Trung cấp kế toán - nghề mà nhiều cử nhân phải đến trường nghề học lại

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Do chính sách tài chính, ứng dụng hỗ trợ nghề thường xuyên đổi mới nên kế toán là nghề phải cập nhật kiến thức liên tục. Nhiều cử nhân phải đi học các khóa ngắn hạn để cập nhật kiến thức mới.

Nhiều áp lực nhưng dễ kiếm việc và ổn định

Trong các nghề bậc trung cấp và cao đẳng thì kế toán được các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhận định là một trong những nghề có khả năng "ngồi phòng lạnh" cao nhất và dễ kiếm việc nhất.

Tuy nhiên, đây cũng là một nghề có áp lực rất lớn vì khối lượng công việc lớn, áp lực thời gian, độ chính xác và phải cập nhật kiến thức mới liên tục.

Lãnh đạo một trường nghề từng chia sẻ ở trường ông thường xuyên tiếp nhận các cử nhân ngành Kế toán mới ra trường đến đăng ký học các khóa đào tạo ngắn hạn, nhất là kế toán doanh nghiệp.

Đơn giản là vì chính sách tài chính, bảng biểu khai báo, các ứng dụng hỗ trợ nghề này đổi mới liên tục. Mà giáo trình đào tạo đại học thường có độ trễ rất lớn với thị trường lao động nên khi ra trường làm việc thực tế, các cử nhân không quen nghiệp vụ.

Do đó, kế toán là nghề có nhu cầu học rất cao trong hệ thống GDNN vì tính thực dụng và ưu thế so với giáo dục đại học. Một nguyên nhân khác là học nghề này khá dễ tìm việc và tính ổn định của công việc rất cao.

Trung cấp kế toán - nghề mà nhiều cử nhân phải đến trường nghề học lại - 1

Kế toán là nghề đòi hỏi sự chỉn chu, tỉ mỉ và chịu áp lực rất cao (Ảnh minh họa).

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM, tài chính doanh nghiệp là huyết mạch trong sự phát triển bất kỳ một doanh nghiệp nào. Do đó, dù suy thoái kinh tế thì các doanh nghiệp cũng phải đầu tư và gìn giữ nhân tài trong lĩnh vực tài chính, kế toán.

Đặc biệt, nhu cầu nhân lực của ngành này rất lớn, nhất là tại các đô thị phát triển kinh tế mạnh mẽ như TPHCM.

Trong tổng số nhu cầu về nhân lực ngành này, 25% là nhu cầu tuyển cho các vị trí giám đốc và quản lý tài chính, 4% cho vị trí kiểm soát viên tài chính, 38% cho vị trí kế toán trưởng và chuyên viên kế toán là 33%.

Học bậc trung cấp và cao đẳng có nhiều ưu thế

Theo thạc sĩ Võ Công Trí, Phó giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn, kế toán là ngành đào tạo người học có trình độ hiểu biết và nhận thức về việc thu nhận, xử lý, cung cấp thông tin và sự vận động của tài sản trong doanh nghiệp.

Nội dung cốt lõi của chương trình kế toán là đào tạo người học nắm vững kiến thức cũng như biết vận dụng lý thuyết vào thực tế công việc kế toán của tổ chức như: kế toán doanh nghiệp, kế toán quản trị, kế toán chi phí, tin học ứng dụng trong kinh doanh, công tác kho vận, nghiệp vụ khai báo thuế…

Về vị trí việc làm, người học ngành kế toán có thể ứng tuyển vào những vị trí công việc như kế toán viên, kiểm toán viên, kê khai thuế, chuyên viên tư vấn tài chính, thủ kho, thu ngân, thủ quỹ…

Một lợi thế lớn khi học ngành này ở cấp bậc GDNN (cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn) là phân ngành chi tiết, cụ thể từng nghề mà người học ngành này có thể làm khi ra trường.

Với mô hình đào tạo của GDNN là theo định hướng doanh nghiệp, ưu tiên 70% thời lượng là để thực hành nên người học có nhiều thời gian cọ xát thực tế tại doanh nghiệp, tích lũy thêm kinh nghiệm khi làm công việc cụ thể.

Thạc sĩ Võ Công Trí cho rằng: "Chính vì học được đi đôi với hành đã tạo ưu thế cho người học ở bậc học này. Họ đã biết làm những công việc thực tế tại doanh nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tạo được mối quan hệ nghề nghiệp với những người đi trước để học hỏi thêm về chuyên môn, nghiệp vụ. Thậm chí là được tuyển dụng làm việc luôn tại công ty".

Tuy nhiên, ông Trí cũng lưu ý: "Vì công việc của kế toán làm việc với các con số là chủ yếu nên sẽ rất khô khan và áp lực. Do đó, người theo học cần chuẩn bị tâm lý để đối mặt với những vấn đề này".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm