Trẻ mới vào lớp 1, mẹ ép ngồi tập viết ngày... 5 tiếng
(Dân trí) - Yêu cầu con ngồi tập viết chữ 4-5 giờ đồng hồ mỗi ngày, chị Hải Anh cũng căng thẳng khi nhìn vào tập vở của cháu.
Gần hai tuần nay, chị Đặng Hải Anh, ngụ ở quận 12, TPHCM "siết" kỷ luật học tập với cô con gái lớp 1. Ngoài giờ học online với giáo viên, mỗi ngày chị yêu cầu con ngồi tập viết 4 giờ đồng hồ, ngày cuối tuần 5 tiếng.
Cháu ngồi viết lâu, rất chậm, có nửa trang cả tiếng đồng hồ chưa xong. Nhiều khi chị phải cầm roi ngồi bên cạnh, con vừa viết vừa khóc.
Vậy nhưng mỗi khi nhìn con viết, hay nhìn vào tập của cháu là lại khiến chị căng thẳng.
Chị kể con mình viết đi viết lại chữ vẫn cong vẹo, chữ "b" thì nhìn ra chữ "l", chữ "ơ" loằng ngoằng nhìn như chữ "h"... nét chữ không vào được ô ly như yêu cầu.
Thấy nhiều bé cùng tuổi viết chữ nắn nót, gọn gàng, nên mỗi lần nghe cô nhận xét con mình viết chưa đạt, chị càng sốt ruột và ép con.
Cùng cảnh như chị Hải Anh, mỗi lần nhìn con viết chữ, viết số là chị Trần Hồng Hà, ở quận Bình Thạnh chỉ muốn bật khóc. Con chị có thói quen viết ngược, tập được một lúc rồi lại đâu vào đó.
Theo chị, năm nay con không được kèm chữ trừ trước. Học online ở lớp, các cô chỉ hướng dẫn qua, chủ yếu nghe đọc, chứ không kèm kỹ được phần viết. Trong khi mẹ không có kỹ năng dạy, không biết chỉ dẫn thế nào mới đúng.
Người mẹ căng thẳng: "Mới tối qua, cháu viết số 6 và chữ "m" gần 3 tiếng đồng hồ, đến hơn 10 giờ đêm. Vậy mà khi viết lại, cháu vẫn viết ngược, tôi stress quá!".
Trẻ không viết được, không đọc được... là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay. Trên các diễn dành phụ huynh có con lớp 1, liên tục những lời than thở, lo lắng từ bố mẹ về việc con không biết viết, viết chậm, viết xấu... Nhiều gia đình đã lên phương án tìm giáo viên kèm viết chữ cho con.
"Tôi đang tìm người kèm con viết chữ. Chỉ mong sau 30/9, khi có thể đi lại được sẽ mời cô giáo đến nhà để dạy thêm cho cháu", anh Nguyễn Văn Quang, ở quận Phú Nhuận cho biết.
Tránh gây áp lực cho trẻ
Cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên lớp 1 ở huyện Củ Chi chia sẻ, để giáo viên tổ chức được lớp học online và các em chịu ngồi yên hết tiết là thách thức. Việc dạy viết chữ cho các em rất khó thực hiện.
Để việc học online có kết quả, theo cô Phương phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ, kèm cặp của phụ huynh nên bản thân bố mẹ cũng áp lực, căng thẳng, điều này rất cần thông cảm.
"Bản thân tôi là giáo viên, ở nhà kèm con viết một trang cũng toát mồ hôi. Trong khi bố mẹ nhiều người không có kỹ năng, phương pháp sẽ càng mệt hơn", cô Phương chia sẻ.
Theo nữ giáo viên, ở độ tuổi này các em viết chữ theo trí nhớ về mặt, chữ nên nhiều trẻ viết ngược. Có nhiều chữ, số các em hay viết ngược như số 2, 6, 8... nhưng phụ huynh không nên quá lo lắng, trẻ sẽ điều chỉnh từ từ.
Cô Nguyễn Thị Bé, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Việt, TPHCM chia sẻ việc dạy online có thể thực hiện tốt với hoạt động đọc nhưng sẽ khó khăn trong hoạt động tập viết.
Theo cô, nhà trường, giáo viên cần có hướng dẫn, trao đổi cụ thể với phụ huynh, học sinh và tránh gây áp lực lên bố mẹ.
Hiện nay, các hình thức học tập với trẻ lớp 1 như online, qua truyền hình, bố mẹ kèm cặp, đều không hỗ trợ nhiều việc tập viết của trẻ.
Cô Thanh Phương nêu quan điểm, việc học online với học sinh lớp 1 lúc này cần điều chỉnh mục tiêu, tập trung vào nhận diện con chữ, đọc hiểu nhiều hơn và giảm áp lực về chữ viết.
Các giáo viên cũng lưu ý phụ huynh cần kiên nhẫn, đừng so sánh con mình với trẻ khác. Bố mẹ ép trẻ đọc, viết quá sức, mỗi ngày nhiều trang, thời gian dài... có thể để lại hậu quả với việc học lâu dài của con.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên các trường phải chuyển qua học online, việc này sẽ khó khăn nhất với học sinh lớp 1, 2. Ở bậc mầm non, đa số các em đã không có đủ thời gian học, thời gian làm quen với chữ viết...
Khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh, ngành giáo dục sẽ ưu tiên học sinh khối 1 chia nhỏ lớp quay trở lại học trực tiếp đầu tiên.