"Trường hạng bét cũng có thể công nhận giáo sư"

GS Nguyễn Đức Dân ủng hộ việc các trường tự xác định chức danh giáo sư (GS) cho trường mình vì nhiệm vụ khoa học. Theo ông, một trường đại học "hạng top" hoặc "hạng bét" cũng có thể tự xác định giáo sư cho mình.

GS ngôn ngữ Nguyễn Đức Dân (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM): Không nêu chức danh "giáo sư chung chung"

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc các trường ĐH tự xác định chức danh GS, PGS cho trường mình vì nhiệm vụ khoa học với điều kiện các cá nhân sau khi được xác định phải có ý thức nêu trên danh thiếp và giới thiệu rõ ràng đây là là GS, PGS của trường A hoặc của trường B chứ không được nêu chức danh này một cách chung chung, gây nhầm lẫn.


GS Nguyễn Đức Dân.

GS Nguyễn Đức Dân.

Một trường đại học hạng top hoặc một trường hạng bét cũng có thể tự xác định GS, PGS cho trường mình. Khi các trường đại học tự xác định chức danh GS, PGS cho các cá nhân của trường, cần lưu ý để tránh những hậu quả tiêu cực như: Cá nhân sau khi được trường phong sử dụng những chức danh này để đánh bóng tên tuổi khi không xứng tầm.

Để các trường đại học tự xác định GS, PGS đúng pháp lý,  Bộ GD-ĐT cần ban hành quy định cụ thể hoặc Hội đồng Chức danh GS nhà nước cần có các uỷ ban quy định khi trường tự xác định các cá nhân trường mình phải nêu rõ người được xác định khi đưa danh thiếp, ghi tên tuổi dưới các bài báo, công trình là GS, PGS của trường đại học nào.

Tiến sĩ Nguyễn Cam (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Giáo sư không phải chức danh vĩnh viễn


 TS Nguyễn Cam.

 TS Nguyễn Cam.

Lâu nay, việc công nhận các chức danh GS, PGS ở nước ta diễn ra tràn lan, biến các chức danh này thành chức vụ hành chính. Nhiều cá nhân sau khi được phong các chức danh trên không làm gì. Ngược lại, nhiều cá nhân dù xứng đáng được công nhận - bổ nhiệm, sẽ được cơ quan trường đại học yêu cầu làm hồ sơ đề xuất nhưng từ chối vì việc bỏ phiếu công nhận các chức danh dựa vào cảm tính thích hay không chứ không phải nhiệm vụ khoa học.

“Việc trường ĐH tự xác định GS, PGS là nên làm nhưng phải làm theo đúng thông lệ quốc tế và xem việc xác định chức danh này không phải là chức vụ mà nhiệm vụ khoa học.  Có nghĩa là trường đại học đang cần bao nhiêu “ghế” GS, bao nhiêu “ghế” PGS để làm nhiệm vụ gì hoặclàm được nhiệm vụ gì. Từ đó, những cá nhân trong trường thấy mình hội đủ các điều kiện nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí đó. Nhà trường thiết lập hội đồng đánh giá và chọn ra những cá nhân thích hợp. Hội đồng đánh giá có thể do nhà trường tựthiết lập với những cá nhân xuất sắc nhất hoặc mời những chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước.

Ở nước ngoài, việc các trường đại học tự xác định GS, PGS đã được thực hiện từ lâu. Vì vậy những người được các trường đại học xác định ghi rất rõ trên danh thiếp là GS, PGS của trường nào trong khi ở Việt Nam các chức danh GS, PGS được ghi rất chung chung.

Những người được trường xác định nên hiểu việc trường ĐH xác định cho mình không phải là việc phong chức vụ mà là nhiệm vụ khoa học của một trường đạihọc và chỉ trường đại học mới có trách nhiệm này. Các chức vụ này không phải phải vĩnh viễn. Tuỳ điều kiện mỗi trường có tiêu chuẩn khác nhau, trường danh tiếngđ ưa ra tiêu chuẩn cao, trường ít danh tiếng đưa tiêu chuẩn thấp. Một GS, PGS  thuộc trường này nhưng không thuộc khác. Khi không hoàn thành nhiệm vụ, trường có thể bãi nhiệm chức vụ này.

Việc trường đại học tự xác định GS, PGS cho trường mình là đúng. Quy định như thế nào tuỳ từng trường vì chất lượng mỗi trường khác nhau, nhưng khung, cách điều hành phải có tính pháp lý. Không phải là kiểu phong hành chính mà là nhiệm vụ khoa học giao cho một cán bộ làm việc tại trường đại học có điều kiện và do trường chịu trách nhiệm. Muốn danh chính ngôn thuận các trường phải làm bài bản, đồng thời nhà nước phải sửa lại luật giáo dục đại học.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Ủng hộ về lâu dài, trước mắt cần cân nhắc


 GS Nguyễn Minh Thuyết.

 GS Nguyễn Minh Thuyết.

Việc công nhận chức danh khoa học mỗi nước làm một khác. Cách thực hiện công nhận và bổ nhiệm GS, PGS ở nước ta hiện nay, theo tôi, đảm bảo được mặt bằng chất lượng tương đương của các GS, PGS trên toàn quốc, dù các GS, PGS làm việc ở trường nào.

Dù thực hiện việc phong học hàm hoặc bổ nhiệm chức danh GS, PGS đã 20 năm, nhưng có thể nói rằng đây vẫn là công việc khá mới đối với nước ta. Trong điều kiện trường sở đa dạng, trình độ giảng viên đa dạng, việc thực hiện theo quy định như hiện nay vừa đảm bảo quyền dân chủ của các trường, quyền dân chủ của các ứng viên, vừa đảm bảo mặt bằng nhất định cho các chức danh khoa học.

Thời gian gần đây, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có những động thái tích cực để khẳng định vị thế. Đó là những cố gắng đáng hoan nghênh.

Việc các trường tự xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS để bổ nhiệm GS, PGS, về lâu dài, nên ủng hộ vì nó phù hợp với quyền tự chủ của các trường.  Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, việc thí điểm ở một trường không thuộc tốp đầu như Trường ĐH Tôn Đức Thắng cần phải cân nhắc hơn.

Ngoài việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng thí điểm tự xem xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS để bổ nhiệm GS, PGS có phù hợp với quy chế chung không thì còn những vấn đề khác cần lưu tâm.

Việc phong GS, PGS ở Việt Nam thời gian qua dù có nhiều cải tiến, các hội đồng làm việc nghiêm túc, nhưng thẳng thắn mà nói không phải trường hợp nào cũng đạt trình độ như yêu cầu.

Tôi lo rằng, việc các trường tự xem xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS để bổ nhiệm lan rộng ra sẽ có vấn đề. Vì thực hiện trong nội bộ sẽ không tránh khỏi chuyện dễ dãi hoặc không công bằng: người được lòng lãnh đạo sẽ thuận lợi hơn, người không được lòng dù đủ tiêu chuẩn cũng sẽ gặp khó khăn,…

Một số nước có nền giáo dục tiên tiến như Pháp vẫn còn có hội đồng xem xét hồ sơ chung, thì nước mình càng phải thận trọng. Có theo hướng nào cũng cần căn cứ vào tình hình cụ thể, vào những quy định của Nhà nước để thực hiện.

Theo Lê Huyền - Ngân Anh

VietNamNet