Cho phép giáo viên dạy thêm học sinh của mình trên lớp: Nên hay không?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Trong khi nhiều người quan ngại đề xuất mới tạo điều kiện để giáo viên "giấu bài", buộc học sinh đi học thêm thì ngược lại, nhiều người cho rằng việc dạy thêm là có lợi cho cả học sinh và giáo viên.

Tại dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, xin ý kiến góp ý từ 22/8 đến 22/10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), một trong những quy định được quan tâm đặc biệt là việc cho phép giáo viên được dạy thêm đối với học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường. Để được dạy thêm, giáo viên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.

So với quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, dự thảo mới được cho sẽ tháo gỡ nút thắt, tạo điều kiện cho giáo viên được dạy thêm đối với học sinh của mình tại nhà trường. Tuy nhiên, quy định này lại vấp phải sự băn khoăn, lo ngại của nhiều người. 

Cho phép giáo viên dạy thêm học sinh của mình trên lớp: Nên hay không? - 1

Nhiều người lo ngại việc cho phép dạy thêm, học thêm có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy chính khóa tại nhà trường (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Bày tỏ quan ngại của bản thân, anh Tham Van Cuong nêu quan điểm và dẫn chiếu ví dụ cụ thể: "Học thêm với cô dạy mình ở lớp là điều không hợp lý bởi những học sinh đi học sẽ được cô quan tâm, ưu ái hơn, gây bất công, ức chế cho các em khác. Ngoài ra, học thêm dẫn đến điểm số cao, không đúng năng lực sẽ làm các em chủ quan, tự tin thái quá, ảo tưởng về bản thân. 

Có trường hợp ở nơi tôi sống có học sinh đi học thêm nhà cô được 4 năm học sinh giỏi, cha mẹ không biết tưởng con em giỏi thật nên đi khoe cả xóm, năm nào cũng nhận tiền thưởng từ cơ quan, tổ dân phố. Tới khi trượt cấp 3 công lập mới bị sốc về tinh thần, dẫn tới trách móc lẫn nhau và xảy ra những điều tồi tệ. Ngược lại, những học sinh khác có học lực trung bình khá lại thi đỗ vào các trường cấp 3". 

Có chung sự lo lắng, độc giả Dương Anh Khoa bình luận: "Quy định này vô tình tạo ra sự thiên vị trong việc cho điểm số giữa các học sinh trong cùng một lớp khi các em đi học thêm sẽ rất dễ dàng để biết đáp án các đề thi, bài kiểm tra. Như vậy, học sinh đó khỏi cần chăm chỉ, nỗ lực thì cũng đạt điểm cao trong khi phần còn lại phải chấp nhận số phận, dù có chăm chỉ cỡ nào thì vẫn thấp hơn mấy bạn có đi học thêm với giáo viên của mình. Đương nhiên việc lộ đề kiểm tra được thực hiện kín đáo giữa giáo viên và học sinh nên rất khó bị phát hiện". 

Dưới góc nhìn của một nhà giáo, chị Đặng Thúy Vân cũng bày tỏ quan điểm không đồng tính với dự thảo của Bộ GD&ĐT: "Tôi cũng là một giáo viên nên tôi hiểu rằng không nên cho phép dạy thêm chính học sinh của mình trên lớp bởi khi học thêm, các con sẽ được giảng trước bài mới. Tới khi học chính khóa, các cô ỷ lại rằng học sinh biết rồi nên sẽ giảng lướt qua, khiến các em nếu không học thêm và học yếu sẽ không thể bắt kịp. Tôi ủng hộ dạy thêm nhưng với điều kiện không được dạy chính học sinh của mình ở lớp đang dạy". 

