Nâng cao chất lượng đào tạo để lôi kéo học sinh đến với trường nghề
(Dân trí) - Chỉ có nâng cao chất lượng đào tạo, học viên ra trường đáp ứng tốt nhu cầu lao động của doanh nghiệp thì mới có thể lôi kéo học sinh đến với trường nghề.
Theo đuổi chuẩn nghề quốc tế
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến về nâng cao chất lượng đào tạo nghề diễn ra vào tối 19/8, thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề An Giang đánh giá hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện nay vẫn chưa thật sự thu hút học sinh, đòi hỏi cơ sở GDNN phải đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Theo ông, hiện các trường nghề còn nhiều hạn chế trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy không đáp ứng được thực tiễn sản xuất, trong khi tốc độ khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão.
Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề An Giang đặt câu hỏi: "Vấn đề là làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo? Có như thế mới có thể lôi kéo học sinh về với trường nghề, góp phần để giải quyết vấn nạn thừa thầy thiếu thợ đang phổ biến ở nước ta".
Theo ông, GDNN chỉ có con đường đổi mới chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn nghề quốc tế, đầu tư nhiều cho thực hành với các trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật hiện đại. Khi đó, học viên ra trường đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp, có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn.
Cũng tại buổi tọa đàm, thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhờ sự giúp đỡ của Tổng cục GDNN và chương trình "Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam" của Tổ chức hợp tác phát triển Đức mà trường đang triển khai chương trình đào tạo ngành Cơ điện tử theo chuẩn Đức.
Với sự hỗ trợ của chuyên gia Đức, đào tạo cán bộ giảng dạy, đầu trang thiết bị thực hành hiện đại, Cơ điện tử sẽ là ngành đào tạo trọng điểm của trường. Từ đó nâng dần chất lượng đào tạo nghề của nhà trường theo hướng đạt chuẩn quốc tế.
Liên kết doanh nghiệp để đào tạo tốt hơn
Thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (Gò Vấp, TPHCM) cũng có quan điểm trường nghề là phải ưu tiên cho thực hành. Do đó, trang thiết bị thực hành hiện đại, đồng bộ với kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp là yêu cầu trọng yếu để phát triển kỹ năng nghề cho học viên.
Tuy nhiên, điều khó khăn là hầu hết các trường nghề không có nhiều tiềm lực để đầu tư mạnh cho trang thiết bị, trừ khi được Nhà nước hỗ trợ như trường Cao đẳng An Giang.
Cách làm của các trường "yếu tiềm lực" là cố gắng liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành với các ngành trường đào tạo.
Nhờ đó, trường có thể gửi sinh viên đến doanh nghiệp để thực hành, tận dụng thiết bị sản xuất của doanh nghiệp làm thiết bị giảng dạy và cho sinh viên làm quen sớm với công việc.
Như tại trường Trung cấp Lê Thị Riêng (TP Thủ Đức, TPHCM), trường phải liên kết với các salon, spa để cho các học viên ngành Chăm sóc sắc đẹp đến học và làm việc.
Thậm chí, trong trường còn có một xưởng may nhưng do doanh nghiệp đầu tư, học viên ngành May thời trang của trường được gửi học ở đây và tận dụng thiết bị của doanh nghiệp để thực hành...
Theo Hiệu trưởng trường Cao đẳng An Giang, dù ngành cơ điện tử của trường được đầu tư xưởng thực hành theo tiêu chuẩn châu Âu nhưng một trong những chiến lược trọng điểm của trường vẫn là tăng cường liên kết với doanh nghiệp.
"Tăng cường liên kết với doanh nghiệp là để các em sinh viên có cơ hội tăng thời gian thực hành tại doanh nghiệp, lại có thêm thu nhập bù đắp cho chi phí học hành", thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, nhận định: "Với các bậc học GDNN, việc liên kết với doanh nghiệp rất quan trọng!".
Nhờ đó, nhà trường nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp để đào tạo cho phù hợp, có nơi đưa học viên đến thực hành. Sau quá trình thực tập đáp ứng được công việc tại doanh nghiệp, học viên dễ dàng được giữ lại làm việc.
Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nói: "Doanh nghiệp là nơi tốt nhất cho học viên thực tập. Tại doanh nghiệp, học viên được học kỹ năng sát với thực tế hơn, tiếp cận thiết bị mới mà chỉ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mới có".