày càng được yêu thích, giá cả tăng cao dần và lợi nhuận thu về càng lớn.
Dù còn đi học, trung bình mỗi tháng công việc làm thêm này giúp Vy thu về hơn 10 triệu đồng. Có những tháng đơn hàng nhiều, thu nhập lên tới 20 triệu đồng.
Theo thạc sĩ Thái Thủy Chung, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, hiện học viên ngành may - thời trang ra trường đi theo con đường xây dựng thương hiệu, mở tiệm may hay xưởng may riêng cho mình khá đông.
Với đa số học viên không có năng khiếu thẩm mỹ và sáng tạo, việc xây dựng thương hiệu thời trang riêng khó khăn, cơ hội nghề nghiệp vẫn rất cao.
Thạc sĩ Thái Thủy Chung cho biết năm 2021, dệt may Việt Nam có hơn 2,5 triệu lao động, dự kiến đến năm 2025 số lao động sẽ tăng lên thành 5 triệu. Nhu cầu cao về nhân lực tạo ra cơ hội việc làm phong phú cho các học viên ngành may - thời trang, với mức lương hấp dẫn.
Ngành may yêu cầu cao hơn về trình độ nghề
Theo bà Thái Thủy Chung, hiện nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp dệt may có xu hướng yêu cầu cao hơn về trình độ nghề, đặc biệt là ở trình độ sơ cấp và trung cấp, ít tuyển lao động chưa qua đào tạo như trước. Do đó, ngành này cũng là ngành trọng điểm mà các trường nghề đang đào tạo.
Học viên học ngành may - thời trang ra trường có nhiều lựa chọn vị trí làm việc tại các doanh nghiệp may mặc, xưởng may, như: thiết kế mẫu rập, thiết kế thời trang, phát triển mẫu, quản lý đơn hàng, quản lý chất lượng, quản lý sản xuất, giám sát quy trình sản xuất, tổ trưởng chuyền may, quản đốc phân xưởng…
Theo thạc sĩ Thái Thủy Chung, công nghiệp sản xuất may mặc là một trong những ngành khó quản lý nhất do quy trình sản xuất nhiều công đoạn, đòi hỏi độ chính xác cao, chỉ cần nhầm lẫn một khâu nào đó có thể gây ra tổn thất lớn. Do đó, các vị trí quản lý quan trọng đều phải trải qua đào tạo bài bản tại các trường nghề.
Bà Chung nói rõ hơn, học hệ trung cấp Công nghệ may - Thời trang sẽ được trang bị kiến thức và kỹ thuật phân tích và thiết kế sản phẩm may mặc, tính chất cơ lý của các loại vật liệu, phụ kiện, phối hợp màu sắc cho sản phẩm, thiết kế các loại trang phục, đọc và lập bản vẽ chuyên ngành, kết cấu sản phẩm, quy cách tiêu chuẩn đường may và phương pháp lắp ráp sản phẩm…
Ngoài ra, học viên còn được đào tạo sử dụng các phần mềm chuyên ngành về thiết kế, nhảy mẫu, giác sơ đồ, vi tính… Đây là những kiến thức nền tảng để phục vụ cho công việc tự khởi nghiệp cũng như là tiếp cận các máy móc hiện đại trong các xưởng may.