1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Trường học tại Hà Nội được thu tiền học thêm bao nhiêu?

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Mức thu tiền học thêm của các trường học trên địa bàn Hà Nội tối đa là 32.000 đồng/tiết, áp dụng theo Quyết định 22 của UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2013.

Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và không vượt quá mức trần tối đa theo quy định.

Cụ thể, mức thu cấp THCS dao động từ 6.000 đồng đến 26.000 đồng/học sinh/tiết học, tùy theo số học sinh/lớp.

Mức thu cấp THPT dao động từ 7.000 đồng đến 32.000 đồng/học sinh/tiết học.

Chi tiết các mức thu tối đa như sau:

Trường học tại Hà Nội được thu tiền học thêm bao nhiêu? - 1

Mức thu học thêm tối đa theo quy định tại Hà Nội (Ảnh chụp màn hình).

70% số tiền học thêm nhà trường thu về sẽ dùng để chi trả chi thù lao giáo viên trực tiếp giảng dạy, 15% chi công tác quản lý dạy thêm học thêm của nhà trường và 15% hỗ trợ chi tiền điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.

Giáo viên dạy thêm không được trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông qua hội đồng giáo dục trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được tổ chức ở cấp tiểu học. 

Ngoài ra, theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn từ năm học 2023-2024, các dịch vụ hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, bồi dưỡng bổ sung kiến thức các môn văn hóa do các trường trực tiếp thực hiện là 15.000 đồng/học sinh/tiết dạy.

Nghị quyết cũng quy định mức thu các dịch vụ hỗ trợ giáo dục khác như hoạt động giáo dục kỹ năng sóng thu 15.000 đồng/tiết học, dịch vụ học 2 buổi/ngày với cấp THCS là 235.000 đồng/tháng.

Chi tiết các mức thu như sau:

Trường học tại Hà Nội được thu tiền học thêm bao nhiêu? - 2

Theo dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm được Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai xin ý kiến mới đây, tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS và không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.

Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký.

Dự thảo cũng đưa ra 5 nguyên tắc dạy thêm, học thêm. Theo đó, dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ đồng ý.

Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.

Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.

Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.

Nguyên tắc nhấn mạnh không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.