Không thể ngay lập tức “rã đám” thi “3 chung”

(Dân trí) - Hôm nay 28/12, những điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 đang bàn thảo sẽ chính thức được "chốt" lại tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW8, khóa XI và Tổng kết năm học 2012-2013 các trường đại học, cao đẳng.

Những ngày qua có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi về phương án tuyển sinh đại học tự chủ 2014, đặc biệt là từ khi Bộ GD-ĐT cung cấp thông tin dự thảo phương án kết hợp thi chung với thi riêng. Bởi theo dự thảo, trong năm 2014, các trường có nguyện vọng tuyển sinh riêng cần xây dựng và trình dự án, nếu Bộ phê duyệt thì được tiến hành, còn nếu chưa được duyệt - hoặc chưa có phương án thi riêng - thì vẫn tuyển sinh theo phương thức thi “3 chung” như các năm trước. Bộ cũng cho biết dự kiến sẽ duy trì kỳ thi “3 chung” thêm 3 năm nữa đến 2017.

Lãnh đạo của nhiều trường đại học cho rằng, không thể ngay lập thức "rã đám" thi "3 chung", cần phải có lộ trình thực hiện.

Hôm nay chốt phương án tuyển sinh  ĐH, CĐ 2014.

Hôm nay "chốt" phương án tuyển sinh  ĐH, CĐ 2014.

Thi riêng phải có lộ trình

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhằm tránh sự chuyển hướng đột ngột từ một kỳ thi “ba chung” sang tổ chức thi riêng từng trường, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cần được thay đổi theo lộ trình.

Lộ trình này có thể đi theo hai cách. Thứ nhất, có thể chuyển từ “ba chung” sang “hai chung”. Khi đó, Bộ vẫn đứng ra tổ chức kỳ thi chung đề và chung đợt cho tất cả các trường trong toàn quốc. Riêng khâu xét tuyển đơn giản hơn Bộ có thể để các trường chủ động. Sau đó tiến tới “một chung” trước khi để các trường tổ chức thi riêng.

Thứ hai, có thể thay đổi theo hướng chuyển từ “ba chung” toàn quốc sang tổ chức thi riêng ở một số nhóm trường theo đặc thù địa lý hoặc ngành nghề. Khi đó, các trường này phải cùng đồng thuận với nhau về các giải pháp kỹ thuật của kỳ thi từ ngày giờ tổ chức thi, mẫu hồ sơ đăng ký dự thi, cách thức nhận hồ sơ, môn thi, khối thi, xét tuyển... Đặc biệt, việc cho nhóm các trường cùng tổ chức thi sẽ là phương án hay để giảm bớt sự tốn kém về tài chính, cũng như huy động nguồn lực chung các trường trong việc tổ chức ngân hàng đề thi. Ngay cả với thí sinh, khi nhóm các trường cùng tổ chức thi sẽ tạo ra sự liên thông trong xét tuyển các trường nên thí sinh có nhiều cơ hội hơn việc từng trường tổ chức thi riêng.

Tiến sĩ Nghĩa cho rằng, dù theo cách nào thì kỳ thi “ba chung” cũng cần có bước chuyển mình, không thể ngay lập tức “rã đám” để từng trường tuyển sinh riêng. Vì như vậy, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ khó tránh được việc quay lại thời kỳ thi riêng trước khi bắt đầu “ba chung” hiện nay.

GS.TS Lê Phước Minh - Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, cơ chế tuyển sinh “3 chung” phù hợp với nhóm trường này nhưng lại không phù hợp với nhóm trường khác. Trong khi giai đoạn này đang là cơ hội vàng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó có đổi mới tuyển sinh.

Vấn đề không phải “3 chung” hay không, hoặc vì theo “3 chung” mà một số trường không tuyển sinh được. Thay đổi, cải tiến vì lý do này rốt cuộc cũng chỉ phục vụ cho mục đích ngắn hạn của một nhóm cục bộ, vì khó khăn trong tuyển sinh nên đề xuất thi riêng để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, rồi cứ luẩn quẩn mãi trong cái "vòng kim cô" đó. Một số bàn luận hiện nay rõ ràng không đi vào định hướng chung.

GS Minh cho rằng, tuyển sinh ĐH để đóng góp được trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Đổi mới, định hướng mục tiêu giáo dục từ phổ thông đến đại học. Đem đến chất lượng giáo dục nói chung, chứ không phải để tuyển sinh đủ số lượng. Nếu chúng ta chưa tìm được một cơ chế tốt hơn, thì phải tiếp tục nghiên cứu. Bộ có thể cho phép các trường cải tiến tuyển sinh một chút, trong giai đoạn trước mắt. Còn khi bàn đến đổi mới tuyển sinh, cần đặt trên nền chất lượng chứ không chỉ nói về số lượng nữa.