"Giáo viên có quyền dạy thêm, học sinh có quyền học thêm nếu có nhu cầu, nhưng cần nghiêm cấm dạy học sinh của mình ở trên lớp. Có rất nhiều học sinh bị trù dập nếu không học thêm của thầy cô dạy lớp mình. Học sinh có nhu cầu đi học thêm thầy cô giáo khác để giỏi hơn nhưng cứ phải tham gia thêm lớp học của giáo viên dạy mình để không bị trù dập trên lớp là điều thật sự rất bất cập. Nếu giáo viên dạy giỏi, có uy tín thì cho dù không dạy học sinh lớp mình cũng có rất nhiều học sinh đăng kí học", chị Như Quỳnh có chung quan điểm. 

Cho phép giáo viên dạy thêm học sinh của mình trên lớp: Nên hay không? - 2

Giáo viên có được dạy thêm, học sinh có nên học thêm là vấn đề nhận được nhiều quan điểm trái chiều (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Từ những băn khoăn, lo ngại như trên, nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của giáo viên và học sinh. Độc giả Dương Văn Triển nêu ý kiến: "Đề nghị ngành giáo dục nghiên cứu quy định các trường tổ chức dạy thêm cho học sinh không thu học phí, giáo viên tham gia dạy thêm tính tiền làm thêm giờ theo quy định, nghiêm cấm giáo viên hưởng lương từ ngân sách tham gia dạy thêm bằng bất cứ hình thức nào (trừ tham gia dạy thêm tại trường). Như vậy chất lượng giáo dục mới được nâng lên.

Để làm được vậy thì Nhà nước, Bộ Nội vụ cần ban hành chính sách lương thưởng, thêm giờ cho giáo viên, đảm bảo thu nhập giáo viên phải ổn định được cuộc sống, có phần tích lũy để phòng thân khi ko may gặp các rủi ro". 

"Tôi đề nghị tăng tiền lương giáo viên, và đã tăng rồi thì phải tuyệt đối cấm dạy thêm. Dạy thêm dẫn tới việc nhiều thầy cô không dạy kiến thức trong giờ chính khóa, để kiến thức dạy trong lớp học thêm. Thời gian ở trên lớp của học sinh thành ra là thời gian vất đi trong khi đáng ra nói phải là vàng ngọc. Chiều tối đáng lẽ được về nhà nghỉ ngơi, nạp năng lượng để học bài thì phụ huynh với các con lại chạy chen chúc khắp thành phố để học thêm, vừa tốn tiền, tốn thời gian, hại sức khỏe và rất phản khoa học", anh Quang Hai Dang tiếp lời. 

Trong khi đó, với độc giả Phạm Khắc Lập, người này bày tỏ quan điểm ủng hộ và cho rằng nên đối xử công bằng với nghề giáo như bao ngành nghề khác trong xã hội. Độc giả này viết: "Giáo viên chúng tôi có quyền dạy thêm, làm thêm công bằng như bao ngành khác. Các cô bác không đọc kỹ dự thảo của thông tư rồi. Các bác, các chú thấy Luật ràng buộc nghiêm ngặt thế nào: Không phải ai cũng được dạy thêm; Dạy thêm phải qua các cấp có thẩm quyền cho phép; Không phải ai cũng muốn thu sao thì thu mà thu phải có duyệt cấp trên; Không phải ai cũng mở được lớp dạy thêm mà lớp dạy thêm phải đủ điều kiện. Không phải nội dung nào cũng được dạy trong lớp học thêm mà nội dung chương trình bị kiếm duyệt nghiêm ngặt". 

Chung quan điểm ủng hộ, anh Hoàng Linh viết: "Mức độ tiếp thu, nhận thức của các em học sinh là khác nhau, không phải em nào cũng có thể "nuốt" trọn kiến thức mới chỉ trong vẻn vẹn 45 phút mỗi tiết học. Bởi vậy, việc đề xuất như vậy là hoàn toàn cần thiết và hợp lý, trước mắt vì cái lợi của chính các em chứ chưa cần đề cập tới lợi ích của các thầy cô giáo".