Trẻ nhỏ chết do bị bỏ quên trên xe: Cẩu thả trong giáo dục, trò mất mạng!

Hoài Nam

(Dân trí) - Đứa trẻ ấy mất mạng nào chỉ vì bị bỏ quên suốt 11 tiếng trên xe đưa đón, mà hơn hết, cháu đã bị bỏ quên trong tâm trí, suy nghĩ, trong sự thờ ơ của những người liên quan?

Không ngủ nổi!

Đêm 29/5, khi bạn bè gửi thông tin về vụ việc trẻ mầm non tử vong trên xe đưa đón ở Thái Bình, chị Nguyễn Thanh Dung, ở TPHCM, lắc đầu trong hoảng sợ: "Thôi đừng nhắc đến, chị không chịu nổi". 

Từ ngày làm mẹ, chị Dung sợ đọc những thông tin về tai nạn, mất mát liên quan đến trẻ nhỏ. 

Cố gạt đi nhưng suy nghĩ của chị tái hiện ngay một trong những sự việc làm chị ám ảnh nhất cuộc đời: Vụ bé trai lớp 1 tại Trường Gateway, Hà Nội trong những ngày đầu vừa vào lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón xảy ra gần 5 năm trước. Chị không dám tin, giờ đây, sự việc đó lặp lại. 

Trẻ nhỏ chết do bị bỏ quên trên xe: Cẩu thả trong giáo dục, trò mất mạng! - 1

Chiếc ô tô đón trẻ mầm non từ nhà đến trường Mầm non Hồng Nhung 2 (Ảnh: Đ.V).

Nghĩ đến đó chị như kiệt mọi năng lượng, không thể hình dung nổi cảnh tượng một đứa bé hoảng loạn trong chiếc xe kín cửa. Nào chỉ nắng nóng, nào chỉ không thở nổi mà có thể còn là sự gào thét trong bất lực của đứa trẻ.

Chỉ còn một vài ngày nữa là đến mùa hè, mà đứa bé ấy đã không kịp đón lễ tổng kết, không kịp đón ngày hè…

Theo thông tin sự việc, tầm 6h20 ngày 29/5, ông N.V.L. (59 tuổi), trú tại phường Quang Trung, TP Thái Bình điều khiển ô tô 29 chỗ cùng một giáo viên trường Mầm non Hồng Nhung đón cháu H. và 9 học sinh khác đi học.

Khi đến trường, ông L. mở cửa ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, người này điều khiển ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về.

Khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H. nhưng không thông báo cho gia đình.

Đến khoảng 17h cùng ngày, khi người thân đến trường đón cháu H. mới  phát hiện sự việc cháu bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.

Tính mạng của trẻ, đừng chờ rút kinh nghiệm 

Theo thông tin ban đầu, đến khi được phát hiện, cháu bé 5 tuổi ấy đã bị bỏ quên hoàn toàn khoảng 11 tiếng trên xe đưa đón.

Suốt 11 tiếng ấy, đứa trẻ đã được người thân trao cho xe đưa đón của trường lẽ ra phải ở trong vòng tay săn sóc của giáo viên; trong tiếng cười đùa, tinh nghịch cùng bạn bè, trong những bữa ăn và cả giấc ngủ…

Suốt 11 tiếng đồng hồ ấy, đứa trẻ không có mặt ở lớp không có lý do mà trường học, giáo viên không có lấy một sự thắc mắc, một câu hỏi, một gợi nhớ…

Chỉ cần một lời thắc mắc, một câu hỏi, một sự quan tâm từ giáo viên, từ nhà trường thôi có thể đứa trẻ ấy đã được phát hiện kịp thời, được cứu kịp thời. 

Đứa trẻ ấy mất mạng nào chỉ vì bị bỏ quên trên xe mà hơn hết, cháu đã bị bỏ quên trong tâm trí, suy nghĩ, trong sự thờ ơ của những người liên quan nhận trách nhiệm chăm sóc bé. 

Một đứa trẻ bị bỏ quên trong xe suốt 11 tiếng mà không ai hay thì chỉ có thể nói phía sau đó là sự cẩu thả, thờ ơ, sơ sài. Nó không chỉ đến từ một cá nhân mà là sự tắc trách, cẩu thả, thờ ơ của cả một quy trình vận hành.

Trẻ nhỏ chết do bị bỏ quên trên xe: Cẩu thả trong giáo dục, trò mất mạng! - 2

Trong giáo dục, sự an toàn của trẻ đến từ mọi hoạt động, mọi vật dụng, đồ dùng... (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Trong tác phẩm "Đời thừa", nhà văn Nam Cao từng viết: "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là một sự bất lương".

Nhưng điều đó vẫn có thể vẫn là chưa đủ để nói về cẩu thả trong giáo dục, nơi liên quan trực tiếp đến tính mạng của những đứa trẻ 

Từ những vụ việc bỏ quên trẻ trên xe đưa đón, một quản lý trường học ở TPHCM cũng nhắc đến sự việc đầu năm nay, học sinh tại Trường Phổ thông quốc tế Việt Nam mất mạng trong giờ học bơi khi có mặt giáo viên quản lý.

Ở đó, theo bà không chỉ là hình ảnh người thầy dạy bơi lo bấm điện thoại mà còn là quy trình quản lý lỏng lẻo từ phía nhà trường, phía hồ bơi.

Rồi sự việc ngay trong ngày khai giảng 5/9 đầu năm học, một học sinh ở TPHCM khi chạy tới lấy nước uống tại máy lọc nước ở khu nội trú của trường bị điện giật tử vong. Vụ việc này không thể gọi là sơ sẩy mà phía sau đó chính là sự sơ sài, cẩu thả.

Rồi không ít những vụ sập trần nhà trường học, sập cổng trường, học sinh bị điện giật...

Nhà quản lý này nhấn mạnh, an toàn cho học sinh phải từ xe đưa đón, từ cổng trường từ sân chơi cho đến từng viên gạch, cầu thang, cầu trượt rồi hệ thống điện, nước uống, bữa ăn, từng nhành cây...

Điều này đòi hỏi người làm giáo dục phải thật sự tỉ mỉ, quan tâm đến từng chi tiết, từng quy trình, không được bỏ sót bất cứ một kẽ hở nào.

Người này cũng bày tỏ, chúng ta thường có tâm lý "mất bò mới lo làm chuồng", sau mỗi vụ việc an toàn trường học nào là rút kinh nghiệm, kiểm tra lại, rà soát, xem lại quy trình vận hành…  Rồi mai mốt, khi sự việc lắng xuống có khi lại đâu vào đấy. 

Sự an toàn, tính mạng của con trẻ không thể chờ rút kinh nghiệm. Đó là việc những người có trách nhiệm phải làm thường xuyên, liên tục mỗi ngày, mỗi giờ… Không phải làm cho xong, cho có mà mỗi người phải đặt hết tâm sức, sự chú ý,  trách nhiệm của mình vào công việc, vào đứa trẻ.

Theo nhà quản lý này, bà luôn khuyên mọi người từ quản lý cho đến giáo viên, bảo mẫu, lao công, bảo vệ, nhân viên văn phòng... nếu ai cẩu thả, không thể chuyên tâm cho công việc nên cân nhắc tìm công việc khác.

Dẫu rằng tai nạn không thể tránh tuyệt đối nhưng tính mạng của học trò không có chỗ để bất kỳ ai được phép sơ sẩy, cẩu thả.