Theo GS Minh, trong thực tế, để đưa ra một cách thức, mô hình tuyển sinh mới là công việc không hề dễ dàng, cần có sự nghiên cứu, bàn thảo thật kỹ lưỡng của chuyên gia trong nước, chuyên gia quốc tế. Nếu không khéo, có khi ta thay đổi chỉ để đáp ứng những mục tiêu rất ngắn hạn”.

Bộ cần quản lý chặt chỉ tiêu

Ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường ĐH FPT cho rằng: “Dự thảo của Bộ yêu cầu các dự án thi riêng phải xây dựng theo mẫu gồm 11 phần - từ mục tiêu đến nguyên tắc, phương thức, lịch trình, lộ trình, tổ chức, chính sách, nguồn lực, giải pháp đảm bảo chất lượng, lịch sử quá khứ…- và thực thi theo phương án góp ý “3 vòng”: vòng 1 xin ý kiến góp ý của sinh viên, cán bộ, giảng viên nhà trường, vòng 2 xin ý kiến góp ý của Cục Khảo Thí và Kiểm định chất lượng, vòng 3 xin ý kiến góp ý của xã hội. Nếu được đồng thuận thì Bộ sẽ phê duyệt cho thực hiện. Dự thảo cũng nêu lên các nguyên tắc mà các trường khi tổ chức thi riêng phải tuân thủ, trong đó có việc đảm bảo “3 không”: không luyện thi, không tiêu cực, và không chạy theo số lượng – tức không được tuyển theo cách lấy cho đủ chỉ tiêu mà phải có ngưỡng chất lượng được xác định trước.

Ngoài ra, còn 3 cái “không được”: các trường thi riêng không được sử dụng kết quả thi 3 chung, không được sử dụng kết quả thi riêng của trường khác, không được tự ấn định ngày thi. Lãnh đạo Bộ cũng nói rõ ích lợi của thi riêng: “Cách thi mới sẽ tập trung vào việc đánh giá năng lực học sinh phù hợp với yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo ở bậc ĐH, CĐ. Sử dụng kết quả của một kỳ thi kiểm tra kiến thức chung để lựa chọn thí sinh cho tất cả các ngành nghề về lâu dài không còn phù hợp”.

“Với quy định phải xây dựng dự án 11 phần, “góp ý 3 vòng”, “3 không” và “3 không được” - dù vẫn biết rằng đều xuất phát từ mong muốn nâng cao chất lượng - các trường nhìn mà thấy oải. Ngay cả yêu cầu “3 không” nếu áp dụng cho kỳ thi đại học “3 chung” đang tổ chức hàng năm thì Bộ chắc cũng bó tay thôi: cả nước vẫn luyện thi đại học, vẫn không tránh khỏi tiêu cực chỗ này chỗ khác, và điểm sàn vẫn xác định để có “dôi dư” về số lượng. Thôi thì thà chưa tự chủ, thà cứ thi chung - dù là “về lâu dài không còn phù hợp” - cho nó lành” - ông Tùng than thở.

Ông Tùng đưa ra phương án mà ông tâm đắc nhất là phương án “mở” không quy định điểm sàn. Mọi thí sinh tốt nghiệp phổ thông thì đều có quyền đăng ký học đại học. Chất lượng đầu vào sẽ được quyết định bởi chỉ tiêu và chính sách tuyển sinh của từng trường đại học. Bộ sẽ quản lý chặt chỉ tiêu các trường và quản lý chất lượng đầu vào chủ yếu thông qua chỉ tiêu chứ không phải thông qua kết quả thi cử của từng thí sinh.

Còn ông Hà Xuân Quang - Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Qua nội dung dự thảo, thấy rằng Bộ GD-ĐT dường như chưa muốn khuyến khích các trường tuyển sinh riêng? Các trường tuyển sinh riêng sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Yêu cầu dự thảo cần hướng dẫn cụ thể hơn hình thức tuyển sinh xét tuyển; về xây dựng đề án tuyển sinh riêng cho các trường và công bố các tiêu chí để đánh giá các đề án rõ ràng hơn.

“Nên để các trường tuyển sinh riêng vẫn sử dụng kết quả ba chung để xét tuyển. Như vậy sẽ tránh rủi ro cho các trường, từ đó, các trường mạnh dạn hơn khi đăng ký tuyển sinh riêng” - ông Quang đề nghị.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm